Ký sự Phú Quốc: Bí ẩn kho cổ vật vô giá trong những con tàu đắm (2)

Tính cho đến thời điểm hiện tại, ở khu vực Phú Quốc, cơ quan chức năng đã phát hiện ra 4 vị trí có tàu đắm, mang theo cổ vật.

Trong số 4 di chỉ tàu đắm ở Kiên Giang chỉ có 2 vị trí được khai quật nhưng số cổ vật không còn đáng kể, do số này đã bị người dân phát hiện, âm thầm vớt và mua bán từ trước đó.

Bí ẩn trong những con tàu đắm

Có một chi tiết khá thú vị là khi tìm hiểu về cổ vật , PV cũng được Phong, ở bãi Thơm (Phú Quốc, Kiên Giang, nhân vật được đề cập ở kỳ trước) kể: “Trong quá trình đi biển, em có lượm được một chiếc bàn ủi cũ, tuy nhiên, không xác định được đó có phải cổ vật hay không? Một lần đi biển, em lặn và thấy nó dưới đáy biển, trong chân đá ở khu vực hòn Thơm”.

Chiếc bàn ủi cũ nhưng không xác định được đó có phải cổ vật hay không?

Đây không loại trừ là cổ vật trong con tàu đắm. Về chất liệu, nó trông vừa giống đá nhưng lại khá giống đất nung. Hiện Phong đang rao bán vì... kẹt tiền. Ngoài Phong, PV còn được một số ngư dân cho biết, thi thoảng vẫn tìm thấy các loại đồ gốm, tuy nhiên, chủ yếu không còn lành lặn.

“Hôm trước, tôi có vớt được một cái chén, nhìn như chén ăn cơm nhưng trên miệng thì to hơn nhiều chén bình thường. Nó có màu trắng và men xanh. Tôi cũng tưởng là cổ vật đem về nhưng không may để rơi trên biển, lặn xuống tìm thì không thấy đâu nữa. Còn việc vớt được các mảnh sành kiểu cổ thì không hiếm”, ông Tiến, một ngư dân ở Hàm Ninh nói.

Đến Phú Quốc lần này, PV còn được người bạn dẫn đến bảo tàng Cội Nguồn, nơi chứa đựng những giá trị lịch sử của hòn đảo “ngọc” thu nhỏ. Đây là một trong những bảo tàng tư nhân hiếm hoi ở Việt Nam trưng bày cổ vật tàu đắm . Tuy nhiên, theo quan sát của PV, có lẽ do bảo tàng chưa được “chuyên nghiệp” nên lượng khách đến tham quan khá ít. Lúc tìm đến, trong bảo tàng chỉ “đón tiếp” mỗi chúng tôi.

Ngoài các phần về lịch sử, văn hóa, biển – đảo Phú Quốc... một nội dung quan trọng chính là trưng bày cổ vật của các con tàu đắm. Cô hướng dẫn viên tại bảo tàng này cho biết: “Tàu cổ ở hòn Dầm (phía Nam đảo Phú Quốc) được khai quật vào tháng 5/1991. Con tàu này nằm ở độ sâu hơn 17m và bị vùi trong cát biển có chỗ tới 2m, tàu có chiều dài gần 30m và rộng gần 7m”.

Số cổ vật được tìm thấy và trưng bày tại bảo tàng Cội Nguồn.

Việc phát hiện con tàu đắm hòn Dầm hết sức thú vị. Thực chất, con tàu được người dân phát hiện từ trước năm 1975. Tuy nhiên, mãi đến sau này, chính quyền mới biết, thông qua một vụ kiện cáo. Theo đó, có người dân đã nộp đơn kiện về việc mất đồ cổ mà các thợ lặn vùng hòn Giỏi, hòn Thơm mò được từ rặng biển Ông Đực, rồi cất giấu trong bụi cây, bờ cỏ ở hòn Dầm. Vì thế, vào những năm 80 – 90, dân chơi đồ cổ Sài Gòn xôn xao vì những món đồ cổ của ngư dân phát hiện được từ các con tàu đắm tại vùng biển Phú Quốc. Đặc biệt là từ con tàu đắm ở hòn Dầm. Các loại cổ vật này chủ yếu bằng gốm, men ngọc, men thúy lam, men nâu...

Ông Năm, một người dân cố cựu ở thị trấn Dương Đông, Phú Quốc cho biết: “Thời đó, người dân ở đây bán mỗi món cổ vật có giá dăm mười ngàn, cao lắm cũng chỉ vài chục ngàn đồng. Nghĩ lại mà thấy tiếc, xót xa cho số cổ vật của quốc gia cứ thế mà trôi lạc đi khắp nơi, trong đó không ít đi ra nước ngoài”.

Thực tế, cách đây khoảng 10 năm, cơ quan hải quan cũng đã phát hiện và bắt giữ được rất nhiều cổ vật trong con tàu đắm ở hòn Dầm do các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép. Sau đó, số cổ vật này được bàn giao lại cho bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Cổ vật vô giá

Sau thông tin người dân kiện cáo về cổ vật, chính quyền vào cuộc điều tra thì mới hay là có con tàu đắm chứa hàng ngàn cổ vật tại đây. Đến năm 1991, ban chỉ đạo trục vớt con tàu đắm này mới được thành lập. Và khi trục vớt, số hiện vật không còn được là bao. Tuy nhiên, có nguồn tin lại cho biết, trên con tàu này có khoảng 10.000 hiện vật.

Ông Nguyễn Hữu Phương, Phó Giám đốc bảo tàng tỉnh Kiên Giang, một trong những thành viên tham gia trục vớt con tàu đắm hòn Dầm nhớ lại: “Cuộc khảo sát đó có sự tham gia của 2 doanh nghiệp để trang bị các trang thiết bị cần thiết cùng các chuyên gia đến từ Pháp, Italia. Sau nhiều cuộc lặn thăm dò trong mấy ngày liền, đoàn khảo sát đã phát hiện và đo chính xác vị trí tàu đắm, đồng thời có đầy đủ thông tin để tiến hành khai quật. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là hiện trường đã bị phá hủy do người dân lấy cổ vật từ trước đó rất lâu. Số cổ vật còn lại không nhiều nhưng lại rất phong phú về dòng men. Ví như men thúy lam, men nâu, men trắng vẽ lam...”.

Cô hướng dẫn viên ở bảo tàng Cội Nguồn cũng nói tiếp: “Lúc khai quật, đồ gốm trên tàu bị hàu biển đóng kết lại thành khối lớn. Các chuyên gia khảo cổ học cho rằng, những đồ gốm này được sản xuất tại lò gốm Sawankhalok (Thái Lan) vào thế kỷ XV, chủ yếu là men ngọc. Chúng được sản xuất hàng loạt và xuất hiện cũng hàng loạt trên biển Phú Quốc”.

Ngoài số cổ vật trong các bảo tàng của Nhà nước, số cổ vật trong các con tàu đắm tại bảo tàng Cội Nguồn cũng đang góp phần vào việc lưu giữ và bảo tồn các giá trị... vô giá của nhân loại.

Tương tự, con tàu đắm ở Rạch Tràm cũng được người dân phát hiện. Tuy nhiên, khi phát hiện họ cũng âm thầm lấy đi cổ vật và bán cho các đầu nậu thời ấy. Đến khi cơ quan chức năng khai quật (năm 2000) thì số cổ vật cũng không còn nguyên vẹn mà mất đi rất nhiều.

Hiện nay, tại bảo tàng tỉnh Kiên Giang cũng đang trưng bày nhiều cổ vật được khai quật từ con tàu đắm Rạch Tràm. Số cổ vật cho thấy, đồ gốm nói trên thuộc dòng gốm men ngọc. Đây là những sản phẩm được chế tác tinh xảo. Trong số này có nhiều cổ vật có in nổi giữa lòng chữ Kim hoặc chữ Phúc, kiểu điển hình của bát men được sản xuất vào thế kỷ XII - XIII, thời nhà Tống (Trung Quốc).

Ngoài các loại gốm nói trên, cổ vật thu được trong các con tàu đắm ở Phú Quốc còn có một số mảnh sứ mang đặc điểm của gốm sứ lò Đức Cảnh trấn, thời Minh (ở Trung Quốc). Tuy nhiên cũng chưa có cơ sở để kết luận đây là đồ dùng của thủy thủ đoàn hay hàng xuất khẩu đi nơi khác.

Hiện nay, bảo tàng Cội Nguồn cũng xây dựng mô hình con tàu đắm, trên tàu trưng bày hàng trăm hiện vật gốm gia dụng với nhiều loại hình như kendi, chum, hũ, bình, vịm... Loại hình khá phong phú và lạ, không thuộc truyền thống gốm Việt Nam và cũng không phải xương gốm Trung Quốc, hình dạng không tương hợp với Kh’mer. Chứng tỏ, thời điểm đó ở Phú Quốc đã có sự giao lưu, thông thương với các vùng lân cận.

Bảo vật vô giá của nhân loại

Như trên đã đề cập, ở Kiên Giang phát hiện ra 4 di chỉ tàu đắm: Tàu đắm hòn Dầm, tàu đắm hòn Ông Đội, tàu đắm Phú Quốc và tàu đắm Rạch Tràm (bãi Thơm). Điều này minh chứng rõ nét, vùng biển Kiên Giang, đặc biệt là Phú Quốc nằm trong tuyến đường giao thương quốc tế từ rất sớm. Cũng cần nói thêm, ngoài số cổ vật trong các bảo tàng của Nhà nước thì số cổ vật trong các con tàu đắm tại bảo tàng Cội Nguồn cũng đang góp phần vào việc lưu giữ và bảo tồn các giá trị... vô giá của nhân loại.

Thanh Tùng

(Còn nữa...)

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/ky-su-phu-quoc-bi-an-kho-co-vat-vo-gia-trong-nhung-con-tau-dam-2-a324462.html