Kỳ 2: Chưa điều tiết được thị trường

(VOV) - Sự yếu kém trong công tác điều tiết thị trường mía đường, cùng với cảnh tranh mua, tranh bán diễn ra giữa các nhà sản xuất đã khiến ngành mía đường ngày càng tụt dốc không phanh.

>> Kỳ 1: Đi giật lùi về đâu? Thừa công suất, vẫn thiếu đường Thị trường mía đường trồi sụt thất thường, công nghệ và quản lý lạc hậu vai trò của các nhà máy đường chưa thể hiện được nhiều, khiến người tiêu dùng trong nước gánh chịu thiệt thòi khi phải mua đường với mức giá cao hơn giá thế giới. Trong 3 năm qua, các công ty mía đường đã đầu tư nâng tổng công suất từ 86.500 tấn mía/ngày lên 105.700 tấn mía/ngày, nhưng diện tích mía, năng suất và sản lượng mía ngày càng sụt giảm dẫn đến tình trạng khan nguyên liệu gay gắt. Ông Đỗ Thanh Liêm, Giám đốc Công ty CP Đường Khánh Hòa phản ánh: “Sự thiếu hụt về nguyên liệu đã dẫn tới sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp sản xuất mía đường. Sự cạnh tranh này không loại trừ yếu tố thôn tính lẫn nhau. Đã xuất hiện nhiều hình thái, biện pháp, phương cách để làm sao mình sống và đối thủ của mình bị triệt tiêu”. Từ giữa tháng 3 trở lại đây, đã có hơn 20 trong tổng số 40 nhà máy đường phải kết thúc sản xuất trước niên vụ 2009-2010 do hết nguyên liệu. Ông Phan Huy Thông, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) phản ánh: “Vấn đề nổi cộm hiện nay là nguyên liệu cho chế biến đường ngày càng thiếu, như trong niên vụ này các nhà máy đường mới ép được trên 9,7 triệu tấn mía để sản xuất ra trên 904.000 tấn đường, tức mới đáp ứng được 61,2% công suất chế biến của 40 nhà máy đường”. Theo tính toán, 40 nhà máy đường với tổng công suất ép mía 105.750.000 tấn/ngày, mỗi vụ sản xuất khoảng 5 tháng, cần 14 - 15 triệu tấn mía nguyên liệu. Thế nhưng, diện tích mía nằm trong vùng nguyên liệu của các nhà máy chỉ còn 242.313 ha và có xu hướng tiếp tục giảm trong khi năng suất lại thuộc mức thấp nhất thế giới (51,7 tấn/ha), bằng một nửa so với Thái Lan. Như vậy, sản lượng mía cây thực tế chỉ khoảng 12 triệu tấn, dẫn đến thị trường luôn thiếu cung, khiến một nước mạnh về nông nghiệp như Việt Nam không còn cách nào khác là phải nhập khẩu đường. Đáng nói là dù chiếm tới 80% thị phần đường trong nước nhưng các nhà máy đường nước ta lại thụ động trước thị trường thế giới. Thống kê của Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cho thấy, từ đầu năm 2010, giá đường trên thế giới có xu hướng tăng vọt, thời kỳ cao nhất lên tới 738 USD/tấn. Giá đường trong nước ở thời điểm đó dù không chịu ảnh hưởng của giá đường thế giới cũng đã bị đẩy lên mức cao nhất. Có thời điểm, người tiêu dùng phải mua đường với giá bán lẻ từ 21.000-22.000 đồng/kg. Diễn biến này được ông Đoàn Xuân Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến NLTS&NM nhận định rằng có dấu hiệu bất thường, lợi dụng thị trường để té nước theo mưa. Theo ông Hòa, thời điểm trên là chính vụ sản xuất mía đường, cộng với lượng đường tồn kho lớn, tức cung cầu cân đối, song giá đường lại tăng cao đột biến. Tuy nhiên, từ tháng 4 và sang đầu tháng 5, giá đường trên thế giới lại giảm tới 52%. Trước sức ép này, giá đường trong nước đã phải hạ nhiệt, hiện giá xuất tại kho các nhà máy dao động từ 13.500-14.000 đồng/kg, giá bán lẻ trên thị trường là 17.000-17.500 đồng/kg. “Rất có thể, giá mía đường sẽ còn giảm bởi lượng đường lậu được đưa vào nước ta vẫn không quản lý được. Điều này dẫn đến tác hại là giá đường trong nước biến động mất cân đối về cung - cầu, mà chúng ta lại không kiểm soát, làm chủ được. Vì vậy, cần giữ được nhịp độ giá như hiện nay thì người trồng mía mới có lãi và không bỏ vùng nguyên liệu” - ông Đoàn Xuân Hòa cảnh báo. Tại thời điểm này, giá đường đã trở về mức khá ổn định. Song theo cân đối cung cầu sản xuất mía đường niên vụ này thì tình trạng thiếu hụt đường vào cuối năm sẽ tiếp diễn. Dự kiến, tổng lượng đường sản xuất niên vụ 2009-2010 sẽ đạt khoảng 984.000 tấn, giảm so với niên vụ trước đó là 5.000 tấn. Như vậy, nếu mức tiêu thụ đường năm nay chỉ giữ như năm trước thì lượng đường hiện có không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, dự kiến sẽ thiếu hụt khoảng 300.000 tấn. Sẽ điều chỉnh “van” nhập khẩu? Cân đối của Tổ chức Đường thế giới (ISO) cho thấy, sản lượng đường thế giới niên vụ 2009-2010 đạt 157,2 triệu tấn, so với nhu cầu tiêu dùng là 166,6 triệu tấn, tức năm nay sẽ thiếu hụt khoảng 9,4 triệu tấn đường. Vì thế, ISO nhận định, giá đường sẽ còn trồi sụt bất ổn định trong thời gian tới. Do đó, nếu không có chính sách điều tiết hợp lý, bám sát cung - cầu thì tình trạng lợi dụng, đẩy giá đường leo dốc vào cuối năm nay là khó tránh khỏi. Trước tình hình này, cùng với đề nghị của liên Bộ: Công thương và NN&PTNT, Chính phủ đã đồng ý nâng mức hạn ngạch nhập khẩu đường trong năm nay. Theo đó, tổng hạn ngạch đã cấp trong năm nay là 200.000 tấn. Ông Đoàn Xuân Hòa cho rằng, sở dĩ mới cấp hạn ngạch nhập khẩu 200.000 tấn là do còn xem xét mức tiêu thụ đường và “phòng” lượng đường nhập lậu tràn vào. “Đến thời điểm này, các doanh nghiệp mới nhập được 65.000 tấn đường và vẫn còn tới 135.000 tấn trong quota. Trước mắt, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục nhập khẩu theo quota đã cấp, còn việc có nhập bổ sung hay không, phải sau tháng 7 tới mới xem xét và quyết định” - ông Hòa chia sẻ. Liên quan tới vấn đề nhập khẩu, ông Trần Đình Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Mía đường I cho rằng: “Nhập khẩu đường là cần thiết trong giai đoạn này, nhưng phải phù hợp theo từng thời điểm, như vừa rồi chúng ta cho nhập về quá nhanh, đường ngoại về nhiều đã kéo giá đường nội địa xuống thấp. Do đó, chúng ta cần thay đổi quy trình này bằng việc tiến hành đấu giá nhập khẩu, chỉ các doanh nghiệp đủ điều kiện mới được tham gia và phải nhập trong đúng thời gian quy định, chứ không phải cứ đợi đến khi thiếu mới cuống lên nhập khẩu về”. Ông Trung cũng nêu ý kiến, việc công bố giá mía sàn, công bố giá đường sàn là phù hợp, đảm bảo quyền lợi giữa hai bên nông dân và nhà máy đường. Nếu doanh nghiệp nào làm khác thì phải có kiểm tra, giám sát và xử lý thích đáng./. Khương Lực - Quang Tuấn (Báo TNVN)

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/ky-2-chua-dieu-tiet-duoc-thi-truong/20105/145063.vov