Kỹ sư Trần Quý Nam: Thợ cả trên công trường xây dựng 'phên dậu mềm' Tổ quốc

Với tập thể Cty COMA 25, kỹ sư Trần Quý Nam luôn là một điển hình cán bộ trẻ mẫn cán và năng động. Nhìn vào kỷ lục 7-8 chức danh anh gánh vác ở Cty: Phó phòng Kế hoạch; Bí thư Đoàn TN; Ủy viên Ban kiểm soát… thật khó tin nếu biết thêm anh không phải là cán bộ hành chính đơn thuần mà đích thực là người chỉ huy của những công trình trọng điểm do Cty đảm nhận.

Kỹ sư Trần Quý Nam không chỉ là cán bộ hành chính đơn thuần mà đích thực là người chỉ huy của những công trình trọng điểm do Cty đảm nhận.

Trần Quý Nam tâm sự: “18 năm sau ngày rời ghế nhà trường là 18 năm tôi gắn bó với gia đình COMA 25. Với tôi đó là một mối duyên thật khó cắt nghĩa!”. Quả là như vậy bởi nghề xây dựng là một nghề nay đây mai đó, khó giữ chân lao động nhất trong khi COMA25 không phải là doanh nghiệp lớn, thậm chí từng có thời kỳ dài khủng hoảng việc làm và bộ máy quản lý, đã đứng trước bờ vực phá sản.

“COMA 25 cho tôi cơ hội để trưởng thành trong công việc, được thử sức với những công trình lớn mà có những công trình để lại dấu ấn theo suốt cuộc đời như thi công tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Đó là những tháng ngày cháy hết mình vì công việc, bằng sức trẻ và tình yêu nghề.” – Trần Quý Nam bộc bạch.

Năm 2014, Trần Quý Nam được phân công phụ trách thi công hệ thống trạm BTS trên địa bàn Lào Cai do Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel làm chủ đầu tư. Trạm BTS xã Bản Khoang là 1 trong số 10 trạm đặt trên địa bàn huyện Sa Pa. Đây được coi là một trong số những trạm “xương xẩu” nhất của toàn gói thầu. Trạm nằm trên đỉnh núi cao đi bộ cũng mất 2 – 3 giờ đồng hồ. Không nói đến những nỗi cơ cực của người thợ xây dựng trên công trường khắc nghiệt, khi mà nhiệt độ đêm xuống có lúc tới âm độ mà chỉ có chiếc lán trại che sương chắn gió bằng bạt, những tấm chăn bông hóa học không thấm vào đâu so với cái lạnh, chỉ có ngọn lửa đốt lấy hơi ấm để chống chọi với giá rét... Lạnh đến nỗi quả trứng luộc mãi không chín nổi, phải dùng nồi cơm điện để làm chín thức ăn, lạnh đến nỗi thực phẩm sống bỏ hộp xốp trữ cả tuần mà vẫn tươi nguyên, nhưng tiến độ công trình không cho phép chậm trễ 1 ngày.

Kỹ sư Trần Quý Nam kể: Trạm nằm sâu trên địa bàn núi hiểm trở, có hôm 2 giờ sáng xe tải chở cột thép vào đến nửa đường nhất định không chịu vào thêm nữa vì họ lo vào rồi không quay trở ra được. Nếu thiết bị vật tư bị hạ giữa đường rừng núi thì không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ mà bài toán kinh tế cũng vô cùng nan giải, việc thuê nhân công lao động vận chuyển tiếp cực kỳ tốn kém, nguy cơ lỗ nghiêm trọng. Anh Nam đã kiên trì thuyết phục lái xe dừng nghỉ giữa đường rừng trong đêm khuya giá lạnh chờ trời hửng sáng, thân hành làm người hướng dẫn để xe vào và xe ra an toàn.

Tuy nhiên, những khó khăn về kỹ thuật và xử lý các phương án thi công vẫn là chuyện nhỏ so với những khó khăn cười ra nước mắt. Cũng tại trạm Bản Khoang, điểm thi công trên đỉnh núi, nơi đồng bào dân tộc cũng ít lui tới. Công trình nằm trên khu vực dùng làm điểm an táng của hơn chục hộ đồng bào với vài chục ngôi mộ. Khi đơn vị thi công đưa vật liệu vào vấp phải sự ngăn chặn của một số hộ dân, với lý do “vật liệu thi công vận chuyển giành đường của...ma”. Họ yêu cầu nhà thầu dừng thi công và phạt vạ số tiền lên tới vài chục triệu đồng. Đại diện nhà thầu thi công một mặt báo cáo chính quyền địa phương phối hợp thực thi theo đúng quy định của luật pháp, đề xuất phương án hợp lý với chủ đầu tư bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho dân, mặt khác kiên trì tiếp cận và làm công tác dân vận. Với nỗ lực đó, khó khăn nhanh chóng được giải quyết ổn thỏa. Người dân sau khi đã nhận thức được vui vẻ hợp tác cùng nhà thầu. Không ai khác, chính đồng bào lại là những người nhiệt tình giúp nhà thầu chọn điểm dựng cột điện hợp lý và bảo đảm an toàn.

Có thời điểm đồng loạt 7 trạm cùng triển khai thi công, bình quân mỗi ngày các “sỹ quan chỉ huy” phải di chuyển khoảng 200km bằng phương tiện xe máy, chưa kể quãng đường phải trèo đèo, leo dốc...

Ngắm những cột thép sừng sững cao vút trên những đỉnh đèo mây phủ trên đỉnh núi Sa Pa, hình dung cảnh mấy tháng trước, những người thợ COMA 25 sáng tạo ra chiếc xe đẩy bánh bằng cao su để chuyển cột điện và cột thép tôi liên tưởng tới những dân công tải hàng lên trận địa làm nên chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu năm xưa. Công việc lặng thầm của người thợ COMA 25 như Trần Quý Nam trên từng trạm phát sóng viễn thông thực sự là nhỏ bé, nhưng lấp lánh ở đó phẩm chất cần cù, bền bỉ, làm nên một COMA 25 vững vàng, trưởng thành và năng động ngày hôm nay.

Huệ Anh

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/ky-su-tran-quy-nam-tho-ca-tren-cong-truong-xay-dung-phen-dau-mem-to-quoc.html