Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Họ đã chiến đấu và sống như thế…

70 năm trước, trên chiến trường Điện Biên Phủ, các chàng trai Nguyễn Hữu Chấp, Trần Khắc Lộng, Trương Sỹ Trì, Dương Chí Kỳ… tuổi vừa mười tám, đôi mươi đã xông vào các trận đánh mà chẳng nghĩ tới hiểm nguy cận kề. Khi trở về cuộc sống đời thường, họ vẫn vẹn nguyên niềm tin người chiến sĩ, thanh niên xung phong.

Ông Dương Chí Kỳ nói chuyện với các chiến sĩ thế hệ sau

Cùng đồng đội trong chiến hào chiến đấu

Trong buổi chiều ngày hè cuối tháng 4/2024, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa gặp lại nhau sau 70 năm xa cách tại TP. Điện Biên Phủ - nơi họ sống và chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Tay trong tay, họ nói với nhau chuyện đời mà trong đó vui có, buồn có, nhưng điểm chung là họ luôn tự hào và nguyện sống xứng đáng với người chiến sĩ Điện Biên.

Nắm chặt tay các đồng chí, đồng đội, ông Dương Chí Kỳ, chiến sĩ Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, nay đã hơn tuổi 90, vẫn nhớ như in những ngày cùng đồng đội chiến đấu cam go, khốc liệt. Đặc biệt, những ngày trong đợt ba của chiến dịch, đơn vị của ông được tham gia làm hầm, làm đường hào vào cứ điểm A1 và đưa súng cối 82 mm ra trận địa từ tối ngày mùng 5/5 và đánh liên tục cho tới trưa ngày 7/5.

Ông Kỳ cho biết, việc đào hầm ở đồi A1 cực kỳ gian nan, vì đất đồi cực rắn. Đêm đầu tiên đào hầm, cả đội đặc biệt gồm 25 cán bộ, chiến sĩ chỉ khoét được vào vách núi mỗi chiều 90 cm. Địch không ngừng bắn súng, ném lựu đạn, nên sau 3 đêm, đơn vị đặc biệt mới đào xong cửa hầm. Khi đào sâu vào lòng núi được 10 m, bộ đội ta phải khắc phục thêm khó khăn do thiếu không khí, đèn và đuốc mang vào đều bị tắt, đất moi từ lòng núi ra ngày càng nhiều, phải vận chuyển đi ngay, không được để tại chỗ vì như thế dễ bị địch phát hiện… Dù việc đào hầm, việc phòng ngự tại đồi A1 vô cùng hiểm nguy, gian nan, nhưng các chiến sĩ được giao nhiệm vụ tại đây đã sẵn sàng kế hoạch chiến đấu không cho quân địch tiến xuống cửa hầm, cho dù có phải hy sinh tới người cuối cùng, để bảo vệ tuyệt đối ý đồ đánh địch của ta.

Với các bác, các đồng chí, hạnh phúc không phải lắm tiền nhiều của, mà là trọn một đời vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

- Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

“Dẫu hiểm nguy cận kề tính mạng, nhưng người chiến sĩ không nao núng. Trái lại, chúng tôi càng quyết tâm nhiều hơn, bởi mong ước chính là chiến thắng vì độc lập, tự do cho nhân dân, đất nước”, ông Kỳ nhấn mạnh.

Cũng làm nhiệm vụ đào hào chiến đấu tại đồi A1 ngày ấy, ông Trương Sỹ Trì (Trung đoàn 174, Đại đoàn 316) vẫn nhớ rõ từng vỡ đất đầu tiên mà ông cùng đồng đội đào ra từ đồi A1.

Ông Trì kể: “Việc đào hào trên đồi A1 vất vả lắm, vì ở đó, địch bố trí phòng ngự dày đặc, đất lẫn đá trên đồi lại cứng, việc đào hào lại chỉ tiến hành vào ban đêm, nhưng chúng tôi không ai nề hà, không ai phàn nàn dù chỉ một lời. Mỗi tối, trước khi đến ca đi đào hào, chúng tôi đều dặn nhau phải dồn sức vào đầu mũi xẻng moi đất, không được để gây tiếng động, không được để vướng mìn hay dây thép gai của địch mới bảo đảm bí mật, tính mạng cho anh em. Dù cẩn thận là thế, nhưng cũng không tránh khỏi tổn thương và mất mát, vì cứ một lúc, địch lại cho bắn đạn pháo tìm mục tiêu quanh hầm hào, lô cốt của chúng. Đồng đội của tôi, rất nhiều người vĩnh viễn nằm lại trên đồi”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Chấp, Khẩu đội trưởng cối 82 mm, Đại đội 12, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 vẫn nhớ như in các trận đánh Him Lam, đồi D1, đồi E trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thậm chí, ông nhớ rành rọt từng diễn biến trận mở màn của quân đội ta vào “cánh cửa sắt Him Lam”.

Ông Chấp kể, để tấn công vào “cánh cửa sắt Him Lam”, cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn 312 được quán triệt là trận đánh khó khăn, vì ở đó, quân Pháp bố trí một tiểu đoàn có 750 người thuộc bán lữ đoàn Lê dương số 13 - một trong những đơn vị thiện chiến nhất của chúng. Đây cũng là trận đánh mở màn chiến dịch, nên yêu cầu từ Bộ Chỉ huy chiến dịch là “phải thắng” thì mới động viên tinh thần bộ đội ta trên toàn chiến dịch. Để thể hiện quyết tâm, các đảng viên đều viết quyết tâm thư sẵn sàng xung phong hoàn thành nhiệm vụ ngay trong đêm 13/3, không để trận đánh kéo dài sang những ngày hôm sau.

12 giờ đêm ngày 12/3/1954, từ Tà Lèng, ông Chấp cùng đồng đội hành quân chiếm lĩnh trận địa, đến gần sáng, đội hình của Đại đoàn 312 đến cánh đồng quanh cứ điểm. Cả ngày bao quanh cứ điểm Him Lam dưới trời nắng chang chang lại phải nghe loa của Pháp ra rả: “Điện Biên là tập đoàn cứ điểm bất khả xâm phạm, các bạn đừng nghe lời Tướng Giáp mà đánh vào. Đánh vào không còn đường về với bố mẹ”, nhưng không ai nao núng.

17 giờ ngày 13/3/1954, pháo ta tập trung bắn vào Him Lam. Ngay loạt đầu đã trúng cờ chỉ huy của Pháp trong cứ điểm, nên bộ đội ta hết sức phấn khởi. Sau hơn một giờ chiến đấu, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” đã tung bay trên cứ điểm 3; đến 22 giờ 30 phút, cứ điểm 2 cũng nằm dưới sự khống chế của ta. Một tiếng sau, 23 giờ 30 phút, Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, diệt 300 dịch, bắt sống 200 và thu toàn bộ vũ khí, trang bị. Chiến thắng giòn giã trong trận mở màn của Đại đoàn 312 tạo nên một niềm tin mãnh liệt, lan tỏa nhanh chóng đối với bộ đội ta trên toàn mặt trận…

“Xứng với những hy sinh của đồng đội”

Đó là điều không chỉ riêng người chiến sĩ, mà mỗi người thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trở về từ chiến trường Điện Biên Phủ đã luôn tự nhắc mình để xứng đáng với sự hy sinh của đồng chí, đồng đội.

Ông Trần Khắc Lộng (hiện ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã tình nguyện gia nhập thanh niên xung phong phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ khi tuổi vừa 18, với nhiệm vụ là y tá cứu chữa cho thanh niên xung phong đi phá đá mở đường, tiếp lương, tải đạn…

“Cuộc chiến của chúng tôi ở các cung đường đèo núi, thác ghềnh và tôi còn phải chiến thắng với thời gian để cứu thương, cứu chữa cho đồng đội, vì chỉ nhanh chậm chút thôi là sự sống đã khác rồi. Chính nỗi đau mất đồng đội trong thời gian phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ đã luôn nhắc nhở tôi phải cố gắng học tập, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm chữa bệnh cứu người. Sau này, dù đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, hay ngay cả khi làm quản lý bảo hiểm y tế Việt Nam, tôi vẫn luôn tự nhắc mình giữ vững tinh thần, ý chí người thanh niên xung phong Chiến dịch Điện Biên Phủ”, ông Trần Khắc Lộng tâm sự.

Với ông Phạm Bá Miều, sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông bước vào “trận chiến” mới kéo dài 21 năm ở huyện nghèo biên giới Mường Tè (tỉnh Lai Châu), với vô vàn gian nan, thử thách. Nhớ nhất là quãng thời gian 5 năm (1958-1963), ông trực tiếp phụ trách xã Hua Bum với 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, không biết chữ, không biết tiếng cán bộ từ xuôi lên. Vì thế, cứ thấy cán bộ người Kinh là bà con… bỏ chạy. Để thực hiện nhiệm vụ được giao, mỗi ngày, ông Miều lên lịch đến từng nhà gặp gỡ bà con. Ban đầu là làm quen, sau thì tiếp xúc bằng việc làm, nên dần dần, bà con quen với sự có mặt của cán bộ người Kinh, họ cho cán bộ ở cùng và làm theo cách làm của cán bộ. Không phụ công sức của ông Miều và nhiều đồng chí khác, người dân xã Hua Bum đã nghe theo cán bộ. Bà con đã biết cấy lúa, biết nuôi con vịt, con gà để cải thiện bữa ăn. Đời sống đồng bào dân tộc ở Hua Bum dần khá hơn.

Cảm phục sự hy sinh anh dũng và tinh thần chiến đấu “trường kỳ” của người chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã khẳng định: nhân dân Việt Nam luôn biết ơn cống hiến, hy sinh của 240.000 người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đóng góp cho kháng chiến với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”. Hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu, họ trở về “cuộc sống đời thường”, học tập, công tác và lao động sản xuất. Dù ở cương vị nào, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn giữ vững phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, trở thành những cán bộ tốt, những công dân gương mẫu, đóng góp công sức xây dựng quê hương, đất nước. Nay đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng những người chiến sĩ Điện Biên, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong năm xưa vẫn là những tấm gương sáng cho con cháu, nhân dân noi theo. “Với các bác, các đồng chí, hạnh phúc không phải lắm tiền nhiều của, mà là trọn một đời vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân”, đồng chí Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Với tình cảm sâu nặng từ đáy lòng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ sự tri ân sâu sắc, lời thăm hỏi thân thiết, quý mến và lời chúc mừng tốt đẹp gửi tới các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thủ tướng khẳng định, nhân dân Việt Nam không bao giờ quên những tấm gương anh dũng, mưu trí, sáng tạo, làm rạng danh truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc ta như anh hùng Tô Vĩnh Diện, anh hùng Bế Văn Đàn, anh hùng Phan Đình Giót… cùng hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ, đồng bào đã kiên cường, dũng cảm không sợ hy sinh, gian khổ với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”…

Được gặp những tấm gương, hình ảnh quả cảm trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ 139 đại biểu đại diện chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến có mặt tại TP. Điện Biên Phủ sáng 17/4/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã vô cùng xúc động, cảm thấy được tiếp thêm động lực, truyền cảm hứng và vui mừng khi thấy các bác, các cô chú, các anh chị, mặc dù hầu hết tuổi đã rất cao, nhưng vẫn khỏe, minh mẫn và tràn đầy nhiệt huyết…

Thủ tướng luôn tin tưởng, các bác, các cô chú, các anh chị chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến sẽ không ngừng phát huy truyền thống, ý chí tự lực, tự cường, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, luôn là tấm gương sáng, sôi động; tạo động lực, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ noi theo.

Đào Phương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ky-niem-70-nam-chien-thang-dien-bien-phu-ho-da-chien-dau-va-song-nhu-the-d214409.html