Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Bảo đảm chất lượng lập pháp cao nhất

Ngày 20/5, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội và bước vào ngày làm việc đầu tiên tại Nhà Quốc hội.

Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN

Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN

Khối lượng nội dung về lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn (điều hành hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội) phát biểu khai mạc nhấn mạnh: Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra trong không khí hào hùng của những ngày tháng Năm lịch sử, kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa kết thúc thành công tốt đẹp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội phát biểu khai mạc. Ảnh: TTXVN

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội phát biểu khai mạc. Ảnh: TTXVN

Kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Tại phiên họp trù bị, các vị đại biểu Quốc hội đã thống nhất rất cao, biểu quyết thông qua nội dung, thời gian, chương trình và phương thức tiến hành kỳ họp. Theo đó, Quốc hội làm việc trong 26,5 ngày, từ ngày 20/5 đến ngày 28/6; chia làm hai đợt: đợt 1 từ ngày 20/5 đến ngày 8/6; đợt 2 từ ngày 17/6 đến ngày 28/6. Quốc hội sẽ xem xét, quyết định những nội dung quan trọng.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật; 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật khác. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh đây là khối lượng nội dung về lập pháp lớn nhất được xem xét tại một kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, trí tuệ, tập trung đóng góp ý kiến toàn diện cả về nội dung và kỹ thuật của dự thảo luật để bảo đảm chất lượng cao nhất khi được xem xét, thông qua tại Kỳ họp.

Phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu đề ra cho năm 2024

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024. Ảnh: TTXVN

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024. Ảnh: TTXVN

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2023 tiếp tục phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Theo đó, tốc độ tăng GDP đạt 5,05%, tuy thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức cao trên thế giới và khu vực. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) tăng 3,25%...

Phó Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian còn lại của năm 2024 là rất nặng nề, song với tinh thần đoàn kết, năng động, đổi mới, sáng tạo, phát huy ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, nhất định chúng ta sẽ khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, tận dụng mọi cơ hội, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, bảo đảm quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả, phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu đề ra cho năm 2024 và cả giai đoạn 2021 - 2025.

Tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Kỳ họp.

Báo cáo nêu rõ, trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường, tác động đến tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cử tri và nhân dân đánh giá cao Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kịp thời chỉ đạo toàn diện các vấn đề quan trọng của đất nước, đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước tiếp tục được củng cố và tăng cường.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN

Cử tri và nhân dân đồng tình, ủng hộ Đảng và Nhà nước đã kịp thời giải quyết để một số đồng chí cán bộ cấp cao vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương thôi đảm nhiệm trọng trách được giao; đồng thời rất tin tưởng Đảng, Nhà nước “không ngừng, không nghỉ” trong cuộc đấu tranh cam go, phức tạp này.

Cử tri, nhân dân cũng đánh giá cao sự cố gắng của ngành Nội vụ trong việc chuẩn bị các điều kiện để cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.

Trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.216 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực được nhiều cử tri quan tâm như: Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Giao thông Vận tải; Giáo dục, đào tạo; Nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, có 2.210 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,7%.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhậm chức

Chiều cùng ngày, Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, tiến hành thủ tục bầu Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026. Sau đó, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Trần Thanh Mẫn. Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 bằng hình thức biểu quyết điện tử.

Theo quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau khi được Quốc hội bầu sẽ làm Lễ Tuyên thệ trước Quốc hội. Trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tuyên thệ: “Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, tôi Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu nhậm chức. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu nhậm chức. Ảnh: TTXVN

Phát biểu nhậm chức, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được hiến định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nguyện cống hiến hết sức mình, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; cùng Quốc hội, tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; tiếp tục tăng cường công tác đối ngoại của Quốc hội cùng với hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; phát huy dân chủ, đoàn kết, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

* Cũng tại phiên họp chiều, Quốc hội đã nghe: Báo cáo tóm tắt của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Việt Đức (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chinh-tri/ky-hop-thu-7-quoc-hoi-khoa-xv-bao-dam-chat-luong-lap-phap-cao-nhat-20240520201437239.htm