Kỳ 3: Đăng ký hộ khẩu cho CNLĐ tại các KCN - CX: Công an vào cuộc

Liên quan đến nhu cầu đăng ký hộ khẩu cho công nhân lao động CNLĐ tại các khu công nghiệp - chế xuất (KCN - CX), theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung, ngay từ ngày 27.5, nếu công nhân nào có đủ điều kiện để nhập khẩu, công an địa phương phải xem xét và hướng dẫn chi tiết, đảm bảo đúng quy trình, tạo điều kiện cho người lao động (NLĐ).

Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội về vấn đề xét nhập hộ khẩu cho CNLĐ, ngày 31.5, Công an huyện Đông Anh đã có công văn hướng dẫn điều kiện, trình tự thủ tục đăng ký thường trú cho những ai có nhu cầu.

Anh Hồ Hải Quân (bên phải) chưa biết sẽ làm thủ tục nhập khẩu như thế nào.

Theo đó, Công an huyện Đông Anh yêu cầu đồn Công an Kim Chung phối hợp với ban lãnh đạo các doanh nghiệp triển khai, thông báo tới toàn thể CNLĐ đang sinh sống làm việc trong KCN và lập danh sách những trường hợp đủ điều kiện đăng ký thường trú về Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội để được giải quyết.

Việc công an địa phương khẩn trương vào cuộc xem xét, tạo điều kiện cho CNLĐ có nhu cầu nhập khẩu là rất kịp thời theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội. Song dường như CNLĐ chưa nắm rõ về chủ trương, chính sách nhập khẩu. Vì vậy, hơn lúc nào hết các cơ quan chức năng cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa tới từng người để họ biết rõ quyền lợi của công dân sau khi được nhập khẩu.

Việc công an địa phương khẩn trương vào cuộc xem xét, tạo điều kiện cho CNLĐ có nhu cầu nhập khẩu là rất kịp thời theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội. Song dường như CNLĐ chưa nắm rõ về chủ trương, chính sách nhập khẩu.

Vì vậy, hơn lúc nào hết các cơ quan chức năng cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa tới từng người để họ biết rõ quyền lợi của công dân sau khi được nhập khẩu.

Trao đổi với PV, Thượng tá Khuất Mạnh Thuyết - Phó trưởng công an huyện Đông Anh, cho biết, chúng tôi đã cho in cụ thể các nội quy, quy định, điều khoản cụ thể liên quan đến việc cấp và nhập hộ khẩu cho CNLĐ, chyển những nội dung này đến đồn công an đóng tại các KCN, công khai dán nội quy tại phòng tiếp dân, bảng thông tin... Thậm chí, thông báo lên loa đài địa phương để CNLĐ nắm được nội dung.

“Tuy nhiên, từ khi triển khai đến thời điểm hiện tại chưa có công nhân nào đủ điều kiện để nhập hộ khẩu, cũng chỉ có vài trường hợp đến trụ sở công an huyện thắc mắc, nhưng khi được chúng tôi giải thích rõ quy định họ đều vui vẻ ra về. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện hết mức có thể, nếu như CNLĐ nào đó đủ điều kiện nhập khẩu sẽ tiến hành làm thủ tục luôn”- Thượng tá Thuyết cho hay

Mặc dù, theo Công an huyện Đông Anh, những nội quy, quy định liên quan đến việc cấp và nhập khẩu cho CNLĐ đã được tuyên truyền đến tận nơi nhưng theo khảo sát của chúng tôi, nhiều lao động vẫn mù mờ về chính sách nhập khẩu.

Vợ chồng anh Hồ Hải Quân và chị Đậu Thị Nam (quê ở Diễn Châu, Nghệ An) làm việc cho Công ty Hoya, ở KCN Bắc Thăng Long đã gần 10 năm. Hiện vợ chồng anh chị đến thuê nhà ở Phòng 406A Tòa nhà CT1A Khu nhà ở xã hội Kim Chung, Đông Anh.

Anh Quân cho biết: “Tôi cũng đã nghe trên các phương tiện thông tin nói về việc các cơ quan chức năng Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho những CNLĐ như vợ chồng tôi được nhập khẩu vào Hà Nội.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng mới nghe nói có chủ trương như vậy, chưa thấy công nhân nào nhập hộ khẩu thành công; cũng không biết nếu muốn nhập khẩu thì cần chuẩn bị những thủ tục gì, gặp cơ quan nào để giải quyết”.

Cùng thuê trọ trong Tòa nhà CT1A, gia đình chị Trần Thị Mai Hoa - Công nhân Công ty Denso (quê ở Bắc Giang) cũng có thâm niên đi thuê trọ ở xã Kim Chung gần 10 năm nay, trong đó có tới 9 năm ở thôn Nhuế và 1 năm nay dọn về phòng 1103 Tòa nhà CT1A. Với sổ tạm trú được Công an xã Kim Chung cấp, hiện chị đã xin cho 2 con vào học tại Trường Tiểu học Kim Chung, nhưng vì chưa có hộ khẩu nên vẫn phải chịu cảnh nộp tiền học trái tuyến.

“Tôi chưa hề biết chủ trương của Thành phố về việc cho những CNLĐ đã ký hợp đồng lao động dài hạn ở Hà Nội, có nguyện vọng nhập khẩu. Nhưng hiện tại, tôi chỉ có sổ tạm trú và đang đi thuê nhà, chứ không phải nhà của mình thì liệu có được xem xét nhập khẩu không. Nếu muốn hỏi những thủ tục này thì chúng em cũng không biết cần đến đâu để được hướng dẫn”- chị Hoa bày tỏ băn khoăn…

Về vấn đề này, ông Trần Anh Dũng - Phó Phụ trách Phòng Quản lý nhà Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội (Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội) cho biết: Với tất cả các hộ gia đình khi đến thuê nhà tại Khu nhà ở xã hội Kim Chung, đều thực hiện đăng ký tạm trú, tạm vắng với Công an xã Kim Chung.

Thế nhưng, nhiều gia đình CNLĐ thường xuyên thay đổi chỗ ở, không ổn định lâu dài nên thông thường chỉ xem xét cấp giấy tạm trú, việc cấp đăng ký thường trú cũng gặp khó khăn. Do đó, việc xem xét nhập khẩu không đơn giản.

V. Giang - L.Ngọc

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-3-dang-ky-ho-khau-cho-cnld-tai-cac-kcn-cx-cong-an-vao-cuoc-40497.html