Kỳ 2 – Vụ TAND thị xã Dĩ An 'trái lệnh' TAND Tối cao: Ai sẽ chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại?

Các đương sự 'cố ý' chuyển nhượng đất trái luật, cơ quan chức năng bị 'qua mặt' đã khiến vụ việc trở nên phức tạp sau rất nhiều năm. Vậy, ai và cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm đối với những sai phạm trên?

Biết đất của người khác vẫn “cố ý” mang tặng?

Như Pháp luật Plus đã đề cập trong bài “Bình Dương: TAND thị xã Dĩ An “trái lệnh” của TAND Tối cao?”, theo đó, bà Nguyễn Thị Tuyết dù biết rõ phần đất tranh chấp đã được các cơ quan chức năng thị xã Dĩ An và tỉnh Bình Dương đều công nhận cho bà Ngô Bích Hải (đại diện hợp pháp là ông Ngô Phạm Thiện), thế nhưng bà vẫn “cố ý” tìm cách hợp thức hóa và mang tặng cho người khác.

Cụ thể, theo Báo cáo 204/BC-TNMT ngày 12/5/2014 của Phòng TN&MT thị xã Dĩ An, năm 2009, bà Tuyết tách thửa tặng và chuyển nhượng hết phần đất được cấp GCN trái luật trên cho 5 người (trong đó có ông Võ Hoàng Tuyên - Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Tuyết).

Báo cáo 204/BC-TNMT của Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Tiếp đó, 5 người này lại chuyển nhượng phần đất trên cho 7 người khác. Theo ông Thiện cho biết, trong số những người trên, nhiều người có quan hệ họ hàng ruột thịt với bà Tuyết.

Liên quan đến những sai phạm trong vụ việc, tại Thông báo số 20/TB-UBND ngày 25/02/2016 của UBND tỉnh Bình Dương về kết quả giải quyết tố cáo của bà Hoàng Đình Uyên Thảo (do ông Thiện ủy quyền) tố cáo ông Lê Văn Hoàng, nguyên Chủ tịch UBND thị xã Dĩ An, tại phần Xử lý nêu rõ:

“Chủ tịch UBND tỉnh đã giao UBND thị xã Dĩ An thu hồi, hủy bỏ Quyết định số 7521/QĐ-UBND ngày 24/12/2014 của Chủ tịch UBND thị xã Dĩ An về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Ngô Phạm Thiện.

Tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tham mưu UBND thị xã Dĩ An cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Nguyễn Thị Tuyết và những người nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho từ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Nguyễn Thị Tuyết và những người nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho từ GCN QSDĐ của bà Nguyễn Thị Tuyết, đồng thời chấn chỉnh nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn khiếu nại theo đúng quy định pháp luật về khiếu nại”.

Thông báo số 20/TB-UBND của UBND tỉnh Bình Dương.

Có thể thấy, các cơ quan chức năng thị xã Dĩ An đã khắc phục phần nào những “lỗi lầm”. Thế nhưng, liệu điều đó có thể bù đắp hết những thiệt hại và uất ức của gia đình ông Thiện phải gánh chịu suốt hơn 20 năm?

Những tưởng, nỗi thống khổ của gia đình ông Thiện sẽ có hồi kết mỹ mãn sau phán quyết của TAND Tối cao tại TP HCM tại bản án số 164/2013/DS-PT (Bản án số 164) ngày 20/5/2013, tuy nhiên, đó chỉ là sự khởi đầu của một “tai họa” mới. Và ông Thiện lại phải vướng vào những rắc rối từ chính thửa đất bị chiếm đoạt hơn 20 năm qua dù nay đã được pháp luật công nhận.

Thẩm phán Vũ Linh ra Quyết định trái luật?

Như đã thông tin trong bài trước, tại Bản án số 164 đã tuyên bà Ngô Bích Hải là chủ sở hữu của mảnh đất do ông nội là cụ Ngô Văn Duy để lại.

Khu đất của bà Hải bị bà Tuyết "cố ý" cho tặng và chuyển nhượng cho những người khác.

Không chỉ vậy, Bản án số 164 còn ghi nhận một hành động được cho là rất nhân văn của bà Hải khi tự nguyện cho lại mẹ con bà Nguyễn Thị Tuyết (người được cho là đã chiếm đất của bà Hài suốt nhiều năm) 316,3m2 đất vì có công trông coi bảo quản tài sản trên.

Đến năm 2015, UBND thị xã Dĩ An ban hành các Quyết định thu hồi và hủy các GCN QSDĐ cấp trái pháp luật cho bà Tuyết và 7 cá nhân liên quan đến việc chuyển nhượng phần đất của cụ Duy mà bà tuyết đã thực hiện cho tặng (7 cá nhân liên quan).

Ngay sau đó, bà Tuyết cùng với 7 cá nhân liên quan đã có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy các Quyết định của UBND thị xã Dĩ An. Trong đó 7 cá nhân liên quan còn yêu cầu hủy GCN QSDĐ của ông Thiện (đã được cấp căn cứ theo Bản án số 164).

Sau khi xem xét yêu cầu của người khởi kiện trong vụ án hành chính trên, ngày 25/12/2015, TAND thị xã Dĩ An đã ban hành các Quyết định theo thứ tự số 01 đến 07/2015/QĐ-BPKCTT áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do thẩm phán Vũ Linh ký (Các QĐ AD BPKCTT 01 đến 07)

Quyết định số 01/2015/QĐ-BPKCTT của TAND thị xã Dĩ An cấm ông Ngô Phạm Thiện thay đổi hiện trạng đất một cách khó hiểu?

Trong Các QĐ AD BPKCTT 01 đến 07 đều có nội dung: “Cấm ông Ngô Phạm Thiện thay đổi hiện trạng đất và tài sản gắn liền trên đất, chuyển dịch về quyền tài sản đối với đất và tài sản gắn liền trên đất… (phần đất của cụ Duy đã được cấp GCN cho ông Thiện - PV)”.

Cũng từ đó, Bản án số 164 dù đã có hiệu lực nhưng hiện vẫn chưa thể tiếp tục thi hành. Và ông Thiện lại bắt đầu cuộc hành trình đi tìm công lý mới.

Cần nói rõ, mặc dù Công văn số 94/CV-GĐKT II (Công văn 94) ngày 10/4/2017 của TAND Tối cao đã khẳng định bản án phúc thẩm là thi hành được nhưng hiện TAND tỉnh Bình Dương vẫn chưa thể tiếp tục thi hành vì vướng mắc các QĐ AD BPKCTT trên của TAND thị xã Dĩ An.

Ngoài ra, Công văn 94 cũng nêu rõ: “Việc chuyển nhượng đất giữa bà Tuyết, anh Dũng, anh Thắng và những người khác nếu không tự giải quyết được thì họ có quyền khởi kiện vụ án dân sự khác để bảo vệ quyền lợi của mình”.

Công văn số 94/CV-GĐKT II của TAND Tối cao.

Trình bày với phóng viên, bà Hoàng Đình Uyên Thảo con ông Thiện phân tích:

“Có thể thấy, Công văn 94 đã gián tiếp “hướng dẫn” 7 cá nhân bị UBND thị xã Dĩ An thu hồi GCN QSDĐ đi kiện những người đã chuyển nhượng đất cho họ. Vì vậy Thẩm phán Vũ Linh ra các Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với tài sản của gia đình tôi là vi phạm pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình tôi.

Bởi lẽ tài sản này không thể dùng để giải quyết kết quả của vụ kiện hành chính trên. Trách nhiệm giải quyết hậu quả sai phạm nếu có trong vụ việc thuộc về cơ quan chức năng thị xã Dĩ An và những người biết đất không phải của mình nhưng lại đi chuyển nhượng trái pháp luật cho người khác”.

Bà Thảo cũng bức xúc yêu cầu: “Đề nghị các cơ quan chức năng có trách nhiệm cần làm rõ ai và cơ quan nào chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại cho gia đình tôi suốt nhiều năm qua”.

Để làm rõ vụ việc, ngày 23/8, phóng viên đã đến TAND thị xã Dĩ An liên hệ làm việc. Tiếp phóng viên, bà Nguyễn Thị Thắm, Chánh Văn phòng của đơn vị này cho biết Chánh án bị sốt nên xin nghỉ, Phó Chánh án có khách nên không tiếp phóng viên được. Phóng viên yêu cầu để lại nội dung làm việc, bà Thắm từ chối tiếp nhận và cho biết: “Lãnh đạo nói vụ án đang thụ lý, chưa xét xử nên không thể cung cấp thông tin được”.

Luật gia Đặng Thị Diệu Vân (Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hội Luật gia Việt Nam) nhận định:“Việc TAND thị xã Dĩ An ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nêu trên là xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Thiện, làm ảnh hưởng đến quá trình thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật, là vi phạm nguyên tắc “bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án” theo quy định tại điều 19 Bộ luật tố tụng dân sự 2004.

Việc TAND thị xã Dĩ An áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm hoặc buộc thực hiện những hành vi nhất định đối với ông Thiện là không có căn cứ theo điều 65 Luật tố tụng hành chính 2010. Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng với yêu cầu của đương sự mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc gây thiệt hại cho người thứ ba thì Tòa án phải bồi thường theo quy định tại điều 66 Luật tố tụng hành chính 2010”.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Kiến Dân – Nguyễn Hiếu

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/ky-2-vu-tand-thi-xa-di-an-trai-lenh-tand-toi-cao-ai-se-chiu-trach-nhiem-den-bu-thiet-hai-d51376.html