Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII thành công và bế mạc

Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII. ( Ảnh: ĐĂNG KHOA )

Dự thảo Luật Cơ yếu trình QH thông qua có năm chương, 38 điều. Sau khi nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật này, QH đã biểu quyết thông qua Điều 6 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về cơ yếu và Điều 31 quy định chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu với tuyệt đại đa số phiếu tán thành. Trên cơ sở đó, QH đã biểu quyết thông qua toàn bộ dự án Luật Cơ yếu với 459 đại biểu tán thành, bằng 91,8% tổng số đại biểu QH. Luật Cơ yếu quy định về hoạt động cơ yếu; nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của lực lượng cơ yếu; chế độ, chính sách đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan hoạt động cơ yếu. Luật này áp dụng đối với tổ chức cơ yếu, người làm việc trong tổ chức cơ yếu và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động cơ yếu.

Sau khi nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII, các đại biểu đã biểu quyết thông qua nghị quyết này với 462 đại biểu tán thành, bằng 92,4% tổng số đại biểu QH. Nghị quyết nêu rõ, QH hoan nghênh quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành công việc nhằm vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của năm 2011, tạo đà cho việc triển khai thực hiện thành công nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà QH đã xác định cho năm 2012 và những năm sau; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giữ lạm phát ở mức một con số; triển khai thực hiện các giải pháp quyết liệt để nền kinh tế không rơi vào tình trạng trì trệ, sản xuất, kinh doanh tiếp tục phát triển.

Khẳng định quyết tâm chính trị của Chính phủ, các ngành, các cấp trong việc đẩy lùi tình trạng tai nạn giao thông, nạn ùn tắc giao thông; xác định chỉ tiêu từ năm 2012 giảm số vụ tai nạn, số người chết do tai nạn giao thông từ 5 đến 10% mỗi năm; giảm mức độ ùn tắc giao thông ở Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; lấy năm 2012 là năm thiết lập lại kỷ cương trong quản lý trật tự, an toàn giao thông.

Tăng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bảo đảm mức đầu tư năm năm tới cao gấp hai lần năm năm 2005 - 2010; phấn đấu đến năm 2015 cả nước có 20% số xã đạt các tiêu chí nông thôn mới.

Xây dựng Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập quốc tế; quy định chặt chẽ các điều kiện liên kết đào tạo với nước ngoài, đào tạo từ xa, đào tạo tại chức để bảo đảm chất lượng đào tạo đại học; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục đại học vi phạm điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo. Quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm, không để gây quá tải và áp lực cho học sinh cấp cơ sở.

Thực hiện cơ chế giá thị trường đối với điện, xăng dầu, than và các hàng hóa, dịch vụ quan trọng khác, có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các đối tượng chính sách. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải công khai minh bạch kết quả sản xuất, kinh doanh và giá thành sản phẩm để đại biểu QH và nhân dân giám sát; năm 2015, thực hiện xong việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, bảo đảm hoạt động hiệu quả, sản phẩm và dịch vụ ngân hàng đa dạng, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế; từng bước nâng cao tiềm lực tài chính và khả năng cạnh tranh; bảo đảm không còn ngân hàng yếu kém kéo dài, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, bảo đảm kiểm soát lạm phát và đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế, nhu cầu vốn cho sản xuất của các doanh nghiệp và sản xuất nông nghiệp; điều hành tỷ giá theo tín hiệu của thị trường để khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu và bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam.

Tiếp đó, QH tiến hành thông qua dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề. Trên cơ sở báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ QH về dự thảo nghị quyết nói trên, QH đã biểu quyết thông qua toàn bộ nghị quyết này với 471 đại biểu tán thành, bằng 94,2% tổng số đại biểu QH. Nghị quyết nêu rõ, QH tán thành nội dung báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ QH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề với những đánh giá về kết quả đạt được; những hạn chế và yếu kém; nguyên nhân của hạn chế, yếu kém và các kiến nghị nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế và làng nghề.

Đúng 9 giờ 50 phút, QH họp phiên bế mạc. Đến dự có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An và nhiều vị nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

QH đã tiến hành thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ khóa XIII với 470 đại biểu tán thành, bằng 94% tổng số đại biểu QH. Theo đó, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ khóa XIII gồm 85 dự án luật, sáu dự án pháp lệnh thuộc chương trình chính thức và 38 dự án luật, ba dự án pháp lệnh thuộc chương trình chuẩn bị.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến bế mạc kỳ họp khẳng định, sau 29 ngày làm việc khẩn trương, sôi nổi, với tinh thần dân chủ, đổi mới và trách nhiệm cao, QH đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, tương thân, tương ái, chia sẻ khó khăn với đồng bào những vùng chịu thiệt hại nặng nề của thiên tai, lũ lụt vừa qua, nỗ lực phấn đấu, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch đã đề ra (Toàn văn bài phát biểu đăng trên số báo hôm nay).

* Chiều 26-11, sau khi bế mạc kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII, Văn phòng QH tổ chức họp báo công bố kết quả của kỳ họp này.

Theo lãnh đạo Văn phòng QH, chương trình và cách thức tiến hành kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII có nhiều cải tiến. Chẳng hạn, tại phiên họp tổ, Ủy ban Thường vụ QH dự kiến những vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau đề nghị đại biểu QH tập trung thảo luận; sắp xếp hợp lý thời gian giữa thảo luận ở tổ và thảo luận tại hội trường để có thời gian tập hợp, tổng hợp đầy đủ ý kiến của đại biểu QH và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý. Thời gian phát biểu của đại biểu lần đầu không quá 10 phút, lần sau không quá năm phút.

QH thảo luận những vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau; bảo đảm ý kiến thảo luận tập trung, tránh trùng lặp và làm cơ sở để QH quyết định một số nội dung của dự án luật cho ý kiến lần đầu. Thời gian phát biểu của đại biểu lần đầu không quá bảy phút, lần sau không quá ba phút.

Tại phiên chất vấn, QH dành toàn bộ thời gian cho việc trả lời câu hỏi chất vấn trực tiếp. Bố trí phiên chất vấn vào cuối kỳ họp để đại biểu QH có thời gian cân nhắc, chuẩn bị câu hỏi chất vấn. Tiến hành chất vấn từng nhóm vấn đề, có đối thoại, tranh luận về từng vấn đề. Thời gian hỏi nhiều nhất là hai phút/lần. Người trả lời chất vấn trả lời ngắn gọn, trực tiếp vào nội dung câu hỏi, thời gian trả lời theo yêu cầu của chủ tọa.

QH đã thông qua năm dự án luật và dự thảo Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ khóa XIII, cho ý kiến vào 13 dự án luật; tiến hành chất vấn năm thành viên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề lớn về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu QH; tiến hành giám sát chuyên đề và ban hành nghị quyết về việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại khu kinh tế, làng nghề. Cũng tại kỳ họp, QH đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2011 - 2015; Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và một số nghị quyết quan trọng khác.

Kỳ họp thứ hai là kỳ họp với tinh thần đổi mới, sôi động với những nội dung quan trọng. QH đánh giá cao sự tham gia tích cực, tâm huyết của các vị đại biểu QH; sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc của Chính phủ và các cơ quan, tổ chức trình dự án, báo cáo; tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH và các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Lãnh đạo Văn phòng QH đánh giá cao kết quả thông tin của các cơ quan báo chí về kỳ họp này và cho rằng, báo chí thật sự là cầu nối giữa QH với cử tri và nhân dân cả nước; đồng thời đã trả lời các câu hỏi của các nhà báo nêu lên.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/su-kien/k-h-p-th-hai-qu-c-h-i-khoa-xiii-thanh-cong-va-b-m-c-1.322948