Kỷ niệm 127 năm ngày sinh Bác Hồ: Về ngôi nhà bí mật năm 1945

Ngôi nhà Bác Hồ ở ngày 23-25/8/1945 khi từ chiến khu Việt Bắc về Thủ đô trước khi vào nội thành Hà Nội - nay thành Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Phú Thượng, quận Tây Hồ.

Kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2017), những ngày tháng Năm lịch sử, người tìm đến phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội hỏi thăm Nhà lưu niệm Bác Hồ ngày càng đông.

Từ người già đến trẻ nhỏ, ai cũng thông thạo chỉ đường đến nhà ông Công Ngọc Dũng – tổ 17, cụm 3, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Nơi đây 72 năm trước từng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nghỉ và làm việc đầu tiên khi từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, chuẩn bị vào nội thành để soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập tại số nhà 48 Hàng Ngang, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

PV báo Người Đưa Tin đã có dịp tới thăm ngôi nhà này vào những ngày tháng Năm lịch sử khi cả dân tộc nhớ Bác khôn nguôi, cùng gia chủ ôn lại những ký ức đẹp đẽ, niềm vinh dự, tự hào đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

 Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1929, là nhà của cụ Nguyễn Thị An và cụ Công Ngọc Lâm (ông bà nội của ông Công Ngọc Dũng - PV).

Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1929, là nhà của cụ Nguyễn Thị An và cụ Công Ngọc Lâm (ông bà nội của ông Công Ngọc Dũng - PV).

Bên trong ngôi nhà có những bức ảnh và kỷ vật lưu niệm về Bác Hồ.

Những bức tranh gợi nhắc lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Ngôi nhà được giữ nguyên hiện trạng từ những ngày đầu cho đến bây giờ...

... là nơi lưu giữ những kỷ niệm đẹp về Bác Hồ kính yêu.

Ngôi nhà 5 gian nay đã có những dấu vết của thời gian nhưng từng là địa chỉ an toàn đón Bác Hồ và đoàn từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội sau khi Tổng khởi nghĩa thành công. Bác Hồ đã làm việc ở đây từ 23-25/8, trước khi vào nội thành Hà Nội.

Chiếc chậu rửa mặt cũ kỹ...

... và chiếc gương từ thời đón Bác Hồ về làm việc, đến nay vẫn được gia đình lưu giữ cẩn thận như kỷ niệm quý báu.

Phú Thượng là cơ sở cách mạng vững chắc nằm trong an toàn khu của Trung ương Đảng từ 1941-1945. Vì thế, nơi đây được chọn là nơi Bác Hồ dừng chân trên chặng đường từ chiến khu Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội. Hiện nay, ông Công Ngọc Dũng xin được trông coi ngôi nhà đã được công nhận di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ này.

Hàng ngày, ông Dũng cùng những người thân trong gia đình vẫn lau dọn sạch sẽ, thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ.

Bể nước này đã từng là nơi Bác Hồ ra rửa mặt mỗi sớm mai.

Gia đình ông vẫn duy trì nếp sinh hoạt thường niên tổ chức họp mặt gia đình đúng ngày 23/8. Ngày đó, bố mẹ kể cho con, ông bà kể cho cháu để những ký ức về 3 ngày đặc biệt đón Bác Hồ không bao giờ phai nhạt và sai lệch dù chỉ là một chi tiết nhỏ. Ông Dũng cũng thừa hưởng những ký ức đẹp đẽ từ gia đình theo cách đó, để kể lại với phóng viên bằng niềm tự hào và vinh dự lớn lao.

Hàng ngày, ông Công Ngọc Dũng vẫn thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ và giữ cho ngôi nhà sạch sẽ, ngăn nắp.

Chiếc máy đánh chữ Chủ tịch Hồ Chí Minh mang từ chiến khu Việt Bắc về, nay được trưng bày ở đây.

Chiếc valy của Bác Hồ mang từ Việt Bắc về.

Cây hoa mộc trước hiên nhà qua bao năm tháng vẫn xanh tốt. Bậc cửa này là nơi gắn với kỷ niệm sâu sắc với Bác Hồ của cụ nội ông Công Ngọc Dũng là ông Công Văn Trường.

Bài và ảnh: Dương Thu

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/ky-niem-127-nam-ngay-sinh-bac-ho-ve-ngoi-nha-bi-mat-nam-1945-a326046.html