Kỳ 16: Ngành hải quan có nhiều công nhưng vẫn còn nhiều “lỗ hổng”...

(PL&XH) - Hải quan là một trong những ngành đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống quản lý Nhà nước.

Họ là đơn vị thực hiện việc quản lý nguồn thu, chống thất thu và giảm nợ đọng thuế qua việc tham vấn giá, xác định trị giá, xác định mã số tính thuế và kiểm tra sau thông quan... Ngoài ra, họ còn có nhiệm vụ phát hiện, bắt giữ và xử lý các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy, gian lận thương mại và vi phạm thủ tục hải quan.

Nhiều nỗ lực đáng ghi nhận

Những năm gần đây, lực lượng hải quan đóng vai trò khá quan trọng trong việc phối hợp cùng kho bạc Nhà nước, một số ngân hàng thương mại (NHTM) và các tổ chức tín dụng khác. Theo đó, cùng tiến hành cưỡng chế với những doanh nghiệp (DN) vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế. Điều này đã góp phần giúp cho ngành hải quan vượt thu ngân sách trong năm 2013.

Theo báo cáo, tổng thu ngân sách toàn ngành năm 2013 ước đạt 220.000 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với năm 2012. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2013 đạt khoảng 130,5 tỷ USD, tăng 13,9% so với năm 2012. Về kim ngạch nhập khẩu, năm 2013 ước đạt 130,8 tỷ USD, tăng 15%. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu có thuế đạt 9,7 tỷ USD (giảm 8,7%), kim ngạch nhập khẩu có thuế đạt 64,9 tỷ USD (tăng 2,9%).

Theo một số chuyên gia kinh tế, ngành hải quan trong năm 2013 có một số thành tựu nổi bật, cụ thể như sau: Thứ nhất, triển khai tốt thủ tục hải quan điện tử theo Nghị định số 87/2012/NĐ-CP ngày 20-10-2012 của Chính phủ, đã thực hiện 34/34 Cục Hải quan với 148.170 chi cục. Trong năm 2013, cả nước có 5,234 triệu tờ khai hải quan thì có tới 93,14% được thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 239,13 tỷ đồng, đạt khoảng 95,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Hiện, đã có 49.241 DN, chiếm tới gần 96% số DN thực hiện thủ tục hải quan trên toàn quốc.

Thứ hai, dự án Luật Hải quan sửa đổi. Điều này sẽ giúp cho ngành hải quan thuận lợi hơn trong việc quản lý, kiểm soát và thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Thứ ba, phát hiện và xử lý nhiều vụ gian lận thương mại trong hoàn thuế giá trị gia tăng, như vụ gian lận thương mại của Cty CP thực phẩm công nghệ Hà Nội.

Thứ tư, ngành hải quan đã hoàn thành thiết kế chi tiết hệ thống, tổ chức đào tạo và chạy thử nghiệm từ 15-11-2013 và sẽ vận hành chính thức vào ngày 1-4-2014. Thành công trong việc thực hiện khối lượng công việc khổng lồ liên quan đến dự án VNACCS/VCIS này có sự hỗ trợ không nhỏ từ các chuyên gia Nhật Bản.

Thứ năm, ngành đã có bộ quy tắc ứng xử cho công chức, viên chức, người hợp đồng lao động theo Quyết định số 557/QĐ-TCHQ ngày 18-2-2013. Đồng thời, đã thành lập và tổ chức hoạt động khá hiệu quả của các tổ kiểm tra giám sát đột xuất, hay còn gọi là đội đặc nhiệm.

Liệu còn bao nhiêu vụ “qua mặt” các cơ quan chức năng như vụ để lọt 600 bánh heroin trong năm 2013? Ảnh: TL

Phát hiện và xử lý nhiều vụ buôn lậu

Năm qua, ngành hải quan liên tục phát hiện và tạm giữ nhiều đường dây vận chuyển và buôn bán hàng hóa trái phép, trong đó có các loại ma túy và những mặt hàng cấm

Như chiều 21-10-2013, Chi cục hải quan cửa khẩu Chiềng Khương (Cục Hải quan tỉnh Điện Biên) đã phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ hai đối tượng có hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Lực lượng chức năng đã thu giữ được 1 bánh heroin (khoảng 338,86g).

Cùng ngày, Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh (Cục Hải quan TP HCM) đã phối hợp với chi nhánh TP HCM Cty CP chuyển phát nhanh Bưu điện phát hiện và bắt giữ 4,9kg tiền chất để sản xuất ma túy đá.

Đến ngày 24-10-2013, chi cục này phối hợp với PC 47 (CA TP HCM) tiếp tục phát hiện trong kiện hàng xuất khẩu có chứa 4kg tiền chất để sản xuất ma túy tổng hợp (Ephedrine, Pseudoesphedrine).

Đây chỉ một số vụ phát hiện và xử lý mà ngành hải quan đã làm được trong năm qua. Nó thể hiện sự quyết tâm và kiên quyết thực hiện tốt vai trò và nhiệm vụ cán bộ ngành hải quan.

“Lọt” ma túy do đâu?

Câu chuyện về vụ để “lọt” 600 bánh heroin (tương đương gần 300kg) qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất để sang Đài Loan đã khiến cho không chỉ dư luận mà các cơ quan chức năng bị giật mình. Theo đó, 600 bánh heroin này đã được đặt trong 12 chiếc thùng loa, vận chuyển từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất sang sân bay quốc tế Đào Viên (Đài Loan) theo một hợp đồng vận chuyển giữa Cty TNHH DV hàng hóa Tân Sơn Nhất và Cty TNHH TMDV giao nhận Lê Hòa có trụ sở ở đại lộ Võ Văn Kiệt, quận 1, TP HCM.

Theo đó, lô hàng đã được đưa vào hệ thống soi chiếu của lực lượng an ninh sân bay. Lạ là, máy soi chiếu (có trị giá khoảng 1,2 triệu USD) bất ngờ “lăn ra” hỏng khiến lực lượng an ninh phải sử dụng hệ thống soi chiếu thay thế. Lô hàng hoàn toàn “chuẩn”, không có chứa ma túy(?) Trong khi đó, lô hàng được Cty Air Sea Worldwide khai báo thuộc nhóm “hàng nguy hiểm”, “hàng có từ tính” và được dán nhãn đặc biệt: DG (dangerous label). Vậy nhưng lực lượng an ninh vẫn dễ dàng để lọt qua(?).

Chỉ đến khi cơ quan chức năng Đài Loan phát hiện ra 12 thùng loa đó có chứa 600 bánh heroin thì những người liên quan mới “ngã ngửa”. Trong khi đó, ông Trần Mã Thông, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM, khẳng định, lực lượng hải quan đã làm đúng quy trình kiểm tra. Cho nên, đến thời điểm này cục chưa kỷ luật ai mà đang chờ kết quả điều tra cuối cùng từ phía CQĐT thì mới xem xét việc kỷ luật. Hiện vụ việc vẫn đang được mở rộng điều tra.

Điểm mà dư luận thắc mắc ở đây là tại sao một lượng ma túy lớn như vậy có thể dễ dàng “qua mặt” các cơ quan chức năng. Hay nói cách khác, liệu có sự “bảo kê” hay “thông đồng” gì ở đây hay không? Rõ ràng, dù kết luận điều tra như thế nào thì việc ngành hải quan cũng phải tự nhìn nhận lại sự việc này để có biện pháp khắc phục, tránh để xảy ra tình trạng tương tự như vậy.

Có thể thấy, ngành hải quan trong năm qua có nỗ lực và đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Song song với đó, chúng ta cũng cần phải xem xét và nhìn lại một cách nghiêm túc, từ thủ tục đến quy trình, xem có “lỗ hổng” nào trong việc quản lý và kiểm soát hàng hóa thông quan hay không(?). Từ đó, đề xuất và đưa ra những biện pháp giải quyết và khắc phục hiệu quả. Điều đó sẽ giúp cho lực lượng ngày càng thực hiện tốt hơn nữa chức năng và nhiệm vụ của mình.

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn luật sư TP Hà Nội, nhận định, trong vụ việc 600 bánh heroin, lực lượng hải quan khó có thể nói không bị liên quan trách nhiệm. Bởi họ là những người chịu trách nhiệm kiểm tra và kiểm soát hàng hóa nhưng lại để xảy ra sự việc nghiêm trọng như vậy thì khó có thể chấp nhận được.
Cho dù, vẫn chưa có kết luận chính thức từ CQĐT thì Cục Hải quan TP HCM cũng phải có những biện pháp xử lý đối với những cán bộ liên quan đến vụ việc này. Chứ chờ đến khi CQĐT kết luận rồi mới xem xét xử lý thì thực sự chưa thể hiện rõ sự kiên quyết trong việc xử lý và khắc phục sai phạm.
“Giả sử nếu CQĐT khẳng định cán bộ hải quan liên quan đến việc đó thì có lẽ khi ấy Cục Hải quan đưa ra biện pháp xử lý sẽ “không” còn nhiều giá trị”, ông Tuấn nhận định thêm.

(còn nữa)
Nguyễn Tuấn

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20140119113051465p1005c1024/ky-16-nganh-hai-quan-co-nhieu-cong-nhung-van-con-nhieu-lo-hong.htm