Kỳ II: Sự thật được che giấu về tàu Apollo

Tàu Apollo 8 bắt đầu chuyến du hành trở về Trái đất vào đúng ngày Giáng sinh. Sau giờ truyền hình trực tiếp về Trái đất, phi hành đoàn mở tủ chuẩn bị cho bữa ăn của mình.

Những chai Brandy trên tàu Apollo 8

Thay vào những “món ăn vũ trụ” nhạt nhẽo vô vị là ba bọc giấy bạc, buộc nơ xanh lá cây và đỏ, trên gắn chữ “Giáng sinh vui vẻ”. Trong mỗi bọc là một bữa ăn Giáng sinh thật sự, bao gồm cả thịt gà tây, nước thịt và sốt man việt quất.

Ngoài bữa ăn đặc biệt, các phi hành gia còn có một món quà bất ngờ khác trong tủ: Đó là 3 chai brandy mini. Frank Borman, Chỉ huy phi hành đoàn, ngắm nghía những chai rượu và yêu cầu các thành viên cất lại tủ mà không mở. Borman đã từng tham gia điều tra vụ cháy trên tàu Apollo 1. Hơn ai hết, ông biết rằng chỉ vì một sai lầm nhỏ, biết bao nguy cơ sẽ xảy ra trên con tàu nhỏ bé cách xa Trái đất hàng ngàn dặm. Dưới sự chỉ huy của ông, sẽ không ai được uống dù chỉ một ngụm rượu nhỏ. Dù sao đi nữa, các du hành gia cũng đã giữ những chai rượu tí hon này. Jim Lovell bán đấu giá chai rượu của mình năm 2008. Một nhà sưu tập đã trả giá tới 18.000 USD cho chai rượu đã từng tới tận mặt trăng.

Người Nga trả lại module chỉ huy tàu Apollo cho NASA

Mùa hè năm 1970, tàu phá băng Mỹ Southwind đang di chuyển ở Bắc Cực. Đó cũng là thời điểm băng giá của cuộc Chiến tranh Lạnh đang dần tan. Tàu Southwind đã thực hiện một chuyến thăm xã giao tới cảng Murmansk của Nga. Những điều xảy ra tiếp theo thật kỳ lạ. Ba nhà ngoại giao Mỹ đã tới tham gia một sự kiện chính thức do phía Nga tổ chức. Trong sự kiện này, người Nga đã trao lại một tài sản Mỹ. Một vật thể hình nón được kéo lên boong tàu Southwind. Khó ai có thể ngờ rằng ở nơi đây, miền xa xôi cực Bắc nước Nga, lại hiện diện một module chỉ huy của một tàu Apollo với logo của NASA sơn rõ ràng trên vỏ.

Có điều, module này chỉ là một thứ mô hình mẫu. Các chiến dịch phục dựng mà hàng triệu người Mỹ được xem trên truyền hình sau mỗi nhiệm vụ Apollo đều đã được lập kế hoạch một cách kỹ lưỡng, các đơn vị hải quân khắp nơi đều được thực hành để “giải cứu” module này trong trường hợp nó rơi xuống khu vực họ quản lý. Mô hình module chỉ huy mà người Nga trao lại cho tàu Southwind đã bị mất trong một đợt huấn luyện nói trên.

Theo lý giải chính thức của phía Liên Xô, thì một tàu đánh cá đã tìm thấy module chỉ huy này nổi bập bềnh trên vịnh Biscay. Dù phía Nga đã có được module này bằng cách nào đi nữa, thì họ cũng đã giữ nó ít nhất là 6 tháng. Trong khoảng thời gian này, chắc chắn Chương trình Vũ trụ Liên Xô đã nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, tuy nhiên không ai rõ họ có thu được thông tin hữu ích nào hay không. Mô hình module chỉ huy tàu Apollo này được làm bằng thép tấm, do một công ty ở Texas thực hiện, trị giá dưới 15.000 USD.

(Còn tiếp)

Kiều Phong

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/ky-ii-su-that-duoc-che-giau-ve-tau-apollo-3215828-b.html