Kỹ sư công nghệ bỏ Sài Gòn về quê trồng rau sạch

Mê làm vườn, anh kỹ sư 38 tuổi từ bỏ công việc lương tháng chục triệu ở Sài Gòn về Long An trồng rau sạch.

Sau hàng chục năm sinh sống và làm kỹ sư công nghệ thông tin tại TP HCM với mức lương chục triệu đồng mỗi tháng, do mê làm vườn từ nhỏ, anh Trần Minh Triều (Thuận Thành, Cần Giuộc, Long An) quyết định đưa vợ về quê trồng rau làm giàu.

Anh Triều nhận thấy hiện ở huyện Cần Giuộc có 29 tổ, liên hợp sản xuất với hơn 700 nông dân trồng trên 1.800 ha rau chuyên canh, nên nếu làm giống họ thì khó lòng cạnh tranh nổi. Bản thân anh cũng rất muốn đầu tư vườn rau không bón phân, xịt thuốc như ước mơ từ thời còn đi học để đảm bảo an toàn cho người mua nên bỏ thời gian đến Đà Lạt, TP HCM học hỏi cách trồng rau thủy canh.

Những cây cải siêu sạch tại vườn rau của anh Triều. Ảnh: Hoàng Nam.

Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, anh bàn với vợ quyết định gom gần nửa tỷ đồng dành dụm nhiều năm để mua đất, xây dựng nhà vườn rộng 400 m2, đầu tư hệ thống tưới, lưới che, thiết bị, dụng cụ hỗ trợ đúng chuẩn và áp dụng quy trình sinh học vào sản xuất.

Rau tại vườn anh thuộc loại sạch bởi từ lúc gieo đến thu hoạch không sử dụng bất kỳ loại phân thuốc hóa học độc hại nào. Mỗi cọng rau cũng được anh lựa chọn kỹ lưỡng, loại bỏ những sản phẩm bị úng, chất lượng kém trước khi xuất ra khỏi vườn nên nhiều khách hàng khá hài lòng.

Đến nay, sau hơn nửa năm thử nghiệm, anh đã thu hoạch được 2 vụ rau, sản phẩm chủ yếu là cà chua, dưa cùng các loại cải. Giá cả các loại rau dao động từ 12.000 đến 25.000 đồng và bước đầu chủ yếu bán cho các khách hàng đặt mua qua mạng xã hội.

Anh Triều cho biết, qua thăm dò hiện nay có nhiều người tiêu dùng muốn ăn rau sạch, nhưng điều họ quan tâm là liệu chất lượng rau có đúng như người trồng thông tin, nên việc tạo niềm tin ban đầu rất quan trọng. Nhiều khách hàng thậm chí còn đến trực tiếp tại vườn để kiểm tra xem có việc sử dụng phân thuốc hóa học không rồi mới yên tâm đặt mua.

"Trồng rau cho năng suất tốt đã khó, trồng rau không dùng phân thuốc càng khó hơn vì cứ sơ suất là sâu bệnh lại tấn công nên tôi cũng đã gặp một số khó khăn ban đầu, dù đã nghiên cứu kỹ từ trước", anh Triều chia sẻ.

Bình quân rau tại vườn anh từ khi trồng đến thu hoạch khoảng từ một đến một tháng rưỡi. Do nghề trồng rau thủy canh còn khá mới, giá hơi nhỉnh hơn so với rau thường nên nhiều người còn ngại. Hai vụ rau vừa qua anh Triều cũng chỉ mới thu lại một khoảng lợi nhuận tương đối, vẫn chưa đủ so với vốn đầu tư ban đầu.

Anh Triều chuẩn bị cho vụ rau mới. Ảnh: Hoàng Nam.

Nhưng anh chàng kỹ sư công nghệ Sài Gòn chọn nghề tay trái làm nghề tay phải tâm niệm, một khi đã quyết tâm mạo hiểm thì phải làm đến cùng, cứ làm cho đàng hoàng, tiếp thị nhiệt tình chu đáo rồi từ từ người tiêu dùng sẽ đến.

Mới đây, thấy anh làm hiệu quả, uy tín, một khách hàng tiềm năng đã đến vườn ký hợp đồng trồng dưa lưới với sản lượng dự kiến trên một tấn, trị giá vài chục triệu đồng và ước tính qua Tết Nguyên đán thu hoạch.

Ông Nguyễn Văn Thiệp, Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc cho biết, hiện nay huyện đang triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau màu trên địa bàn.

"Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao của anh Triều là mô hình thử nghiệm thành công đầu tiên tại huyện, mang lại tín hiệu tích cực, trở thành điểm đến tham quan, học tập của nhiều nông dân trong và ngoài huyện", ông Thiệp nói.

Theo Hoàng Nam (Vnexpress)

Nguồn Thể Thao VN: http://thethaovietnam.vn/thoi-su-trong-nuoc/ky-su-cong-nghe-bo-sai-gon-ve-que-trong-rau-sach-411-221125.html