Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024): Từ Điện Biên Phủ đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Sau 56 ngày đêm vượt qua khó khăn, gian khổ, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'; buộc thực dân Pháp phải rút quân; là đòn 'răn đe' chính sách thực dân mới trong chiến lược toàn cầu của đế quốc Mỹ…, tiến tới làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, thu non sông về một dải.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (thứ 2 từ phải qua) và đoàn công tác thăm, tri ân chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Duy Nguýt, 89 tuổi, ngụ khu phố Phước Hải, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành. Ảnh: N.Hà

70 năm nhìn lại, ý nghĩa lịch sử, tầm vóc thời đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ đến Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là bài học vô giá, còn vẹn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Quân dân Nam Bộ góp sức thắng lợi

Cùng với Điện Biên Phủ, quân dân Nam Bộ, trong đó có Biên Hòa - Đồng Nai, kế thừa xứng đáng truyền thống “anh dũng thành đồng, đi trước về sau”, thực hiện tốt phương châm “phân tán, cầm chân, làm tiêu hao lực lượng địch”, góp sức vào thắng lợi ở Điện Biên Phủ.

Theo đại tá, PGS-TS Hồ Sơn Đài, nhà sử học chuyên nghiên cứu lịch sử Nam Bộ, vào thời điểm năm 1951, theo chỉ đạo của cấp trên và tình hình thực tiễn, Trung ương Cục miền Nam đã tổ chức, bố trí lại lực lượng, tạo thế và lực mới trên chiến trường.

Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ cấp nhà nước sẽ diễn ra sáng 7-5 tại Sân vận động tỉnh Điện Biên với nhiều hoạt động như: biểu diễn trống hội; trình diễn khối nghệ thuật; diễu binh, diễu hành…

Nam Bộ được chia làm 3 vùng: Phân liên khu miền Đông, Phân liên khu miền Tây và Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Trong đó, Phân liên khu miền Đông gồm 5 tỉnh: Thủ Biên (Thủ Dầu Một, Biên Hòa), Gia Ninh (Gia Định, Tây Ninh), Bà Chợ (Bà Rịa, Chợ Lớn), Mỹ Tân Gò (Mỹ Tho, Tân An, Gò Công) và Long Châu Sa (Sa Đéc, phần Long Xuyên, Châu Đốc phía tả ngạn sông Hậu). Thực dân Pháp coi Đông Nam Bộ là địa bàn hết sức nhạy cảm về chiến lược, có tầm quan trọng đặc biệt, là đầu cầu đường biển thuận tiện, mảnh đất giàu có cung cấp nhân lực, vật chất để phục vụ chiến tranh. Nó còn có ý nghĩa quan trọng hơn, khi ở đây có nhiều quyền lợi trước mắt cũng như lâu dài của đế quốc Mỹ mà thực dân Pháp phải bảo vệ để đổi lấy viện trợ quân sự.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Trung ương Cục miền Nam đã xác định chiến trường Nam Bộ là hướng phối hợp quan trọng, có nhiệm vụ “phân tán, cầm chân, tiêu hao lực lượng địch, gây bất ổn ngay tại hậu phương lớn của chúng”. Đồng thời, đẩy mạnh dân vận, địch vận, chống bắt lính, mở rộng các căn cứ, khu du kích.

Tháng 10-1953, Phân liên khu ủy miền Đông tổ chức Hội nghị quân - dân - chính - đảng, đánh giá tình hình và đề ra nhiều biện pháp thực hiện cụ thể. Các cơ quan, đơn vị vũ trang tiến hành đợt chỉnh Đảng, chỉnh quân sâu rộng. Qua đó, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao sức mạnh chiến đấu cho lực lượng vũ trang, xây dựng niềm tin “kháng chiến nhất định thắng lợi” trong mọi tầng lớp nhân dân. Tổ chức Đảng các cấp được củng cố, nhiều xã “trắng” trước đó đã lập được chi bộ.

Cùng với đó, cấp ủy các cấp còn tập trung lãnh đạo phát triển toàn diện phong trào chiến tranh du kích, đẩy mạnh hoạt động tác chiến, chống càn quét, tập kích, tiêu diệt đồn bót địch. Ở Thủ Biên, Gia Ninh, Long Châu Sa, Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, bộ đội và quân du kích tổ chức nhiều trận phục kích, diệt xe cơ giới, tàu thuyền quân sự trên sông. Tấn công vào hàng loạt trục giao thông quan trọng của địch như: quốc lộ 1, 13, 14, các tuyến đường sắt Sài Gòn - Phan Thiết, Sài Gòn - Lộc Ninh; tập kích các kho bom gây cho địch nhiều tổn thất và góp sức, chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ; buộc chúng phải ký Hiệp định Genève, rút quân về nước.

Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo thăm hỏi, trò chuyện với cụ Đậu Thị Phương từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, hiện ngụ ấp Bến Cam, xã Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch). Ảnh: N.Sơn

Thắng lợi của Điện Biên Phủ đã tạo đà để quân và dân ta, trong đó có Nam Bộ thành đồng và Biên Hòa - Đồng Nai phát huy truyền thống “đi trước, về sau”, lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh kiểu mới của đế quốc Mỹ; làm nên những Đồng Khởi, Ấp Bắc, Vạn Tường; phá toang “cánh cửa thép” Xuân Lộc - Long Khánh; giành thắng lợi then chốt mở đầu trong yếu khu Trảng Bom cùng các hướng tấn công Đông Nam, Tây Bắc…, tiến tới làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Vẹn nguyên giá trị lịch sử

70 năm kể từ ngày 7-5-1954, vượt qua giới hạn địa lý nhỏ hẹp vùng Tây Bắc Việt Nam, Điện Biên Phủ đã trở thành danh từ chung của nhân loại tiến bộ khắp từ châu Á sang châu Phi tới châu Mỹ La tinh. Vượt qua tầm vóc và phạm vi dân tộc, Điện Biên Phủ đã trở thành sức mạnh lịch sử “làm thay đổi số phận thế giới”; cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc thuộc địa “ngẩng cao đầu” quyết tâm phá xiềng xích nô lệ, giành độc lập tự do cho Tổ quốc và nhân dân.

Trong tham luận gửi đến hội thảo khoa học do Bộ Quốc phòng phối hợp các đơn vị chức năng và tỉnh Điện Biên tổ chức mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đại tướng Phan Văn Giang tiếp tục khẳng định: “Bài học từ Điện Biên đã khẳng định rõ phương châm tác chiến chung “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”; nguyên tắc chỉ đạo chiến lược và chỉ đạo tác chiến “tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta; đánh ăn chắc, đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt…”. Với Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ thị: Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được. Chỉ được đánh khi nắm chắc thắng lợi. Nếu không chắc thắng, không đánh”.

Nối tiếp thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, quân dân ta đã thể hiện sâu sắc sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, làm nên thắng lợi của trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút quân về nước, tạo đà cho ta tiến lên đánh cho ngụy nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975.

Cũng theo đại tướng Phan Văn Giang, đó còn là việc vận dụng bài học từ Điện Biên Phủ xây dựng tiềm lực quốc phòng vững mạnh toàn diện; xây dựng thế trận lòng dân vững chắc; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước hùng cường, tạo tiềm lực mọi mặt, chủ động đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa…

Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7, thiếu tướng Đặng Văn Hùng cho rằng, giá trị to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ còn mãi với thời gian, là bài học vô giá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhất là xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

“Đặc biệt, với địa bàn Đông Nam Bộ và Quân khu 7, xây dựng tiềm lực mọi mặt của nền quốc phòng toàn dân, thế trận lòng dân rất quan trọng, tạo sự ổn định, góp phần phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” - thiếu tướng Đặng Văn Hùng nhấn mạnh.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy CAO TIẾN DŨNG:Tiếp tục phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ trong giai đoạn mới

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng và tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân. Từ đó, bảo đảm sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên quyết, kiên trì bảo vệ, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia dân tộc trong tình hình mới…

Phó bí thư Tỉnh đoàn VÕ VĂN TRUNG: Thế hệ trẻ tự hào và biết ơn

Khi được đặt chân tới Điện Biên Phủ, nơi cách đây 70 năm đã diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, trong lòng chúng tôi luôn có sự tự hào mãnh liệt, sự khâm phục về những gì cha ông ta đã làm được để gìn giữ vóc dáng non sông.

Chiến thắng Điện Biên Phủ nhắc nhở người trẻ chúng tôi không được quên đi quá khứ, phải luôn ra sức thi đua, học tập, góp phần gìn giữ, phát huy những gì cha ông ta đã hy sinh, luôn tình nguyện, xung kích góp sức trẻ vào xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Nam Anh (ghi)

Nguyệt Hà

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202405/ky-niem-70-nam-chien-thang-dien-bien-phu-7-5-1954-7-5-2024-tu-dien-bien-phu-den-chien-dich-ho-chi-minh-lich-su-76860ee/