Kỳ án ở tỉnh Quảng Ninh- Kỳ 3: Cơ quan tố tụng “ngây ngô” hay cố tình hình sự hóa?

(PL&XH) - Đem tội danh chỉ dành cho “cán bộ” đội lên đầu người dân, các cơ quan tiến hành tố tụng TP Hạ Long “ngây ngô” hay quá “bí” khi cất công “bới lông tìm vết” trong vụ án không có dấu hiệu hình sự này?

Ở vụ án này, VKSND TP Hạ Long truy tố bà Nguyễn Thị Lý và ông Vũ Đình Mạnh về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự (BLHS). Theo khoa học pháp lý, đây là một tội danh có chủ thể đặc biệt là người có “chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước”.

Ngay tại khoản 1, Điều 165 BLHS nêu rất rõ: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái…”. Như vậy, có nghĩa là người không có chức vụ, quyền hạn thì có muốn cũng không thể “lợi dụng” mà “cố ý làm trái…” được, hay nói cách khác, người không có “chức vụ, quyền hạn” thì không thể phạm tội này.

Trao đổi với PV báo PL&XH về khía cạnh pháp lý trong vụ án, một số luật sư cho rằng, chưa bàn đến sự lẫn lộn giữa quan hệ dân sự, hành chính, lao động với quan hệ hình sự trong vụ án này, thì việc truy cứu trách nhiệm hai người nói trên theo tội danh quy định tại Điều 165 BLHS đã là không đúng. Các luật sư phân tích, chỉ rõ khá cụ thể những sự “không đúng”, đó là:

Thứ nhất, việc truy tố như trên là nhầm về “chủ thể tội phạm”. Người phạm tội danh quy định tại Điều 165 BLHS phải là người giữ chức vụ, quyền hạn nhất định trong cơ quan Nhà nước và trong công tác, họ có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế. Thế nhưng, ở đây bà Lý và ông Mạnh là người của một Cty CP có vốn góp phi Nhà nước, không phải là người có “chức vụ, quyền hạn”.

Theo Giấy đăng ký kinh doanh, Cty Hà Khẩu là doanh nghiệp dân doanh, được tổ chức theo loại hình Cty CP, có nhiều cổ đông góp vốn thành lập và tổ chức hoạt động. Mọi hoạt động của doanh nghiệp đều phải dựa trên ý chí của Đại hội đồng cổ đông và/hoặc Hội đồng quản trị. “GĐ Cty không phải là cán bộ lãnh đạo của cơ quan quản lý Nhà nước về kinh tế, nên có muốn “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” cũng… không được”, một luật sư phân tích.

Ông Vũ Đình Mạnh chỉ giữ chức vụ Trưởng phòng Tổ chức - hành chính Cty Hà Khẩu, không phải là người có chức vụ quyền hạn trong quản lý kinh tế. Vì thế, khởi tố, điều tra bà Nguyễn Thị Lý, ông Vũ Đình Mạnh là sai chủ thể của tội danh quy định tại Điều 165 BLHS.

Thứ hai, về cái gọi là “quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế” trong vụ án mà CQĐT và VKS dẫn chiếu ra, đó là Quyết định 2234/QĐ-UBND ngày 15-7-2011 của UBND TP Hạ Long phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho người lao động của Cty Hà Khẩu. Thực chất, đây là văn bản cá biệt, không phải là văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tức không phải là quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế. Theo phân tích của các luật sư, đây không thể là căn cứ pháp luật để kết luận: Việc lãnh đạo Cty Hà Khẩu chi trả không đúng phương án là phạm vào tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế”.

Thứ ba, về “hậu quả nghiêm trọng” trong vụ án này. Được biết, số tiền chi trả cho người lao động bị mất việc, thôi việc, ngừng việc… chi không hết, đã được Cty hoàn trả về TP, có biên nhận, ngân sách Nhà nước không thiệt hại đồng nào. Chính Chủ tịch UBND TP Hạ Long cũng xác nhận với PV về việc Cty Hà Khẩu đã hoàn trả tiền cho ngân sách.

Theo một luật sư tham gia vụ án, việc CQĐT, VKSND TP quy chụp tội danh khiên cưỡng đối với bà Lý và ông Mạnh thể hiện cách làm án tùy tiện, chủ quan, duy ý chí. Ngoài hậu quả nặng nề đối với hai cá nhân bị khởi tố thì còn kéo theo mộ̣t doanh nghiệp hơn 100 lao động đang chật vật bên bờ vực phá sản, cũng có nghĩa là chừng đó gia đình đang lâm vào cảnh khốn khó… Vụ án rất cần sự tỉnh táo, khách quan của cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý giải quyết.

Dự kiến, ngày 30-10 sẽ diễn ra phiên tòa xét xử sơ thẩm kỳ án này. PV báo PL&XH sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc diễn biến liên quan.

Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 BLHS)

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.

Hải Đăng

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20131026094319533p1002c1019/ky-an-o-tinh-quang-ninhky-3-co-quan-to-tung-ngay-ngo-hay-co-tinh-hinh-su-hoa.htm