Kỷ nguyên siêu sao công nghệ nhảy vào chính trường bắt đầu

SGTT - Meg Whitman, người phụ nữ có ảnh hưởng lớn trong ngành công nghệ cao Mỹ, bắt đầu chạy đua vào ghế thống đốc bang California, với cam kết sẽ làm bang này phát đạt như eBay, nơi bà từng là CEO.

Mỹ Tạp chí Fortune đưa bà Whitman lên bìa với câu hỏi: “Liệu Whitman có cứu nổi California?”. Ảnh: Fortune Hollywood đã đóng góp cho chính trường Mỹ hai chính trị gia nổi tiếng là Ronald Reagan, cựu tổng thống Mỹ, và “người hùng cơ bắp” Arnold Schwarzenegger, thống đốc bang California. Lĩnh vực thể thao cũng đem đến hai chính trị gia tên tuổi khác là ngôi sao bóng rổ Bill Bradley, cựu thượng nghị sỹ bang New Jersey, và vận động viên đô vật Jesse Ventura, nguyên thống đốc bang Minnesota... Từ đó người ta dự đoán danh tiếng của các nhân vật nổi tiếng trong làng công nghệ Mỹ, cụ thể là bà Meg Whitnam cũng có thể đưa bà vào chính trường, mở ra kỷ nguyên ngôi sao công nghệ làm chính trị. Bà Meg Whitman, cựu CEO của eBay, đang ra sức chứng minh những nhân vật tiếng tăm của ngành công nghệ cao sẽ là xu hướng tất yếu và đáng tin cậy trên chính trường Mỹ. Kịch tính hơn khi đối thủ chính của bà, ngay trong đảng Cộng hòa, là ông Steve Poizner cũng là một tỉ phú từ thung lũng Silicon. Theo nhận xét của cây bút phân tích chính trị Mark Z. Barabak trên tờ Los Angeles Times, bà Whitman là người nổi tiếng nhất trong những nhân vật của ngành công nghệ tham gia chính trường. Thực tế, công nghệ đang ngày càng quan trọng hơn đối với các chính trị gia, sự am hiểu công nghệ cũng là cách để thu hút phiếu bầu. Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm trước, ứng viên Obama cố gắng thể hiện hình ảnh của một ứng viên thành thạo công nghệ khi chiếc BlackBerry trở thành vật bất ly thân bên mình. Trong cuộc đua tại California lần này, ngoài hai đại diện là Whitman và Poizner, ngành công nghệ cao còn đóng góp các tên tuổi khác bên đảng Dân chủ. Điển hình là thị trưởng Gavin Newsom của thành phố San Francisco, người mà gần đây đã giới thiệu một trình ứng dụng cho thành phố trên mạng xã hội Mashable. Trang Twitter của ông có hơn một triệu người theo dõi. Bà Whitman, năm nay 53 tuổi, được xem là người biến eBay từ một doanh nghiệp 4 triệu USD trở thành công ty toàn cầu trị giá 8 tỉ USD. Vì lẽ đó, bà tin rằng với khả năng lèo lái của bà sẽ giúp bang California vượt qua những khó khăn kinh tế hiện tại. Bà xem đây là thời điểm mình cùng bang California “thăng hoa” như đã từng đạt được với eBay. Bà Whitman tỏ ra khá tin tưởng vào vai trò của ngành công nghệ cao sẽ tạo ra hàng triệu việc làm. Chính sách hòa hợp các đơn vị và cởi bỏ một số ràng buộc của ngành công nghệ được cho là sẽ giúp bà có nhiều phiếu bầu từ Silicon hơn. Nhưng Allan Hoffenblum, chiến lược gia của đảng Cộng hòa cho rằng bà Whitman không phải là đại diện điển hình những người Cộng hòa thực dụng. Ngoài ra, sai lầm của bà lúc còn làm tại eBay đã mua Skype với giá 2,6 tỉ USD, trong khi giá trị sau đó của Skype chỉ đáng 900 triệu USD, có thể xem là một vết nhơ trong sự nghiệp lãnh đạo của bà. Thêm vào đó, Allan Hoffenblum nhận xét dù bà Whitman làm được nhiều điều phi thường với một trí tuệ phi thường nhưng bà không có ảnh hưởng bên ngoài ngành công nghệ. Trong khi đó, ông Poizner sau khi bán công ty Snap Trak của mình cho Qualcomm, đã trở thành ủy viên bảo hiểm bang California như một bước đệm vào chính trường. Có thể điều đó khiến cho bà Whitman có tỷ lệ ủng hộ kém ông Poizner khá xa. Chỉ có 14% ủng hộ bà, so với 78% của Poinzer trong một cuộc thăm dò không đáng kể tại đại hội đảng Cộng hòa ở California. Điều bà Whitman có thể hy vọng, theo Hoffenblum là phụ nữ và kỹ nghệ cao luôn là hai khối phiếu bầu mạnh mẽ tại California. Bà Whitman hội đủ cả hai điều ấy. Nếu bà đắc cử, bà Whitman sẽ là người tiên phong cho giới công nghệ cao chinh phục chính trường Mỹ. Ngô Minh Trí (tổng hợp)

Nguồn SGTT: http://www.sgtt.com.vn/detail30.aspx?columnid=30&fld=htmg/2009/1020/58426&newsid=58426