Kỳ quan Hạ Long Vinh quang và Trách nhiệm

Vậy là sau 4 năm, vượt qua hơn 200 ứng cử viên ban đầu của cuộc bình chọn, vịnh Hạ Long đã lọt vào danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới.

Có được thành công như vậy, trước hết phải nói đến sự chỉ đạo sát sao từ Chính phủ đến các Bộ, ngành như Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục-Đào tạo, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các cơ quan truyền thông… Tất cả đã "vào cuộc" một cách nhịp nhàng và liên tục trong suốt 4 năm qua.

Không ai có thể phủ nhận rằng, việc Vịnh Hạ Long - địa danh từng được UNESCO hai lần công nhận là di sản thiên nhiên thế giới có thêm một danh hiệu nữa sẽ càng làm danh tiếng của kỳ quan này lan tỏa và bay xa hơn. Tuy nhiên, sau "cảm xúc vỡ òa" vì sung sướng khi Hạ Long có thêm danh hiệu mới, nhiều câu hỏi được đặt ra, rằng: phải làm gì để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị vịnh Hạ Long cho thế hệ mai sau?

Từ năm 2002, được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng thế phát triển Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh đã đầu tư các công trình xây dựng vừa đảm bảo yếu tố giữ gìn cảnh quan và yêu cầu phát triển bền vững. Còn nay, như lời ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh thì "Vịnh Hạ Long không còn là của riêng Việt Nam mà là của thế giới", vì thế trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ Vịnh Hạ Long đối với người dân Quảng Ninh càng nặng nề hơn.

Ngay từ bây giờ, chúng ta cần phải xây dựng cơ chế quản lý Vịnh một cách khoa học; nâng cao ý thức trong việc gìn giữ di sản, đảm bảo an ninh, an toàn trên Vịnh; xây dựng văn hóa du lịch, tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng xứng đáng với thương hiệu Kỳ quan thế giới.

Xin mượn lời Nhà sử học Dương Trung Quốc, rất mong người dân địa phương phải đặc biệt ý thức được họ đang sở hữu một báu vật của thiên nhiên để cùng nhau bảo tồn, tôn tạo nó. Những hành động gây tổn hại đến Vịnh phải được ngăn chặn ngay. Nếu không chúng ta sẽ không còn gì để giới thiệu với du khách và trao lại cho mai sau.

Hiền Nguyễn

Nguồn TG&VN: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/VanHoa-XaHoi/2011/11/19C04D1CE39E46C4/