Kỳ lạ một gia đình cả hai người con đều quyết chí đi tu

Dù chỉ sinh được 2 người con (một trai, một gái), nhưng khi các con cùng quyết chí xuất gia, chị Lãnh và anh Khôi (Đắc Nông) đành nén lòng chấp nhận và phát tâm, hộ trì (hỗ trợ, giúp đỡ - PV) để các con đi trọn con đường tu đã chọn.

Gia đình chị Phạm Thị Lãnh khi hai con chưa phát tâm xuất gia.

Chị tên đầy đủ là Phạm Thị Lãnh cùng chồng là Võ Tấn Khôi, quê ở Quảng Ngãi. Do cuộc sống ngoài quê gặp nhiều khó khăn, hai vợ chồng quyết định ôm con trai Võ Minh Quang mới 1 tuổi vào vùng đất tại xã Đăk Rmoan, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông (lúc đó còn là tỉnh Đắc Lắc) để lập nghiệp.

Tại đây, cả hai vợ chồng chị Lãnh phải chịu rất nhiều cực khổ, nhiều khi phải ăn củ mì với rau lá nhiếp thay cơm, đi bộ lên rừng đốt than để kiếm tiền trang trải cuộc sống… Chịu đựng cực khổ một thời gian, khi Quang được hơn 5 tuổi (SN 1996) thì hai vợ chồng có thêm một cô con gái đặt tên là Võ Thị Ánh Tuyết (SN 2000).

Lúc đó cuộc sống của hai vợ chồng chị Lãnh rất khó khăn, nước phải đi gánh ngoài suối xa về nhà sử dụng…, cực khổ muôn bề. Vậy mà cuộc sống vợ chồng vẫn thường diễn ra cảnh "cơm không lành canh không ngọt". Chính vì điều này khiến cho chị Lãnh luôn cảm thấy buồn bực, chán nản và tâm trạng luôn rối bời.

May sao tại nơi ở mới, chị quen một chị tên Lênh (cùng xã) thường xuyên đi chùa. Biết hoàn cảnh của chị Lãnh, chị Lênh liền rủ đi chùa tụng kinh niệm Phật. Từ đó, tối nào hai chị em cũng chạy xe ra Tịnh thất Ngọc Thanh (gần ngã ba Phương Nam) cách chỗ ở 5-7km để tụng kinh. Đến với cảnh tu hành nơi cửa thiền, chị Lãnh cảm thấy an lạc hơn.

“Lúc đó tôi cảm thấy ở chùa thoải mái lắm chú ạ, nhiều lúc đến chùa thấy mình không còn phải lo nghĩ chi cả nên nhiều hôm tụng kinh xong ở lại chứ không có về nhà” - chị Lãnh chia sẻ.

Trong một lần ra Tịnh xá Ngọc Thiền (thị xã Gia Nghĩa), chị Lãnh có nhân duyên gặp sư thầy Thích Minh Trí và được hướng dẫn cách niệm Phật. Về nhà chị hành trì theo, không hiểu sao từ đó cuộc sống của gia đình chị kinh tế đỡ khó khăn hơn, vợ chồng hòa thuận hơn, bệnh tình lâu nay cũng thuyên giảm đi rất nhiều.

Thế rồi khi sư thầy tổ chức khóa tu, chị Lãnh quyết định rủ 2 con cùng về tham dự. Trong khóa tu, hai con của chị khi được nghe sư thầy dạy pháp, ngồi thiền, đi kinh hành, ăn chay… cảm thấy an lạc và thích thú. Từ đó cả hai con đều đòi mẹ nấu chay để ăn, chứ không chịu ăn đồ mặn nữa.

“Lúc đó thương con, sợ chúng đang còn nhỏ ăn chay không đủ chất nên anh Khôi la cho. Vậy mà dù cho bố mẹ có nói gì, hai đứa vẫn quyết ăn chay trường chứ không chịu ăn đồ mặn. Đứa con trai còn hỏi tôi một câu: “Sao mẹ biết đi chùa mà lại không chịu ăn chay trường?”, nghe con nói tôi sực tỉnh ra. Không ngờ con mình chỉ mới đi chùa mà đã có những suy nghĩ lớn trước tuổi” - chị Lãnh tâm sự.

Ngỡ ngàng khi con trai xuất gia

Vài năm sau, một số phật tử tại xã Đắk Rmoan phát tâm cúng lô đất cho sư thầy Thích Minh Trí làm tịnh xá với tên gọi là Đức Niệm. Hai vợ chồng chị Lãnh quyết định ký tên đứng ra cùng một số phật tử trên địa bàn thành lập Ban Hộ tự để hộ trì Tam Bảo.

Vì lúc đó miếng đất làm tịnh xá chưa có cơ sở vật chất cố định, sư thầy chỉ mới căng tạm tấm lều bạt để đặt tượng Phật thờ tạm. Để có thể coi giữ tịnh xá giúp sư thầy trong giai đoạn thành lập, con trai của chị Lãnh lúc đó mới gần 16 tuổi, xin mẹ cho ở lại chứ không chịu về nhà.

“Thật sự lúc đó tôi không hề nghĩ con mình sẽ xuất gia, mà nghĩ có thể cháu chỉ muốn trông nom giúp sư thầy mà thôi. Một thời gian sau, tôi thấy con ăn uống không được như ở nhà nên dỗ dành con về nhà nấu cái gì cho có chất để con bồi dưỡng. Vậy mà khi đưa về nhà, tôi đi chợ thì cháu lấy đồ đạc và chăn gối rồi lên lại trên này...” - chị Lãnh tâm sự.

Đến ngày sư thầy cho biết Minh Quang xin xuống tóc xuất gia, hai vợ chồng chị Lãnh đều ngỡ ngàng. Nhận thấy vợ chồng chị chưa hiểu rõ ý nghĩa của việc xuất gia, sư thầy Minh Trí đã mời lên chia sẻ về công đức của người xuất gia và cái phúc của gia đình có người đi tu. Dù đã được nghe sư thầy chia sẻ, nhưng khi dự lễ xuống tóc của con, nước mắt người mẹ trong chị Lãnh vẫn cứ tuôn trào.

“Thật sự tôi đã được sư thầy giảng giải, nhưng không hiểu sao trong buổi lễ, nước mắt vẫn cứ chảy hai hàng. Tâm trạng của một người mẹ trong tôi, lúc đó vừa buồn vừa mừng, một cảm giác không thể nào tả được” - chị Lãnh chia sẻ.

Cũng từ ngày đó chị Lãnh luôn cảm thấy như mình mới mất đi một đứa con. Lúc nào chị đi đâu, làm gì cũng nhớ hình ảnh của đứa con trai vừa xuất gia, khi mới sinh ra khóc oe oe, tập đi, tập nói… Lúc đó, chị cũng chỉ biết chia sẻ với sư thầy để cảm thấy an ủi phần nào.

Nhắc về chuyện này, chị Lãnh tâm sự: “Không ít lần tôi ngồi khóc thầm một mình mỗi khi nhớ đến con. Lúc nào tôi cũng như có cảm giác hình bóng con mình đang có đâu đây trong căn nhà vốn lâu nay tràn ngập tiếng cười con trẻ. Tuy buồn nhưng khi con đi rồi, tôi cũng nghĩ thôi thì không có con trai thì còn con gái, nếu có đau ốm gì thì vẫn còn có đứa bưng cho chén nước, mua hộ ít thuốc…, nên một thời gian sau khi con trai xuất gia, tâm trạng của tôi cũng dần ổn định để bắt đầu lao vào cuộc sống mưu sinh trở lại”.

“Đứt ruột” khi con gái cũng quyết chí xuất gia

Lấy lại thăng bằng chưa được bao lâu thì Ánh Tuyết - cô con gái còn lại của chị Lãnh tiếp tục xin đi xuất gia.

Giờ đây, chị Lãnh ngày ngày vào Tịnh xá Đức Niệm làm hương để có thể gần người con đang tu tập tại đây.

Nhắc lại chuyện xuất gia của cô con gái thứ hai, chị Lãnh rơi nước mắt: “Khi nghe tin con gái muốn xuất gia, tôi như chết lặng. Lúc đó tôi khóc nói: “Các con đi hết rồi, mẹ ở với ai?”. Kêu khóc thế đó, nhưng chúng vẫn im lặng rồi lên chùa ở. Cả hai vợ chồng nói đủ cách như không thể lay chuyển được các con.

Chồng tôi lúc đó buồn lắm, ông ấy tuy không nói ra, nhưng có đôi lần tôi bắt gặp ông ấy đã rớt nước mắt khi nhớ đến các con. Có lần ông ấy gọi điện xuống chỗ ni cô mà cháu thứ hai tu dưới Tịnh xá Ngọc Vân (Bình Thuận), xin sư cô nói với cháu để cháu về. Nghe ông ấy nói lại, sư cô chia sẻ: "Cháu không xuất giá thì đi xuất gia, cũng đều là xuất hết mà, con mình sinh ra có ở với mình cả đời được đâu. Đừng buồn nữa, hãy cố gắng vui lên!".

Thật sự lúc đó chưa có ngộ đạo, nên cả hai vợ chồng chị Lãnh mỗi khi nhớ đến các con trong lòng đều rất buồn và trống vắng. Lúc đó cả hai vợ chồng đều bị rất nhiều áp lực, buồn vì không còn các con bên cạnh, bố mẹ bên ngoại thì la mắng rằng: “Chỉ vì cô đi chùa mà các con đều kéo nhau vào chùa ở hết”.

Không chỉ thế, một số người đời còn cho rằng: “Có hai đứa con mà không nuôi nổi, để đến nỗi phải đưa vào chùa nuôi”, nhà này không có phúc nên mới không có người nối dõi tông đường…

Chị Lãnh kể, lúc đó vợ chồng ngoài thời gian đi rẫy, đi chùa thì chỉ về nhà, chứ không hề dám đến nhà ai thân quen hay hàng xóm.

"Nói thiệt, nỗi nhớ con xuất hiện lớn nhất là khi tôi bị đau nặng nằm một chỗ. Lúc đó không có đứa con nào mà nhờ vả bưng cho ly nước hay xoa cho ít dầu…, nước mắt của tôi cứ chảy dài, vừa buồn, vừa tủi, chú ạ. Còn ông chồng thì dù đã nguôi ngoai, nhưng những khi làm mệt quá cũng có lúc phàn nàn: “Có hai đứa con mà giờ không có đứa nào để nhờ vả hay sai bảo”.

Những lần nghe như thế, nói thiệt tâm trạng của một người mẹ khiến tôi cũng buồn nát ruột. Nhưng rồi cũng hiểu các con mình đang đi con đường đúng chánh pháp, có lợi cho chúng sanh, chứ không thể chỉ vì cái lợi nhỏ bé của mình mà ngăn cản được” - chị Lãnh tâm sự.

Thương các con, muốn gần để có thể chăm lo, nên chị Lãnh xin sư thầy cho vào Tịnh xá Đức Niệm làm hương, nấu ăn... Với chị, giờ đây, lòng chị chỉ biết phải cố gắng hết sức để hộ trì cho các con đi tu sao cho trọn con đường mà các con chị đã chọn.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/ky-la-mot-gia-dinh-ca-hai-nguoi-con-deu-quyet-chi-di-tu/133268.bld