Kỷ niệm Ngày TBLS 27-7: Tủ bom tái chế của Mẹ Việt Nam anh hùng

PNVN Cái tủ được làm từ quả bom của Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Ba (1913-1973), quê ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, đang được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ là một câu chuyện về sự mưu trí, sáng tạo và dũng cảm của người phụ nữ miền Nam.

Trong thời gian kháng chiến, gia đình mẹ Huỳnh Thị Ba đã tham gia tiếp tế lương thực, nuôi giấu cán bộ, làm du kích ở xã nhà. Mẹ có tất cả 8 người con, 3 người con trai là liệt sĩ: đó là các anh Nguyễn Văn Đực hy sinh tháng 5/1967, Nguyễn Văn Cơ hy sinh tháng 11/1967, Nguyễn Văn To hy sinh tháng 12/1969.

Quả bom ném từ máy bay B.52 của Mỹ nhưng bị lép, được bộ đội công binh tháo kíp nổ biến thành chiến lợi phẩm làm quà tặng mẹ Huỳnh Thị Ba. Các anh sơn quả bom màu xanh, 2 bên hông quả bom tạo thành cánh cửa đóng mở với 2 khoen có khóa, bên trong tạo thêm 4 ngăn.

Tủ bom tái chế

Cái tủ bom tái chế này được mẹ Huỳnh Thị Ba dùng đựng tiền, nữ trang, vật dụng quý để nuôi quân và cất giấu tài liệu cách mạng, thư từ của các con từ chiến trường gửi về. Mẹ nghĩ rằng “nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất”, ít ai biết được rằng tài liệu có thể để trong một quả bom như vậy.

Khi chiến tranh đã lùi xa, cái tủ bom trở thành kỷ vật thiêng liêng đối với mẹ, là công cụ để nhắc nhở con cháu biết ơn thế hệ đi trước đã hy sinh cho mùa xuân của Tổ quốc.

Khi được hỏi về cảm xúc của mình lúc nhìn thấy những kỷ vật trong Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, chị Nguyễn Thị Tuyết, một khách du lịch đến từ Đà Nẵng, chia sẻ: “Tôi rất xúc động khi nghe lại những câu chuyện kể xung quanh các kỷ vật. Có trực tiếp đến đây, tận mắt thấy những hiện vật này thì chúng ta mới cảm nhận hết được sự gian khổ và hy sinh cao cả của các mẹ, các chị”. Không riêng gì chị Tuyết, rất nhiều khách tham quan đến đây đều chung tâm trạng như vậy.

Có thể nói, những hiện vật tuy giản dị, đời thường, từ cái vòng đeo tay, chiếc đồng hồ đến chiếc khăn, tấm áo, cái tủ bom… nhưng đều là “nhân chứng sống” giúp thế hệ hôm nay hiểu hơn về cuộc đời tần tảo, sự hy sinh cao cả các bà, các mẹ, các chị và những mất mát do cuộc chiến tranh khốc liệt gây ra.

Nhà văn Trầm Hương từng viết: “Tôi ngập tràn trong những hiện vật. Chúng mang chở một sức mạnh linh hồn quá lớn, buộc tôi không thể đi qua chúng thờ ơ, không được nói về chúng bằng một giọng vô hồn. Những hiện vật nằm im nhưng không yên lặng. Chúng đang kể, đang hát về những người đã âm thầm ngã xuống cho mùa xuân trỗi dậy”.

Hoài Thương

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/kho-bau/ky-niem-ngay-tbls-27-7-tu-bom-tai-che-cua-me-viet-nam-anh-hung-post30017.html