Ký sự: Kỳ lạ nơi xứ Mường...

Mường Bi, huyện Tân Lạc là một Mường lớn nhất, trù phú nhất, cao nhất và cũng kỳ lạ nhất trong bốn Mường 'Bi - Vang - Thành - Động' của xứ Mường tỉnh Hòa Bình. Nơi đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện hang động của người Việt cổ 21.000 năm tuổi.

Khám phá lối đi xưa nhất thế giới

Từ thị xã Hòa Bình theo Quốc lộ 6 đến ngã ba Mãn Đức, rẽ trái theo Tỉnh lộ 436 đến ngã ba Xưa, rẽ trái tiếp theo đường 12B khoảng 6 km, rồi rẽ trái theo đường liên xã đi Tân Lập 3 km (khoảng 50 km) là đến di tích hang xóm Trại. Nằm sâu trong núi đá xã Tân Lập, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, hang xóm Trại hoang vu và hết sức huyền bí. Lòng hang rộng, trần hang lõm sâu vào như hai quả trứng gà dính liền nhau. Kỳ lạ hơn, lẫn trong lối đi và vách hang là vô số vỏ ốc hóa thạch từ ngàn năm trước bám chặt vào đá. Theo tính toán của các nhà khảo cổ, chỉ một diện tích nhỏ khoảng 1 m2 đá có đến hơn 40.000 con ốc hóa thạch ken dày đặc. Theo các nhà nghiên cứu, để tạo nên tác phẩm kỳ lạ này, thiên nhiên phải mất đến hàng ngàn năm, và ngay cả cái kiểu ăn ốc bằng cách chặt đít, hút ruột của người Việt cổ giống hệt cách thức của người Mường Hòa Bình ngày nay.

Dòng suối trong vắt nơi thung lũng tu tiên.

Hiện tại, trong hang còn vô số công cụ tìm kiếm thức ăn của người nguyên thủy thời kỳ đồ đá mới là rìu đá, ghè đá, tên nhọn... bằng xương thú. Người ta đã tìm được hơn 4.000 công cụ bằng đá tại hang này, và con số chắc chắn chưa dừng lại. Cách đây hai năm, các nhà khảo cổ đã tìm ra một ngách hẹp ngoằn ngoèo ngay cửa hang còn nguyên dấu con người từng vịn vào đá, in dấu chân mòn nhẵn của người xưa có từ khoảng 21.000 năm trước. Vừa qua, con đường xưa cổ này đã được các nhà khảo cổ công nhận là lối đi cổ xưa nhất thế giới. Cũng sát lối đi này, mới đây các nhà khảo cổ phát hiện một bộ xương người có niên đại đến hơn 17.000 năm tuổi cạnh một bếp tro cùng vỏ trấu, hạt hóa thạch... TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á - người đầu tiên phát hiện ra lối đi của người Việt cổ - cho biết cả giới khảo cổ thế giới “sốc” trước tin vui này và đổ xô về xứ Mường bí ẩn để lần theo dấu vết người nguyên thủy.

Ông Bùi Văn Bằng (người được các nhà khảo cổ giao trông nom di tích) kể: Ngày xưa, hang có tên là Đá Trại nằm khuất giữa rừng cây um tùm và rất linh thiêng. Chuyện kể rằng mấy trăm năm trước có tảng đá to bỗng nhiên xuất hiện ở cửa hang nhưng hễ mang đi thì sáng hôm sau nó lại trở về chỗ cũ. Dân làng bèn đưa tảng đá vào hang thờ cúng gọi là “Đá của Phật” rồi lập bàn thờ Bụt ngay trước hang. Từ đó mùa màng vùng này tốt tươi, trù phú hơn hẳn. Ngày nay, mỗi độ xuân về, vào ngày mùng 7 (âm lịch), người dân quanh vùng đến đây làm lễ “Hội xuống đồng” rất đông vui.

Cụ Hệu khi 115 tuổi.

Lạc vào “Thung lũng tu tiên”...

Từ ngã ba Mãn Đức đường vào hang xóm Trại đi khoảng 10 km sẽ đến núi Lũng Vân. Đường lên Lũng Vân nay được làm lại rất đẹp nhưng có những dốc cao ngoằn ngoèo vẫn còn khá khó khăn, bù lại dọc đường quang cảnh đẹp tuyệt vời. Dọc đường đi, các nông dân người Mường rất hiếu khách, luôn cười tươi và mời khách mới quen ghé nhà chơi uống vài ly rượu ngô ngọt lịm đầu môi nhưng say đến quên cả lối về...

Ca ngợi thung lũng cao nhất xứ Mường - Lũng Vân, từ bao đời nay người ta dùng rất nhiều mỹ từ như “Thung lũng tu tiên”, “Thiên đường mây”, “Thung lũng trường thọ”... Thung lũng cao hơn 1.200 m bao bọc bốn bề bởi các ngọn núi Pó, núi Trâu, núi Tiên quanh năm mây phủ. Không chỉ hấp dẫn mọi người bởi những câu chuyện kỳ bí, phong cảnh nơi này đẹp lạ lùng, huyền ảo như một miền cổ tích. Chính vì thế, ngày xưa Lũng Vân có tên Mường Chậm mang ý nghĩa mùa xuân vĩnh cửu. Các bô lão kể: Ngày xưa từ chân núi phóng tầm mắt lên chỉ thấy mây trắng bềnh bồng, mỗi lần xuống núi trao đổi hàng hóa phải mất hai ngày. Nơi đây quanh năm khí trời lành lạnh vô cùng dễ chịu, mùa đông lạnh hơn thi thoảng có tuyết rơi. Có lẽ nhờ thiên nhiên đất trời hội tụ nơi này nên tuổi thọ của người Lũng Vân rất cao.

Ông Bằng giải thích về hang.

Nhiều cụ ông, cụ bà ở nơi đây cho biết: Lũng Vân chỉ vài trăm nóc nhà sàn nhưng hiện vẫn còn hàng chục cụ sống trên 100 tuổi, trong đó có cụ Hệu từng sống qua ba thế kỷ vừa mới mất, còn các cụ tuổi trên 80 thì nhiều lắm không thể kể hết. Cụ Đinh Thị Hệu ở xóm Nghè vừa mới mất khi tròn 115 tuổi được xem là người cao tuổi nhất ở đây. Con cháu kể năm cụ đã 113 tuổi dù không còn lên xuống 9 bậc cầu thang nhà sàn để hái rau lấy nước suối như những năm trước nhưng cụ vẫn hồng hào, ăn khỏe và tự chăm sóc mình mà không cần con cháu giúp đỡ nhiều. Đinh Văn Chớ (cháu đời thứ 4 cụ Hệu) bảo: Ở đây bạn trẻ nào cũng nhất mực ngoan ngoãn và kính trọng ông bà. Bao đời nay, câu “kính già, già để tuổi cho” luôn được ông bà nhắc nhở con cháu sống tốt. Bác Hà Đức Thọ, một lãnh đạo xã, cho biết vì “bí mật trường sinh” nơi này mà không ít người cất công lặn lội đến đây tìm hiểu. Thật ra, cuộc sống các cụ rất bình thường, cũng “cơm trắng, rau rừng” thậm chí còn kham khổ hơn miền xuôi nhiều. Có điều “bí mật” các cụ luôn dặn dò con cháu là phải sống vô tư, tử tế, dứt khoát không dùng bột ngọt, không ăn đồ sống, thịt nướng, thịt ngựa, chó, mèo.

Lối đi rất bí ẩn.

Ngay cả nước chè xanh rất ngon ở vùng Tây Bắc cũng chỉ dùng đãi khách còn bình thường mọi người chỉ uống nước suối không đun, còn khi trời lạnh mới nấu cùng một số loại cây thuốc trên rừng. Ở đây cây thuốc quý chỉ người Lũng Vân mới có thì nhiều vô kể. Một điều vô cùng thú vị là cụ Hệu đã sống qua ba thế kỷ nhưng chưa từng phải đến bệnh xá hay uống thuốc tây. Mỗi khi không khỏe, cụ theo lời dạy của ông bà tự trị bệnh bằng cây thuốc ở rừng mãi cho đến khi mất. Em Đinh Văn Luận, cháu chít 5 đời cụ Hệu, “bật mí”: “Từ nhỏ chúng em được ông bà dạy rằng nguồn nước trong vắt, chảy ra từ suối Bụt là món quà vô giá mà đất trời ban cho vùng đất bí ẩn này”. Quả thật, nước suối Bụt uống vào một ngụm mát lịm đầu môi hơn hẳn các loại nước tinh khiết đóng chai...

Rất nhiều công cụ bằng đá vẫn còn ở đây.

Hiếu Nghĩa

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/ky-su-ky-la-noi-xu-muong-d53153.html