Kỳ 8 - Chống được 'chạy' sẽ thành công: Chống 'chạy'

Nhờ có báo chí và truyền thông mà cái xấu, cái ác cùng với sự tha hóa về quyền lực trong hệ thống chính trị mới bị phát giác, bị lên án mạnh mẽ và kịp thời. Một trong những giải pháp chống “chạy” thành công, chúng ta cần phát huy tốt dân chủ và truyền thông.

Phát huy dân chủ

Cùng với việc chuyển đổi từ chế độ tập quyền sang chế độ pháp quyền, chúng ta phải coi trọng vấn đề dân chủ. Đây chính là sức mạnh chính trị tinh thần, là động lực thúc đẩy phát triển. Nhưng trên thực tế, dân chủ trên nhiều mặt còn nặng hình thức, thể hiện ngay trong một số cơ quan quyền lực nhà nước. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nhiều hệ lụy xấu, là môi trường dung dưỡng vấn nạn “chạy”.

Trên thực tế có ở nhiều nơi, nhiều chuyện không thể “chạy” được vì ở đó bảo đảm dân chủ thực chất.

Ngoài những giải pháp cần lưu ý như nêu ở trên, trong tình hình hiện nay, chúng ta cần chống hiện tượng dân chủ hình thức và có bước đột phá về vấn đề này. Thực sự dân chủ, thực chất dân chủ mới bảo đảm được kỷ cương, mới thu hút, động viên được nhân tài, vật lực vào sự nghiệp chung.

Dân chủ là thước đo sự tiến bộ xã hội. Muốn có công bằng phải có dân chủ. Xã hội văn minh phải trên nền tảng dân chủ. Dân chủ phải được thực thi ở mọi ngành, mọi cấp, mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, ở mọi tổ chức trong hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội và từng khu dân cư. Không ai có quyền cấm đoán, bóp nghẹt, hạn chế dân chủ.

Khai thác, sử dụng triệt để tính tích cực của báo chí và truyền thông là giải pháp rất quan trọng và hiệu quả trong công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức, bản lĩnh, đạo đức con người

Không dân chủ, không đủ thông tin để quyết định chủ trương, chính sách, giải pháp, biện pháp điều hành thực hiện nhiệm vụ. Không dân chủ không khơi dậy được tinh thần yêu nước, sức sáng tạo và sự quật khởi của nhân dân vào sự nghiệp chung. Không dân chủ không đấu tranh nổi với cái xấu, cái ác. Không dân chủ không đánh giá đúng con người, không phát hiện, lựa chọn và thu hút được nhân tài vào các vị trí quan trọng. Không dân chủ không thanh lọc, sàng lọc được cán bộ Đảng viên, công chức, viên chức. Không dân chủ không đo lường được dư luận và tâm trạng xã hội…

Chúng ta không chấp nhận đa đảng đối lập, nhưng phải thực sự dân chủ, thực chất dân chủ. Thực hiện tốt dân chủ sẽ góp phần quan trọng trong đấu tranh chống tham nhũng, lợi ích nhóm. Dân chủ là cứu cánh để chúng ta phát huy sức mạnh và tiềm năng của toàn dân tộc. Vậy nên phải bổ sung, sửa đổi luật pháp và các quy định hành chính để phát huy dân chủ.

Thông qua đó, các cơ quan Đảng, Nhà nước đo lường được tâm trạng xã hội để điều chỉnh, bổ sung chính sách, giải pháp điều hành, chỉ đạo phù hợp. Đồng thời phát hiện phục vụ đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, suy thoái.

Trước hết, bằng mọi biện pháp để các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được thực hiện đầy đủ trong cuộc sống. Các quy định tại các văn bản pháp luật khác và các quy chế do các tổ chức đặt ra để thực hiện nội dung trên phải tuân thủ tuyệt đối Hiến pháp, không làm sai lệch nội dung quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được hiến định.

Thực hiện tốt quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật là yếu tố cốt lõi để xây dựng và phát huy dân chủ. Tuy nhiên, để phát huy tốt dân chủ trong từng cơ quan, đơn vị, điều kiện rất quan trọng là phụ thuộc vào tư duy, tư chất, tư cách người đứng đầu. Người đứng đầu có tâm, có tầm và có tài sẽ hội tụ và phát huy được trí tuệ của tập thể, dân chủ sẽ được thực chất, sức sáng tạo, sức mạnh sẽ được nhân lên.

Bác Hồ từng nói: “Dân chủ là làm sao cho dân được mở miệng ra”. Quyền được mở miệng ra là quyền nói. Nói ở đây không chỉ phát ngôn ra từ miệng mà còn phát ngôn trên báo chí truyền thông.

Cái khó của phát huy dân chủ ở nước ta hiện nay là người đứng đầu nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, bên cạnh đó tư duy logic và tư duy phản biện nhìn chung còn hạn chế. Nhiều nơi hội chứng nói theo lãnh đạo, nói lấy lòng cấp trên, lấy lòng mọi người trong các hội họp, giao lưu... còn lấn át các chính kiến có tính khoa học và thực tiễn cao. Và vì thế cuộc đấu tranh để bảo đảm thực sự dân chủ, thực chất dân chủ cũng còn lắm khó khăn.

Phát huy truyền thông

Riêng trên diễn đàn báo chí và truyền thông, phải bảo đảm tự do ngôn luận theo đúng quy định của pháp luật. Chúng ta kiên quyết đấu tranh với các quan điểm, luận điệu tuyên truyền chống phá, chống đối chế độ, nhưng cần phải có nhiều tiếng nói với góc nhìn đa chiều, thậm chí khác biệt về những vấn đề theo dòng chảy thời cuộc. Cần tạo được nhiều diễn đàn giám sát và phản biện xã hội, tạo được bầu không khí dân chủ thực sự để giải tỏa những ấm ức, bức xúc của cán bộ, Đảng viên và người dân.

Phải triệt để khai thác công nghệ hiện đại của báo chí và truyền thông xã hội để phục vụ các yêu cầu nói trên. Trong lĩnh vực này, những gì pháp luật cấm, phải được thực hiện nghiêm và xử lý nặng các hành vi vi phạm, như thông tin sai sự thật, xuyên tạc, kích động, chống phá nhà nước, gây bất ổn xã hội; xúc phạm danh dự nhân phẩm, cá nhân; làm lộ bí mật Nhà nước, bí mật quân sự…

Những gì chưa có quy định cấm, cần phải bổ sung. Cần phải giáo dục cho toàn dân sống phải có trách nhiệm đối với xã hội. Không vì sở thích, hiếu kỳ, mâu thuẫn, ganh ghét cá nhân hoặc vì những động cơ mục đích thiếu trong sáng mà đưa lên mạng xã hội những nội dung thông tin trái ngược với lợi ích cộng đồng, thuần phong mỹ tục của dân tộc, thiếu tinh thần xây dựng.

Nhiều người cho rằng: Tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức đã suy thoái nghiêm trọng, kéo dài nhiều năm nay. Đảng nói nhiều, dân oán thán, nhưng không được phát hiện. Mà có phát hiện thì cũng chỉ đạt được một phần nghìn số lượng cá nhân, vụ việc mà thôi. Nhờ có báo chí và truyền thông mà cái xấu, cái ác cùng với sự tha hóa về quyền lực trong hệ thống chính trị mới bị phát giác, bị lên án mạnh mẽ và kịp thời.

Không có mạng xã hội, việc xử lý thông tin vụ việc vẫn như lâu nay. Không hiếm những sự việc, cơ quan có trách nhiệm nghe thông tin một chiều, có những vụ việc, người dân bị oan, suốt đời đi kiện mà vẫn không được bảo vệ được sự thật, không giải oan được.

Cần phải coi khai thác, sử dụng triệt để tính tích cực của báo chí và truyền thông là một giải pháp rất quan trọng và hiệu quả trong công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức, bản lĩnh, đạo đức con người, đồng thời cần khuyến khích toàn dân phát hiện tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí, suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thông qua báo chí và truyền thông.

Nguyễn Hòa Văn - Theo http://lambao.com.vn/

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/ky-8--chong-duoc-chay-se-thanh-cong-chong-chay-d52299.html