Kỳ bí Cồn Hến và huyền thoại tình yêu giữa dòng Hương Giang

Đặt chân đến cố đô Huế, người ta đặc biệt chú ý đến một cồn đất mọc giữa dòng sông Hương thơ mộng. Cồn đất nhỏ nhắn, xinh xắn và có hình trái tim rất đặc biệt.

Người dân nơi đây cho biết, cồn đất này có tên là Cồn Hến gắn với một sự tích tình yêu đầy chất sử thi. Tương truyền rằng, bà chúa Hoàng trong một lần chèo thuyền trên sông thưởng ngoạn, bỗng dưng phát hiện một mô đất nổi giữa sông Hương và chọn nơi đây dựng dinh cơ. Sau đó, bà kết hôn rồi ở ẩn cùng chồng trên hòn đảo tình yêu này. Người dân nơi đây kể lại, Cồn Hến do chính hai vợ chồng họ lập nên và có vô số những câu chuyện thú vị.

Cồn Hến nhìn từ xa giống như một quả tim

Cồn Hến nhìn từ xa giống như một quả tim

Huyền thoại Cồn Hến

Từ bao đời nay, sông Hương là hiềm tự hào của xứ Huế mộng mơ. Vẻ đẹp của con sông này được ví như dải lụa mềm mại tô điểm cho kinh thành Huế. Giữa hàng trăm, hàng nghìn truyền thuyết trên dòng sông này, chuyện tình của đôi nam nữ thuộc hai dòng dõi vua chúa khai sinh ra hòn đảo tình yêu (hình trái tim) giữa dòng Hương Giang được người ta nhắc đến nhiều nhất.

Với mong muốn được hiểu hơn về hòn đảo kỳ bý này, chúng tôi đã về tận nơi, tìm gặp những cao niên trong vùng để được nghe họ kể những câu chuyện huyền bí từ xa xưa. Trò chuyện với PV, cụ Trần Văn Hiền (85 tuổi), sinh sống gần khu vực này cho biết: “Cồn Hến xuất hiện từ lâu lắm rồi. Chúng tôi cũng không rõ lắm, chỉ nghe qua truyền miệng, còn nguồn gốc chính xác thì phải tìm đến viện Bảo tàng Thừa Thiên - Huế mới có tư liệu”.

Căn cứ vào các tư liệu lịch sử, đặc biệt là cuốn sách Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An, soạn thảo vào năm 1555 (ở thời kỳ Lê - Mạc, quyển sách mà Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú dùng để tham khảo khi biên soạn vùng đất Thừa Thiên - Huế), chúng tôi đã khám phá ra nhiều điều kỳ thú.

Theo cuốn sách này, Cồn Hến là một cù lao xinh đẹp nằm ở hạ lưu sông Linh Giang, do hai nhánh sông Đan Điền và Kim Trà hợp lưu. Sông rộng, quanh co hữu tình. Phía Tây có chùa Sùng Hóa, lại có bia Hoằng Phước, còn Như Nha, Thự, Hiến, Ty, Phủ Huyện, Vệ sở đều được nối liền đối nhau hai bên bờ tả hữu.

Theo lời kể của người dân, câu chuyện truyền trong dân gian thậm chí còn thi vị và đặc biệt hơn sử sách. Cồn Hến lúc mới khai sinh có tên gọi là Cồn Soi (Cồn nổi) hay xứ cồn cạn, nằm trong ba địa thế: Gian Hến (đất lâu năm có đền, chùa; Trung gian (đất ngụ cư); Bồi thành. Ngày xưa, do biến đổi khí hậu, thiên tai bão lụt triền miên, trải qua hàng trăm năm, sự bồi đắp, kiến tạo của thiên nhiên đã hình thành nên Cồn Hến nằm giữa dòng Hương Giang bây giờ.

Xưa kia Cồn Hến không một bóng người, chỉ có cây cối mọc um tùm, muông thú kéo nhau về trú ngụ, sinh sôi nảy nở. Bỗng một ngày, bà chúa Hoàng (người ở xã Diên Đại, huyện Phú Vang) du ngoạn trên sông Hương, phát hiện giữa dòng một cồn cát tuyệt đẹp. Sau một hồi quan sát, thấy nơi đây phong cảnh nên thơ, bà liền dừng chân nghỉ lại.

Sau này, nhiều lần bà ghé chân đến thăm rồi kết hôn với một người họ Nguyễn, thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1725 1738) xây dựng lên phủ chúa ở Phú Xuân. Hai vợ chồng quyết định đến dựng chòi trên cồn cát này sinh sống. Không có sách sử nào viết tiếp về cuộc sống của hai vợ chồng này trên côn cát, nhưng dân gian truyền rằng, ban đầu họ sống với muôn chim thú, lấy thức ăn từ sông. Họ còn trồng thêm rau, hoa quả để phục vụ các bữa ăn. Rồi họ sinh con và sống hạnh phúc với nhau trên hòn đảo đến đầu bạc răng nong.

Đến đầu niên hiệu Gia Long (1802 - 1820) đất kinh thành được mở rộng, 8 xã nằm trong diện di chuyển rồi được nhà vua cấp tiền mua hoặc trưng đất lập xã mới. Cồn Hến được chọn là nơi tái định cư cho dân xã Phú Xuân. Lần đầu tiên trong lịch sử những hộ dân họ Trần, Lê và Nguyễn được chuyển đến sống xen kẽ ở Cồn Hến. Từ thượng nguồn hướng về cửa sông, Cồn Dã Viên xuất hiện đầu tiên, tiếp theo là Cồn Hến được tạo thành thế Hữu Bạc Hổ (Cồn Dạ Viên) và Tả Thanh Long (Cồn Hến) chầu về kinh thành.

Sau khi có người sinh sống ở Cồn Hến, mọi thứ nơi đây trở nên sôi động hơn. Ngư dân thường ghé tròng (ghe) đi soi cá về trú ngụ. Nơi đây cũng xuất hiện nghề soi cá đêm. Người ta soi cá bằng cách dùng những cành thông khô bó lại rồi đốt thành lửa, chế thêm 1 cái đọt (cái chĩa 3 mũi nhọn làm bằng thép) để đâm cá. Đó là cách duy nhất để họ sinh tồn trên Cồn Hến.

Ông Nguyễn Văn Gặp, con cháu họ nguyễn đang giới thiệu về chiếc Cào hến có hàng trăm năm tuổi

Đặc sản tiến vua

Cũng chẳng ai biết vì sao, khi nhắc đến Cồn Hến người ta nghĩ ngay đến 2 thứ đặc sản nổi tiếng là hến và bắp (ngô). Người dân nơi đây cho biết, đây chính là đặc sản tiến vua vào mỗi dịp lễ, tết. Đời vua Thiệu Trị, hến được người dân đem bán quanh nội thành và trở thành món ăn nhiều người ưa thích. Để vua có bữa ăn ngon miệng, một hôm, đầu bếp đã chế biến cho vua một món ăn khác lạ. Khi dâng lên, vua Thiệu Trị nếm thử, khen ngon, bèn hỏi về lai lịch món này. Đầu bếp tâu rằng, do đôi vợ chồng sinh sống đầu tiên ở Cồn Hến làm ra.

Ngạc nhiên về món ăn lạ, vua lệnh cho lính đưa ông ra du ngoạn ở Cồn Hến. Từ đó, vua cũng có những ưu tiên đặc biệt cho người dân sinh sống trên đây, đồng thời khuyến khích người dân bắt hến để dùng trong các bữa ăn như là đặc sản của đất kinh thành.

Sau lần đó, hến trở thành món ăn khoái khẩu không thể thiếu hàng ngày của các bậc vua chúa và quản thần trong cung. Khi biết việc cào, bắt hến vô cùng cực nhọc, nhà vua mới có chỉ dụ miễn thuế cho nghề cào hến. Đây cũng là một trong những nghề hiếm hoi không phải nạp thuế cho triều đình thời điểm bấy giờ.

Cồn Hến còn nổi tiếng ngay trong chính cái tên của nó: “Cồn của loài Hến. Được bao bọc bởi sông Hương, nơi đây bốn mùa cây cối xanh tốt, khí hậu ẩm mát và một điều đặc biệt dù bị khai thác rất nhiều nhưng khu vực xung quanh không bao giờ hết hến. Hến sông Hương có rất nhiều loài, nhưng loại ở Cồn Hến rất đặc biệt. Thân nhỏ, kích cỡ chỉ bằng viên bi, có mùi thơm dể chịu, ruột hến ăn rất dẻo, giai, hương vị đậm đà, nước luộc hến có tác dụng thanh nhiệt, đặc biệt có thể chữa được một số bệnh. Hến có thể chế biến thành các món: Cơm hến, bún hến, hến xào. Thịt hến xào lên thêm gia vị ruốc, tương ớt, tiêu, nước mắm, tỏi, gừng, bì lợn rang phồng, đậu phụng rang, muối, mè. Cơm hoặc bún phải để nguội khi ăn đêm trộn đều có pha thêm một chút nước hến. Để có một tô cơm hoặc bún ngon, mang hương vị rất Huế thì hết sức công phu, nguyên liệu lên đến 14 thứ. Xứ Huế có nhiều món chế biến từ hến, nhưng hến ở Cồn Hến mới thực sự là đặc sản và kích thích sự tò mò của nhiều người.

Ngoài đặc sản hến, người dân Cồn Hến còn trồng được loại bắp (ngô) rất kỳ lạ ở cuối cồn. Loại ngô này bắp rất to, các hạt đều tăm tắp, màu trắng, dẻo mềm và có vị thơm đặc biệt. Cứ dịp lễ, tết người dân Cồn Hến thường dâng lên vua chúa hai đặc sản hến và bắp. Đây được coi là hai món sơn hào hải vị cũng chính là 2 món ăn mà đôi vợ chồng năm xưa khi đến khai hoang ở vùng đất này đã làm ra.

Lê Giáp

Nguồn ĐS&PL: http://nguoiduatin.vn/ky-bi-con-hen-va-huyen-thoai-tinh-yeu-giua-dong-huong-giang-a46005.html