Kỳ II: Dấu ấn tiền nhân đi mở cõi

Cuối thế kỷ 17, có khoảng 1.000 lưu dân theo chân các quan quân nhà Nguyễn đến vùng Tây Ninh khai khẩn đất hoang, lập nên những thôn làng đầu tiên.

Bàn thờ Quan lớn Huỳnh Công Nghệ ở xã Hảo Đước.

Anh em họ Huỳnh

Nổi tiếng nhất trong số những vị anh hùng mở cõi là ba anh em nhà họ Huỳnh, gồm Huỳnh Công Giản, Huỳnh Công Nghệ, Huỳnh Công Thắng. Truyền thuyết kể rằng ba anh em nhà họ Huỳnh đều là quan triều đình nhà Nguyễn, năm 1826 được cử vào trấn biên ở phủ Tây Ninh. Do Tây Ninh là vùng đất mới sáp nhập vào Đại Nam nên người Cao Miên thường hay quấy rối, muốn giành lại. Bấy giờ, ba anh em mới đắp đồn, tìm kế chống giặc.

Người anh cả là Huỳnh Công Giản, đóng đồn Trà Vong (xã Trà Vong, huyện Tân Biên ngày nay) nên được gọi là Quan lớn Trà Vong. Anh thứ hai là Huỳnh Công Nghệ đóng đồn ở Hảo Đước (xã Hảo Đước, huyện Châu Thành ngày nay). Người em út là Huỳnh Công Thắng đóng đồn ở Cẩm Giang (xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu ngày nay).

Trong một trận đánh nhau với quân Cao Miên, ông Huỳnh Công Giản không muốn sa vào tay giặc nên tự sát. Huỳnh Công Nghệ mang quân đến giải vây nhưng đến trễ, không cứu được anh. Sau đó, lần lượt hai anh em Huỳnh Công Nghệ và Huỳnh Công Thắng đều tử trận trong các cuộc xung đột với người Cao Miên. Dân chúng thương tiếc lập hàng chục đền thờ cho ba anh em họ Huỳnh ở nhiều nơi trong tỉnh.

Một bản tiểu sử khác do Ban cúng tế miếu Quan Lớn Trà Vong ghi chép có sự khác biệt. Trong đó, hai anh em Huỳnh Công Giản, Huỳnh Công Nghệ là người dân ở làng Nhật Tảo, Tân An (thuộc tỉnh Long An ngày nay). Thấy vùng đất Tây Ninh còn rừng núi âm u, hai anh em bèn đến quy dân lập ấp.

Diễn biến của những trận chiến và các chi tiết trận vong của 2 ông cũng tương tự truyền thuyết nêu trên, chỉ có thêm các chi tiết về sự hiển linh của Quan lớn Trà Vong sau ngày người tử trận khiến quân giặc khiếp vía. Từ đó, người dân lập nhiều đền miếu thờ Quan lớn Trà Vong ở khắp nơi trong tỉnh, tín ngưỡng ông như vị thành hoàng.

Về quan lớn Huỳnh Công Thắng, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nhân vật này họ Trần, họ tên đầy đủ là Trần Văn Thắng, chứ không phải Huỳnh Công Thắng. Ông Trần Văn Thắng cũng là quan triều đình nhà Nguyễn, đóng quân ở bảo Quang Hóa (tỉnh Tây Ninh ngày nay), chỉ huy một cơ số lính biên cảnh triều đình và tử tiết trong trận đánh với người Cao Miên.

Nói về sự khác biệt giữa tiểu sử ba anh em họ Huỳnh, ông Nguyễn Quốc Việt- nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tây Ninh, người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa Tây Ninh cho biết khái quát, hiện nay, ở Tây Ninh có 2 truyền thuyết về các quan lớn họ Huỳnh.

Ngôi Đền thờ Quan lớn Huỳnh Công Thắng ở xã Cẩm Giang.

Ở phía Bắc Tây Ninh (từ TP. Tây Ninh trở lên các huyện Châu Thành, Tân Biên), truyền thuyết chỉ có 2 anh em Huỳnh Công Giản và Huỳnh Công Nghệ từ làng Nhật Tảo, Tân An đến Tây Ninh vào năm 1749, chiêu mộ dân binh, khai phá mở mang vùng đất Tây Ninh. Hiện nay, ở khu vực này có 11 ngôi đền, miếu, dinh thờ ông Huỳnh Công Giản và có 3, 4 nơi thờ ông Huỳnh Công Nghệ.

Ở phía Nam của tỉnh, nhất là ở xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, truyền thuyết có tới 3 anh em họ Huỳnh, trong đó có thêm ông Huỳnh Công Thắng. Trong sách Tây Ninh xưa và nay của tác giả của Huỳnh Minh ghi chép, tại bia mộ của quan lớn ở Cẩm Giang ngày trước có ghi: “Tướng quân Trần Công Thắng Chi mộ. Quan đại thần triều Tự Đức, tử tiết ngày 15 tháng 8 năm 1826”. Sau này, khi trùng tu, tôn tạo lại khu mộ, làm lại bia mộ khắc thành họ Huỳnh để phù hợp với truyền thuyết 3 anh em họ Huỳnh.

Hiện nay, ở xã Cẩm Giang có đền thờ quan đại thần Huỳnh Công Thắng. “Có thể ông ấy là một trong những người được triều đình cử vào cai quản thành bảo Quang Hóa. Theo quan điểm cá nhân, các quan đại thần này đều là những người tiêu biểu cho thời Tây Ninh mở đất, rất xứng đáng được dân chúng tôn thờ”- ông Việt khẳng định.

Hàng trăm năm qua, tôn thờ những người anh hùng mở cõi trong truyền thuyết này đã trở thành một trong hai tín ngưỡng lớn nhất của người dân Tây Ninh, chỉ xếp sau tín ngưỡng thờ Linh Sơn Thánh Mẫu Bà Đen. Vào ngày 15 và 16.3 âm lịch hàng năm, người dân trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận thường quy tụ về đền thờ Quan Lớn Trà Vong dự lễ kỳ yên. Lễ hội này đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Người dân thờ cúng Quan lớn Trần Văn Thiện.

Ông Trần Văn Thiện và vùng đất ngũ long

Cuối thế kỷ 17, những lớp người di dân từ vùng Ngũ Quảng di cư đến xóm Ràng, nay thuộc xã Trung Lập, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, rồi từ đó tỏa lên phía bắc theo con sông Vàm Cỏ Đông khai phá những vùng đất hai bên bờ sông. Một trong những người có công khai phá vùng đất này được nhiều người biết đến là ông Trần Văn Thiện, người được tôn làm thành hoàng tại nhiều ngôi đình thuộc vùng Bến Cầu, Hòa Thành.

Không phải là người khai phá sớm nhất các vùng đất ven sông Vàm Cỏ Đông, nhưng cụ Trần Văn Thiện được cho là người đã khai khẩn một vùng đất rộng lớn- vùng đất ngũ long. Dấu ấn khai phá của ông được người dân ghi nhận bằng cách lập đình thờ ông tại các xã Long Khánh, Long Thuận, Tiên Thuận của huyện Bến Cầu và đình Long Thành, thuộc thị xã Hòa Thành ngày nay.

Dưới sự chỉ huy của cụ Thiện, nhân dân trong vùng đã lập những đội dân binh với các loại vũ khí thô sơ gươm, giáo, cung, ná và một số ít súng phun lửa bằng dầu chai, vừa khai khẩn đất hoang, vừa phải chống thú dữ và chống giặc giữ đất.

Với phương châm “tịnh vi nông, động vi binh” (vừa sản xuất, vừa chiến đấu), ông Trần Văn Thiện chỉ huy dân binh nhiều lần đánh thắng thổ dân và đánh bại nhiều đợt cướp phá của dân Cao Miên. Từ đó, người dân trong vùng có được cuộc sống yên bình, nên dân chúng rất kiêng nể và càng tin yêu ông Thiện nhiều hơn. Quan phủ Tây Ninh mến mộ tài, cử ông giữ chức Cai tổng thuộc Tổng Hòa Ninh.

Ông Mai Thanh Tùng- hậu duệ đời thứ 6 của ông Trần Văn Thiện kể: “Sau khi ông Thiện qua đời, để ghi nhận công lao của ông với dân, với nước, Triều đình Huế cho phép cất đền thờ ông tại Bến Kéo vào năm 1883 và sắc phong Thành hoàng bổn cảnh”.

Hiện nay, Đình Long Thành tọa lạc tại ấp Long Yên, xã Long Thành Nam, thị xã Hòa Thành, có diện tích lên đến 6.000m2, hướng ra con sông Vàm Cỏ Đông. Đình được thiết kế ba lớp theo hình chữ Tam. Gian chánh điện có ban thờ chánh và hai ban tả hữu. Hậu đình gồm ban thờ chánh và ban thờ Cửu Huyền Thất Tổ cùng ban thờ Tiền Vãng, Hậu Vãng.

Đình đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1993. Lăng mộ cụ Trần Văn Thiện được xây dựng trên một gò đất cao, cách đình khoảng 500 mét. Trên bia mộ có ghi rõ công đức của ngài và việc ngài được phong là Văn Xương Đế Quân. Phía trong là điện thờ, hàng ngày đều có người lo việc nhang đèn, hương khói.

Tuy nhiên, theo lời ông Nguyễn Quốc Việt, đến nay công lao mở đất của ông Trần Văn Thiện vẫn có ít nhiều tranh luận. Qua những tài liệu cho thấy có sự mâu thuẫn về mức độ rộng lớn của các vùng đất mà ông khai phá. “Mặc dù vậy, công lao mở đất ven sông Vàm của ông Trần Văn Thiện là không thể phủ nhận”- ông Việt khẳng định.

Ngày nay, khi nhìn những cánh đồng xanh mượt ven sông những phố thị nhộn nhịp sầm uất của vùng đất phía nam Tây Ninh, hẳn mọi người sẽ tưởng nhớ đến công lao khai khẩn và giữ gìn vùng đất tươi đẹp này của các bậc tiền nhân đã có công mở đất.

Đại Dương

(còn tiếp)

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ky-ii-dau-an-tien-nhan-di-mo-coi-a172643.html