Kỳ lạ ông lão mấy chục năm sống một mình chốn rừng thiêng nước độc

Chán nản đời sống thực tại, ông Hồ Văn Châu (68 tuổi, ngụ thôn Tang, xã Trà Bùi, huyện vùng cao Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) chọn cách vào rừng ở. Không ngờ cuộc sống rừng rú gắn bó với ông hơn hai thập kỉ. Không có ý định quay về, dân làng gọi ông là 'người rừng'.

Ông Hồ Văn Châu

Ông Hồ Văn Châu

Bỏ làng vào rừng ở

Giữa rừng sâu lưng chừng núi Cà Đam, ông Châu dựng chòi tạm bợ trên ba tảng đá lớn, nằm men theo sườn núi bằng cây rừng để ở. Ông tự trồng lương thực, bẫy thú rừng, lấy nước suối uống. Hơn 20 năm nay ông sống tách biệt với thế giới bên ngoài như thế.

Ông Châu là người đồng bào dân tộc Cor nhưng biết được ba ngôn ngữ: Kinh, H’re và Cor. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông từng tham gia du kích hoạt động cách mạng ở địa phương. Đất nước hòa bình, Nhà nước vận động bà con từ rừng sâu về sinh sống ở khu vực trung tâm xã.

Khoảng năm 1996, ông Châu rời làng lên sống ở rừng sâu mãi cho đến nay. Ông không có vợ con, là em út trong gia đình có ba anh em trai. Nhiều lần chính quyền địa phương vận động ông về sống cùng người thân ở khu vực trung tâm xã nhưng ông quả quyết không chịu.

“Tôi sống ở rừng quen rồi nên ở làng đông đúc ồn ào không chịu được. Từ ngày vào đây, tôi dựng tổng cộng 5 cái chòi trên núi để ở, trong đó chủ yếu là lợp bằng lá sộp, mây, lồ ô”, ông Châu nói.

Sống kiểu tự cung tự cấp

Từ ngày bỏ làng lên núi, người đàn ông dân tộc Cor này sống gần như biệt lập với cuộc sống bên ngoài. Dân làng thương tình mang lên cho ông vài tấm tôn để lợp mái cho vững chãi hơn, thi thoảng có người mang cho gạo, thực phẩm thịt, cá.

Để có lương thực sinh sống ở giữa đại ngàn, ông phát một khoảnh rẫy nhỏ gần chòi để gieo lúa. Khi lúa chín ông tuốt bằng tay, đưa về sấy trên gác bếp và khi cần gạo ăn ông lấy ra giã bằng chày, cối tự chế bằng thân cây.

Ông Châu tuốt lúa bằng tay

Hàng ngày, ông Châu chỉ ăn hai bữa chủ yếu là cơm gạo rẫy và rau rừng. Thương ông lão, người dân tặng ông giống rau giúp ông có thêm lương thực để sống giữa rừng. Vì vậy mà quanh chòi, “người rừng” trồng rất thêm nhiều loại rau như bầu, bí, ớt, nghệ để cải thiện bữa ăn. Bên cạnh đó ông cũng tự tạo một số loại bẫy nhỏ để bắt thú rừng như chuột, sóc, chim. Khi bắt được thú, ông luộc rồi phơi khô ăn dần.

Để có nguồn nước uống, nấu ăn, tắm rửa hàng ngày, ông dùng ống lồ ô kết nối làm máng dẫn nước từ suối về trước căn chòi sử dụng. Chống chọi với thời tiết mùa đông giá lạnh, ông lão tích trữ thuốc lá, ớt và cây long pot. Theo ông Châu, mỗi khúc củi long pot bằng sải tay có thể giữ lửa âm ỉ đến ba đêm mà không tắt. Ban đêm ông sống trong gian bếp chật hẹp của căn chòi.

Ông lão sống theo kiểu tự cung tự cấp và rất ít khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Thi thoảng ông mới gặp những người đi rừng chứ không xuống dưới làng. Khoảng nửa năm một lần, cháu ông từ làng lên tiếp tế bột ngọt, mắm, muối và quần áo cho ông một lần.

Sống ở chốn “rừng thiêng nước độc” suốt hai thập kỷ nhưng chưa bao giờ người đàn ông này gặp vấn đề sức khỏe phải nhờ tới bệnh viện. Lâu lâu trái gió trở trời ông hái lá, nhổ rễ cây rừng nấu uống là khỏe lại. “Người rừng” cho biết dùng mật của nhiều loài thú hoặc trồng một số loại cây mai gan trên khu rẫy quanh căn chòi để chữa bệnh, giải độc. Hiện sức khỏe của ông Châu khá tốt dù đã gần 70 tuổi.

Tuy sống cô độc một mình giữa rừng sâu, nhưng người đàn ông này vẫn luôn lạc quan và vui vẻ. “Tôi không cảm thấy buồn, tôi thích ở đây hơn vì nó yên tĩnh, không ồn ào”, ông Châu chia sẻ. Ông lão cho biết mình sẽ kết thúc cuộc đời ở giữa rừng chứ không về làng.

(Còn nữa)

Trịnh Ninh (Tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/ky-la-ong-lao-may-chuc-nam-song-mot-minh-chon-rung-thieng-nuoc-doc-346158.html