Kỳ 1: Vấn đề của mọi vấn đề!

Hà Văn Long

Trong nhiều bài phát biểu liên quan đến biển Đông của các quan chức Hoa Kỳ, Australia, Ấn Độ, và cả Trung Quốc trong những năm gần đây liên tục nhắc đến cụm từ tự do hàng hải hay tự do đi lại. Đặc biệt nhất là vào ngày 23/7/2010 tại hội nghị ARF diễn ra tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã lần đầu tiên đại diện cho nước Mỹ tuyên bố tại một hội nghị quốc tế:“Mỹ có lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải, trong tiếp cận các vùng biển chung của châu Á và tôn trọng luật pháp quốc tế ở biển Đông.”

Mở rộng hay giới hạn

“Mỗi quốc gia, không phụ thuộc vào việc quốc gia đó có biển hay không có biển, đều có quyền để tàu mang quốc kì nước mình qua lại tự do trên biển. Nguyên tắc này không chỉ áp dụng đối với tàu buôn mà cả tàu chiến nếu như tàu chiến đó kiềm chế việc dùng vũ lực hay đe dọa bằng dùng vũ lực thể theo Hiến chương Liên hợp quốc.

Những vấn đề thực tiễn của việc qua lại trên biển cả thể theo nguyên tắc tự do hàng hải được điều chỉnh bằng các điều ước quốc tế trong đó xác định quy chế của các tàu biển, giải quyết vấn đề cứu hộ trên biển, bảo đảm an toàn cho tàu biển, tránh gây ô nhiễm môi trường biển, vv.

Để đảm bảo tự do hàng hải, pháp luật quốc tế cấm xây dựng các đảo nhân tạo và các công trình trên biển nêúnhư chúng cản trở những đường trên biển có ý nghĩa quan trọng đối với hàng hải quốc tế. Hay nói một cách ngắn gọn hơn “Tự do hàng hải là việc mỗi quốc gia có quyền để tàu có mang quốc kỳ của nước mình đi lại tự do trên biển mà không bị đe dọa bởi tàu thuyền của các quốc gia khác.”

Về lịch sử của tự do hàng hải, vào thời trung đại, do chưa có bất kỳ điều luật quốc tế nào, cho nên các nguyên tắc hàng hải trên biển thường phải tuân theo Tập quán trên biển. Trong nhiều trường hợp các nguyên tắc đó đã được pháp điển hóa mà cụ thể là vào thế kỷ XIV, Tây Ban Nha đã cho ra đời Thông lệ biển Consolato del Mare. Thông lệ này được sử dụng để phân sử các vụ chiếm giữ hàng hóa, tàu thuyền trên biển cả, việc phân sử có thể do tàu tuần tra hoặc tòa án của quốc gia có chủ quyền trên vùng biển diễn ra sự việc thực hiện.

Ngoài ra thông lệ này còn nêu rõ: “hàng hóa của kẻ thù khi được vận chuyển trên tàu trung lập vẫn có thể bị chiếm giữ, nhưng hàng hóa trung lập có thể được vận chuyển tự do trên tàu của kẻ thù mà không bị chiếm giữ”. Vế đầu tiên của điều luật chỉ dụ việc chuyên chở bằng tàu trung lập là có thể xâm phạm trong thời gian chiến tranh, thế nên nó trái với tự do hàng hải như ngày nay ta hiểu. Tuy vậy, điều luật này vẫn được những cường quốc hàng hải bấy giờ như Anh, Pháp và Tây Ban Nha tuân theo.

Lịch sử thành hình

Đến đầu thế kỷ XVII, Vương quốc Hà Lan, lúc bấy giờ có lượng tàu chuyên chở lớn nhất, đã xây dựng nên một nguyên tắc khác, gọi là thuyền tự do (vận chuyển) hàng hóa tự do. Nguyên tắc này chỉ dụ là kể cả hàng hóa của kẻ địch (ngoại trừ hàng buôn lậu) là bất khả xâm phạm trong vùng biển quốc tế khi ghi nhận quyền của các quốc gia bị giới hạn trong một vành đai lãnh hải mở rộng ra từ các bờ biển của quốc gia đó, thường là 3 hải lý, theo quy định bắn đạn pháo từ đất liền ra biển.

Tất cả các lãnh hải nằm ngoài biên giới 3 hải lý được xem như lãnh hải quốc tế, không thuộc về bất kỳ quốc gia nào cả và tàu thuyền của tất cả các quốc gia được quyền tự do đi lại. Với việc làm cho thuyền của các nước trung lập được tự do di chuyển trên biển, nguyên tắcthuyền tự do (vận chuyển) hàng hóa tự do trở thành điểm cốt lõi của tự do hàng hải bây giờ.

Vì trước đó các quốc gia châu Âu không theo tàu tự do (vận chuyển) hàng hóa tự do, nên nguyên tắc này muốn trở thành một phần của luật quốc tế thì phải được ghi nhận trong các điều khoản. Hiệp ước đầu tiên có ghi nhận luật này là điều ước giữa vua Henry Đệ tứ của Pháp với đại diện của vương quốc Ottoman tên là Porte năm 1609, và sau đó Porte phải ký tiếp Vương quốc Hà Lan. Chính điều này đã sự xung đột giữa tập quán thuyền tự do (vận chuyển) hàng hóa tự do và Consolato del Maređã dẫn đến một cuộc chiến tranh giữa Tây Ban Nha và Hà Lan.

Sau hơn 80 năm chiến tranh, hai bên quyết định ngừng bắn và đi đến một điều ước thương mại mà trong đó ghi nhận điều luật thuyền tự do (vận chuyển) hàng hóa tự do. Sau đó, Vương quốc Hà Lan đã hoàn thành các điều ước song phương với một loạt các nước Châu Âu khác về nguyên tắc thuyền tự do (vận chuyển) hàng hóa tự do.

Tháng 3 năm 1780, Nữ hoàng Catherine đệ nhị của Nga đã đưa quyết ghi nhận nguyên tắc thuyền tự do (vận chuyển) hàng hóa tự do là quyền cơ bản của các quốc gia trung lập. Để bảo vệ nguyên tắc này, bà lập nên Liên đoàn Trung lập vũ trang, mà đã được Hà Lan công nhận và tuân theo. Nguyên tắc này sau đó không chỉ được các thành viên của Liên đoàn, mà còn được Pháp, Tây Ban Nha và nước Cộng hòa Mỹ tuân theo.

Với tuyên bố Paris năm 1856 về tôn trọng luật hàng hải chính thức ghi nhận điều luật thuyền tự do (vận chuyển) hàng tự do, từ bỏ Thông lệ biển Consolato del Mare. Tuyên bố này được các cường quốc hàng hải bấy giờ ký, ngoại trừ Mỹ, và được hầu hết các nước tuân theo.

Điều luật mới (là sự kết hợp giữa những phần hợp lý nhất của luật Consolato với luật tàu tự do) trở thành như sau: Một thuyền của nước trung lập có thể vận chuyển hàng hóa của bất kỳ quốc gia nào mà sẽ không bị tịch thu (ngoại trừ tàu buôn lậu).

Đến thế kỷ 20, nguyên tắc này trở thành một bộ phận của luật biển quốc tế hiện đang được ghi nhận trong Công ước của Liên Hợp Quốc năm 1982 về luật biển, sau khi được tổng thống Woodrow Wilson đề ra tại điều 2: Tự do thông thương của các đại dươngtrong Tuyên bố 14 điểm của ông trước quốc hội Mỹ vào năm 1918.

Hơn ai hết, Hoa Kỳ hiểu rõ những lợi ích mà chính sách tự do hàng hải mang lại. Từ đó, Hoa Kỳ đưa ra khái niệm và hành động tự do hàng hải theo quan điểm riêng của Hoa Kỳ, ngay cả khi chính sách đó có những điểm bất đồng với chính sách của các quốc gia khác trong việc phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh biển đảo.

Vì vậy, dẫn đến một hệ quả tất yếu, các quốc gia khác cũng sẽ đưa ra những khái niệm, yêu cầu về tự do hàng hải của riêng họ, dẫn đến những xung đột về lợi ích giữa các quốc gia trên khắp các vùng biển thế giới. Biển Đông đang là một biểu hiện rõ ràng nhất cho sự xung đột đó.

H.V.L

(Còn tiếp)

Nguồn Thanh Niên: http://motthegioi.vn/quoc-te/ky-1-van-de-cua-moi-van-de/