Kỳ bí bức tượng đồng người châu Phi lõa thể (Kỳ 2)

Từ phát hiện của nhà sưu tầm cổ vật Lâm Dũ Xênh và nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Việt cho thấy nhiều khả năng từ hơn 2.000 năm trước đã tồn tại một mối giao lưu từ châu Phi xa xăm đến với vùng di chỉ khảo cổ, văn hóa Đông Sơn của VN

Những bức tượng cổ chưa từng thấy trên thế giới

Tiếp tục câu chuyện về bức tượng đồng người đàn ông châu Phi lõa thể trong bộ sưu tập của ông Lâm Dũ Xênh (xã Bình Đông, Bình Sơn, Quảng Ngãi), TS Nguyễn Việt - Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á cho hay, khoảng năm 1970, Viện Khảo cổ học khai quật lại di chỉ khảo cổ Đông Sơn (Thanh Hóa).

Nhà sưu tập Lâm Dũ Xênh kể lại quá trình tìm tấy bức tượng đồng người châu Phi lõa thể kỳ bí tại Sa Thầy (Kon Tum) - Ảnh: HC

Những phát hiện từ 30 năm trước

Tại đây, GS Diệp Đình Hòa được dân làng Đông Sơn cho xem và chụp ảnh một số hiện vật tìm thấy từ các ngách đá núi ven làng. Trong đó có bức tượng đồng màu xanh đen cao khoảng 12cm, tạo hình theo lối khuôn sáp, thể hiện một thanh niên tóc xoăn ngắn, mắt lồi, miệng nhô, trên mỗi bên má có hai vách ngăn song song như cách người da đỏ Nam Mỹ trang trí trên mặt.

Bức tượng ở trần, thể hiện tư thế rất lạ: chân phải đứng thẳng, chân trái vắt lên cao được nâng đỡ bởi cánh tay trái, còn cánh tay phải vòng cong như cùng với chân, tay trái ôm che một vật gì đó. Đặc biệt, bộ phận dương vật phóng đại rất lớn. Phần cổ và thắt lưng hiện hai đường ngấn lõm cùng cách để lộ dương vật và hoa vú cho thấy đây là tượng khỏa thân. Bên cạnh đó là hàng loạt yếu tố kỹ thuật rất đặc trưng khiến bức tượng khác hẳn mọi nền nghệ thuật đã phát hiện ở VN cũng như trên thế giới.

"Sự khác lạ đó và việc bức tượng phát hiện ngẫu nhiên khiến dường như không nhà nghiên cứu nào lưu tâm tìm hiểu và công bố. Nhưng dù được làm ở đâu thì sự hiện diện của nó ở Đông Sơn là một điều hiển nhiên đến kinh ngạc!" - TS Nguyễn Việt nói. Đến năm 1977, trong công bố chung về một số nhận thức mới rút ra từ cuộc khai quật Đông Sơn năm 1970, các tác giả Diệp Đình Hòa và Chử Văn Tần mới lần đầu tiên công bố ảnh chụp bức tượng nhằm gợi ý về khả năng tồn tại từ hơn 2.000 năm trước một mối giao lưu từ rất xa ở vùng đất Đông Sơn.

Đúng 10 năm sau, một ông già từ Thanh Hóa đem theo một bức tượng đồng đến Viện Khảo cổ học với hy vọng Viện sẽ mua lại. Theo lời ông, đó là hiện vật người dân đào được ngẫu nhiên trong vườn nhà tại làng Đông Sơn, nơi phân bố di tích văn hóa Đông Sơn. Viện Khảo cổ không được phép mua lại những hiện vật như vậy nhưng đã kịp chụp ảnh và làm một khuôn silicon phiên bản. Đó là một bức tượng nữ có kích thước gần bằng bức tượng nam nói trên, chất liệu đồng xanh nâu, còn khá nguyên ven, chỉ có phần nửa đùi chân bên trái bị gãy. Khuôn mặt của pho tượng này cũng thể hiện rõ những đặc tính "Phi châu": môi dày, nhô, mắt lồi, trên hai má đều có hai đường rạch ngắn song song.

Ảnh chụp bức tượng người đàn ông châu Phi lõa thể được tìm thấy lần đầu tiên tại Đông Sơn (Thanh Hóa) năm 1970

TS Nguyễn Việt cho hay: "Có thể nói, hai bức tượng giống nhau hoàn toàn về kỹ thuật chế tác và phong cách nghệ thuật. Theo sự phục dựng của tôi thì đó là một cụm tượng đôi rời nhau. Trong đó, tượng nữ mặt ngửa lên trời, hai chân như muốn khép, một tay che mặt, một tay che bộ phận sinh dục nằm gọn trong vòng tay, chân của pho tượng nam. Quả là một sự hội ngộ kỳ thú. Hoặc cũng có thể khi phát hiện, người dân đã tìm thấy cả một đôi nhưng giấu đi một chiếc?".

Hé mở mối giao lưu tiền sử kỳ bí

Từ khi sang làm nghiên cứu sinh ở Đức năm 1984 đến nay, TS Nguyễn Việt luôn mang ảnh bức tượng nam và phiên bản bức tượng nữ bên mình. Qua hàng trăm lần thăm các bảo tàng và hội nghị quốc tế, ông đều đưa ra hỏi, hy vọng phát hiện nơi nào đó trên thế giới có cùng phong cách tạo tượng như vậy, song chưa lần nào nhận được lời chỉ dẫn thuyết phục. Lần gần nhất, những vật này được TS Việt đưa ra hỏi các đồng nghiệp trên thế giới là mùa hè 2008, khi ông tham dự Đại hội Khảo cổ học thế giới lần thứ 6 tổ chức ở Dublin (Ireland). Vẫn không có bất kỳ tín hiệu nào về nguồn gốc đôi tượng này.

"Tính đến nay đã gần 25 năm ròng rã tôi đi tìm gốc rễ của bức tượng. Và rồi bất ngờ đã xảy đến khi tôi được nhà sưu tập Lâm Dũ Xênh cho xem bức tượng ở nhà ông. Một bất ngờ không thể giải thích được nguyên do đã hé mở con đường tìm ra mối giao lưu tiền sử kỳ bí vào loại nhất trong cuộc đời hơn 40 năm học tập, khai quật và nghiên cứu khảo cổ học của tôi" - TS Nguyễn Việt tâm sự.

Ông cho hay, tuy hai tay và dương vật của bức tượng này đã gãy nhưng những chi tiết còn lại hoàn toàn trùng khớp với phong cách kỹ thuật, nghệ thuật của hai bức tượng tìm được ở Đông Sơn. Điểm dễ nhận ra nhất là tính họ hàng, không thể trộn lẫn của ba bức tượng này là ở hai đầu nhô xoắn đinh vít dưới bàn chân. Riêng khuôn mặt thì có thể nói ba bức tượng thực sự là một gia đình. Khuôn mặt vát má, nhọn cằm với hai đường rạch song song hai bên má. Mắt lồi, môi dày, miệng nhô của cùng một mẹ sinh ra!

Phiên bản bức tượng người phụ nữ châu Phi được người dân Đông Sơn đem đến Viện khảo cổ học năm 1980

"Ba bức tượng này mang phong cách rất lạ ở Đông Nam Á và cũng chưa từng thấy nơi nào trên thế giới có những bức tương tự cả về phong cách nghệ thuật, trình độ kỹ thuật lẫn nội dung. Có bức rõ ràng tìm thấy ở di chỉ Đông Sơn nhưng không ai cho rằng nó thuộc văn hóa Đông Sơn. Chúng tôi thấy trình độ đúc đồng, khắc, làm tượng rất cao. Vì vậy ngờ rằng khoảng đầu Công nguyên đã có những tiểu quốc người châu Phi da đen đến nước ta và vùng phân bố rất rộng, khởi đầu từ Đông Sơn (Thanh Hóa) rồi theo các nhóm người di cư vào đến tận Sa Thầy (Kon Tum)!". Trên thực tế, tại vùng Sa Thầy gần đây đã phát hiện được nhiều di vật liên quan đến văn hóa Đông Sơn, trong đó phải kể đến hàng chục trống đồng cổ.

Đến lúc này TS Nguyễn Việt mới có thể thở phào, bởi dẫu bức tượng người châu Phi lõa thể mà ông Lâm Dũ Xênh sưu tập được là bức duy nhất còn lại sau khi hai bức tìm thấy trước đó đang lưu lạc nơi nào không rõ thì cuối cùng một tia sáng le lói cũng đã hiện ra trên con đường truy tìm những sứ giả kỳ bí đã đến với Đông Sơn. Ông cho hay, gần đây có một số tài liệu cho thấy cách đây mấy chục nghìn năm có làn sóng người châu Phi di chuyển dần sang Đông Nam Á. Hiện còn tồn tại một số nhóm người da nâu đậm, tóc xoăn ngắn như những người Xê Mang, Negrito ở Malaysia, Philippines.

"Liệu chăng trong quá khứ, tổ tiên của họ từng làm thành những bộ lạc hay tiểu quốc hùng mạnh ở vùng lục địa Đông Nam Á và sáng tạo ra nghệ thuật tượng khỏa thân rất sinh động như ba bức tượng trên?" - ông đặt câu hỏi. Và đó cũng là định hướng để ông và các đồng nghiệp tiếp tục tập trung nghiên cứu Sa Thầy và các vùng phụ cận với mục tiêu tìm ra cội nguồn xuất xứ của những sứ giả xa xăm và kỳ bí này!

HẢI CHÂU

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/Detail.aspx?ArticleID=3406