KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ PHẠM TỨ (1907-2017): - Tấm gương vì Đảng, vì dân, vì nước

Phạm Tứ (thường gọi Mười Khôi), sinh ngày 4-4-1917 tại làng Châu Bí, phủ Điện Bàn, nay là xã Điện Tiến, TX Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tham gia cách mạng năm 1936, đến tháng 10-1939, Phạm Tứ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp đồng chí Phạm Tứ từng trải qua nhiều chức vụ: Bí thư Huyện ủy Điện Bàn, Bí thư Huyện ủy Đại Lộc, Thăng Bình, Bí thư Nông hội tỉnh, Trưởng ty Công an tỉnh. Mặc dù liên tục được Đảng cử đến nhiều địa phương, từ vùng tạm bị chiếm đến vùng tự do, được phân công giữ nhiều chức vụ khác nhau, song bất cứ ở cương vị, nhiệm vụ công tác nào đồng chí cũng đều hoàn thành, tác phong luôn gần gũi, cởi mở, xông xáo và rất mực chân thành, sâu sát quần chúng cơ sở nên được đảng viên, quần chúng tin yêu, góp phần giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng bộ, tạo nên sức mạnh tổng hợp, lãnh đạo quân dân trong tỉnh đấu tranh, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi.

Đồng chí Phạm Tứ -Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Liên khu V, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng (1961-1962),Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam 1963.

Đồng chí Phạm Tứ -Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Liên khu V, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng (1961-1962),Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam 1963.

Sau ngày ký Hiệp định Genève, đồng chí được chỉ định làm Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đến tháng 9-1959, làm Phó Bí thư Tỉnh ủy. Trước tình hình cách mạng gặp nhiều khó khăn, liên tục bị địch đánh phá, song với bản lĩnh kiên cường, đồng chí đã vững vàng trụ bám, liên tục luồn lách, bám cơ sở hoạt động. Từ Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ không nơi nào không có bước chân len lỏi của đồng chí. Nhiều lúc đói, mệt, yếu không đi được, đồng chí đã phải xuống núi “bới trộm” khoai của dân, không có lửa nấu, chân răng bị đau, không nhai nổi. Nhưng cũng phải cố gắng vượt qua... Nhờ đó, đã xây dựng lại được nhiều cơ sở cách mạng, tuyên truyền, giác ngộ và kết nạp được nhiều đảng viên, nhất là các huyện phía Bắc của tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là H. Điện Bàn - một trong những nơi địch chọn làm trọng điểm tố cộng, nhiều cán bộ của ta bị địch bắt thủ tiêu, cơ sở tan rã.

Mười Khôi đã có những nhận định chính xác âm mưu thủ đoạn của địch, ông cho rằng chúng sẽ không thi hành Hiệp định Genève. Có lần đồng chí Phan Đấu hỏi: Hai năm tổng tuyển cử thống nhất nước nhà, anh Mười có tin không? Mười Khôi nói: Nói động viên, chớ hai năm chi. Không có đâu. Chi cũng chục, hai mươi năm. Còn lâu... có khi còn lâu hơn... Anh nói nhát gừng, từng câu ngắn đau đớn. Vì vậy, Mười Khôi đã đề xuất với Tỉnh ủy, báo cáo với Khu ủy xin cho chủ trương chôn cất vũ khí, không chuyển hết ra ngoài Bắc, ngoài ra còn xây dựng tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng các căn cứ địa dự phòng, đảm bảo cho các huyện này luôn giữ được phong trào cách mạng. Mười Khôi đã vận động, giác ngộ và đưa được hàng trăm thanh niên các huyện Hòa Vang, Điện Bàn, Quế Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc lên căn cứ để bổ sung vào lực lượng cách mạng.

Năm 1959, được cấp trên bố trí đi chữa bệnh ở Hà Nội và được mời dự Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Là người tận mắt chứng kiến cảnh giặc thù đàn áp phong trào nhân dân đấu tranh đòi Hiệp thương tổng tuyển cử, cảnh Quốc dân Đảng bắt bớ, giết chóc đảng viên Cộng sản, cảnh nhân dân yêu nước sống cảnh nồi da xáo thịt, cán bộ nằm vùng phải lên máy chém, máu chảy đầu rơi,... đồng chí đã thẳng thắn, mạnh dạn phát biểu quan điểm suy nghĩ, nhận định của mình và xin ý kiến Liên khu ủy, Trung ương rằng: kẻ thù Mỹ-Diệm thì không thể đấu tranh chính trị mà cần phải đấu tranh vũ trang để hỗ trợ cho đấu tranh chính trị, có như vậy, phong trào cách mạng ở miền Nam mới có điều kiện phát triển.

Một số đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵngtại thôn Ađhur, huyện Bến Hiên 1-1-1960.

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh đầu năm 1960, đồng chí tiếp tục được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy và đến cuối năm 1960, được cử làm Bí thư Tỉnh ủy, phụ trách chiến dịch diệt ác phá kèm của tỉnh và sau đó được bổ sung Khu ủy 5.

Tháng 12-1962, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được tách thành Quảng Nam và Quảng Đà, đồng chí được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam sau 3 tháng được điều về làm Trưởng ban kiểm tra Đảng Khu ủy 5. Lúc này, địch thực thi chính sách “ấp chiến lược” vừa dồn dân vào để dễ bề quản lý, vừa hy vọng ngăn được mối quan hệ giữa dân với cách mạng. Để đánh bại chính sách thâm độc này của địch, Khu ủy 5 tổ chức Hội nghị quán triệt chủ trương của Đảng, đồng thời tổ chức các đoàn xuống các địa phương để hướng dẫn quần chúng đấu tranh. Tại Hội nghị này, đồng chí đã đưa ra ý kiến quan trọng và được hội nghị tán thành: “Phải nâng dần chân quân sự lên để hỗ trợ chân chính trị, nâng chân vũ trang lên ngang với chính trị, đẩy mạnh công tác binh địch vận, lôi kéo làm tan rã bộ máy ngụy quân, ngụy quyền địa phương”.

Sau hội nghị, tháng 3-1965, Mười Khôi được Khu ủy phân công phụ trách chiến dịch phát động quần chúng nổi dậy đánh địch mở rộng vùng giải phóng xuống nông thôn, đồng bằng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi kiêm Chính ủy Sư đoàn II. Sau khi các lực lượng vũ trang của chiến dịch tổ chức chặn đánh đoàn xe gần 100 chiếc của địch thắng lợi ở Quảng Nam, trên đường đi kiểm tra lại kết quả thắng lợi của trận đánh, đồng chí chẳng may bị vướng mìn, bị thương. Nghe tin đồng chí Phạm Tứ bị thương, đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy 5 đã thốt lên: “Mất Mười Khôi là mất một mũi tấn công...”. Bởi vậy, khi mở đề cho một loạt ký sự về Mười Khôi, nhà báo Hoàng Hải Vân đã đề: “Nói Quảng Nam “trung dũng kiên cường” mà không biết rõ ông Mười Khôi thì không thể hiểu được vì sao mảnh đất này mang danh hiệu đó”.

Sau khi bị thương, Mười Khôi được đưa ra miền Bắc chữa trị, học tập rồi được phân công làm Thường trực Ban Cán sự Đảng miền Nam, Trưởng ban Xét duyệt Đảng tịch cho tù chính trị đưa ra miền Bắc. Sau khi đất nước giải phóng, đồng chí nghỉ hưu, về sống tại Đà Nẵng. Đồng chí từ trần tháng 5-1987.

Suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí luôn thể hiện rõ là là một người cộng sản trung kiên, bất khuất, không dao động, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn gian khổ, hiểm nguy nào. Đồng chí là người lãnh đạo, kiên cường, khôn khéo, dũng cảm và có tầm nhìn chiến lược, luôn đi sâu, đi sát cơ sở, không một mảnh đất, địa bàn nào trên quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng lại không in đậm dấu chân len lỏi, hoạt động của đồng chí.

Một số đồng chí, đồng đội đã nhận xét về Mười Khôi như sau: “Cuộc đời Mười Khôi là một cuộc đời trọn vẹn vì Đảng, vì dân, vì nước. Suốt đời phục vụ Đảng, dân, nước, không một chút kêu ca, lùi bước; suốt cuộc đời trong sạch, liêm khiết, chí công vô tư...”.

Với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Lê Năng Đông

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_164126_ta-m-guong-vi-da-ng-vi-dan-vi-nuo-c.aspx