Kỳ thi THPT Quốc gia 2017: 'Giai đoạn nước rút' ôn như thế nào để hiệu quả?

Chỉ còn ít ngày nữa là thí sinh trên cả nước sẽ bước vào kì thi THPT quốc gia 2017. Ở giai đoạn "nước rút" này, ngoài kiến thức, bản lĩnh và ý chí là yếu tố quan trọng quyết định việc đỗ hay trượt.

Không coi nhẹ phần lí thuyết, đặc biệt là lí thuyết các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học.

Vào giai đoạn gấp rút như thế này, nhiều học sinh vẫn đang rất lo lắng không biết nên ôn như thế nào cho hiệu quả. Thầy giáo Trần Đức (Giáo viên Vật lí - Hệ thống Giáo dục HOCMAI) chia sẻ: “Dựa vào đề tham khảo môn Vật lí mà Bộ GD-ĐT đã công bố, tỉ lệ câu hỏi lí thuyết và bài tập tương đương nhau. Tuy nhiên khi vào phòng thi, các em nên hoàn thành một lượt lí thuyết trước để chắc điểm những câu hỏi này, sau đó mới đi vào giải quyết bài tập. Đặc biệt là các em chỉ có mục tiêu xét tốt nghiệp hoặc mục tiêu 8đ thì nên tập trung hơn vào lí thuyết”.

Thầy Trần Đức đang khuyên nhủ khi các em sắp bước vào kì thi quan trọng. Ảnh: L.C

Lý thuyết trong đề Vật lí không theo hướng học thuộc, tức là học sinh cần có sự vận dụng thực tế, liên hệ giữa các kiến thức. Cùng trong một câu hỏi có thể sử dụng nhiều kiến thức khác nhau. Như vậy, học sinh cần phải nắm chắc các lí thuyết cơ bản trong SGK cơ bản và làm nhiều câu hỏi trắc nghiệm để luyện tư duy và xử lý bài. Thí sinh thường gặp sai sót khi nhớ máy móc công thức mà không hiểu các hiện tượng vật lý đi kèm, đọc đề bài không kỹ gây hiểu lầm, thiếu kỹ năng tính toán dẫn đến việc làm bài chậm. Gần đến ngày thi, thí sinh nên luyện đề thi thay vì học thêm kiến thức mới.

Luyện nhiều đề thi thử sao cho đúng cách.

Theo thầy Lê Anh Tuấn (Giáo viên Toán học- Hệ thống Giáo dục HOCMAI) trong thời gian cuối cùng, học sinh nên tập trung ôn luyện lí thuyết, chăm chỉ rèn luyện đề thi, nghiên cứu kĩ và làm thuần thục các dạng bài được ra ở 3 đề thi minh họa mà Bộ GDĐT đã công bố trước đó.

Thầy Lê Anh Tuấn giải đáp thắc mắc của nhiều học sinh về môn Toán trắc nghiệm. Ảnh: L.C

Nhiều học sinh bày tỏ sự lúng túng của mình khi làm bài thi Toán dưới hình thức trắc nghiệm. Thậm chí, có học sinh chia sẻ rằng mình luôn thử bấm máy tính Casio với mọi câu hỏi trong đề thi môn Toán. Tuy nhiên máy tính Casio hay các mẹo giải nhanh chỉ phần nào đó hỗ trợ các em chọn đáp án nhanh hơn mà thôi.

Cô Vũ Mai Phương (Giáo viên dạy Tiếng Anh online) cho hay: “ Trong giai đoạn ôn thi này, việc luyện đề sẽ mang lại tác dụng hơn ôn tập kiến thức. Luyện càng nhiều đề thì các em sẽ “va vấp” với nhiều tình huống có thể gặp trong đề thi thật, đây cũng là cách để trau dồi từ vựng hữu hiệu nhất. Các em nên luyện càng nhiều đề càng tốt, mỗi ngày nên luyện từ 1, 2 đề. Một nửa của đề sẽ là dạng câu hỏi đọc hiểu với mức độ dễ- trung bình nên các em cần chú trọng để không làm mất điểm bài đó. Lựa chọn chủ đề theo sự yêu thích và năng lực của bản thân. Đọc thật kĩ đoạn mở đầu của bài văn.”

Đừng bỏ lỡ kiến thức lớp 10, 11.

Theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, năm 2017, nội dung thi sẽ chỉ nằm trong chương trình lớp 12 THPT. Tuy nhiên, kiến thức luôn có hệ thống chứ không nằm riêng lẻ, để làm tốt đề thi THPT quốc gia, các em không thể bỏ qua toàn bộ kiến thức lớp 10, 11 được.

Đối với môn Sinh học, thầy giáo, ThS. Nguyễn Thành Công (Giáo viên THPT Chuyên Đại học Sư phạm) cho rằng: “Đề thi vốn đã rất dài cộng với việc là môn thi cuối cùng trong tổ hợp Khoa học tự nhiên nên áp lực khi làm bài thi môn Sinh học sẽ tăng lên. Tuy nhiên, từ đề thi tham khảo mà Bộ GDĐT vừa mới công bố, chúng ta có thể thấy các em chỉ cần học tốt, nắm chắc SGK và SBT cơ bản lớp 12 là có thể làm tốt 30 câu hỏi đầu tiên. Lí thuyết trong 30 câu hỏi này nằm trọn vẹn trong SGK cơ bản 12. Làm tốt 30 câu hỏi này, các em đã có thể có 6, 7 điểm. So với thời lượng để hoàn thành một bài tập khó, đủ để các em làm tốt và chắc điểm số của vài câu lí thuyết rồi”.

Thầy giáo Nguyễn Thành Công giải đáp thắc mắc về môn Sinh Học. Ảnh L.C

Cần linh hoạt khi làm mỗi dạng câu hỏi.

TS. Trịnh Thu Tuyết nhấn mạnh, để làm tốt đề thi môn Ngữ văn, học sinh cần lưu ý yêu cầu và phương pháp làm bài với mỗi kiểu câu hỏi. Ví dụ với phần đọc hiểu, câu hỏi 1 thường là câu hỏi nhận biết, kiểm tra kiến thức tiếng Việt. Học sinh cần nhanh chóng xác định chính xác yêu cầu, trả lời thẳng vào nội dung câu hỏi, không cần dẫn giải dài dòng nếu đề không yêu cầu giải thích.

Câu hỏi số 2 và số 3 thường kiểm tra khả năng đọc - hiểu thông điệp nội dung hoặc giá trị nghệ thuật của một đơn vị ngôn từ nào đó trong ngữ liệu. Tùy thuộc vào yêu cầu của đề, các em cần kết hợp khả năng tư duy suy luận với những hiểu biết, kinh nghiệm vốn có để trả lời ngắn gọn, chính xác theo yêu cầu của đề hoặc giải thích ngắn gọn nếu đề bài yêu cầu.

Để có thể làm tốt việc đó thì không phải trong một sớm một chiều mà cần phải có sự cố gắng rèn luyện giữa thầy cô và trò. Một bài văn muốn đạt kết quả cao nhất cần hướng đến một quy chuẩn và được thể hiện qua hệ thống ý. Hệ thống ý là cần phải có đầu có cuối. Từ đó phát triển các ý một cách tốt nhất, cảm nhận một cách sâu sắc nhất, thể hiện cái tôi riêng mình đó là cách làm văn tốt nhất.

Và đặc biệt hơn đó là tất cả các thí sinh trên cả nước hãy giữ gìn sức khỏe, bình tĩnh và tự tin cho kì thi sắp tới.

TS. Trịnh Thu Tuyết và các thầy cô giáo dặn dò học sinh những lưu ý trước kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh: L.C

Linh Chi

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/giao-duc/ky-thi-thpt-quoc-gia-2017-giai-doan-nuoc-rut-on-nhu-the-nao-de-hieu-qua-674852.bld