Kỳ tích Quý Phước

Giành HCV cự ly 100 m bơi tự do, Hoàng Quý Phước không chỉ lập nên cú đúp vàng cho bơi lội mà còn đi vào lịch sử SEA Games khi trở thành kình ngư Việt Nam đầu tiên giành hai HCV ở một kỳ đại hội thể thao khu vực

Bốn ngày sau khi giành HCV nội dung 100 m bơi bướm, hôm qua (17-11), kình ngư 18 tuổi người Đà Nẵng tiếp tục làm nức lòng người hâm mộ với việc giành thêm HCV trên đường đua 100 m bơi tự do. Thành tích của Phước là 50 giây 79, hơn kình ngư Danny người Singapore về nhì 9% của giây.

15 m cuối, nghĩ về Tổ quốc

Trước SEA Games, bơi lội Việt Nam đặt chỉ tiêu phấn đấu có từ 1-2 HCV. Trong bối cảnh Nguyễn Hữu Việt không còn khả năng cạnh tranh và giữ HCV 100 m ếch, gánh nặng trên vai Hoàng Quý Phước rất lớn.

Hoàng Quý Phước và HCV thứ hai trong vòng 4 ngày

Bước vào nội dung không phải sở trường 100 m tự do, Phước có sự thoải mái về tâm lý khi đã giành được một HCV trước đó. Xuất phát không thật tốt nhưng Phước bền bỉ đeo bám các đối thủ của nước chủ nhà và nhất là kình ngư Danny của Singapore. Phước bị dẫn trước trong 85 m đầu tiên tuy nhiên, cú nước rút thần tốc ở 15 m cuối thực sự là cú nước rút vàng của bơi lội Việt Nam nói chung và Quý Phước nói riêng.

Trả lời báo giới sau khi lần thứ hai giành HCV trên đường đua xanh, Quý Phước nói: “Ở những mét cuối, tôi vẫn còn thua đối thủ nhưng có một động lực thôi thúc tôi phải làm một điều gì đó, phải giành chiến thắng. Động lực đó chính là Tổ quốc. Khi đó trong tôi chỉ có 2 từ Tổ quốc”.

Mẹ đứng sau thành công

Giúp bơi lội giành cả hai HCV ở kỳ đại hội này, Hoàng Quý Phước đã được lịch sử khắc tên nhưng Phước chưa vội nghĩ đến việc tận hưởng chiến thắng này. Kình ngư 18 tuổi nói: “Tôi muốn chinh phục những thành tích cao hơn nữa. Đấu trường Á vận hội sẽ là mục tiêu trong thời gian tới của tôi”.

Nhận xét về học trò, HLV Đặng Anh Tuấn nói: “Thành quả này của Phước đến từ ý chí và sự khổ luyện của bản thân em. Tất cả chúng tôi đều rất tự hào về Phước”. Với chiến tích đáng nhớ này, Phước sẽ còn được nói đến nhiều nhưng chàng trai sinh ra để bơi lội này vẫn thủ thỉ với người viết: “Mẹ đã động viên tôi rất nhiều. Sau khi giành được HCV đầu tiên, mẹ đã gọi điện động viên tôi thi thật tốt những nội dung còn lại. Nếu không có mẹ, tôi không có được ngày hôm nay”.

Nữ kình ngư 15 tuổi Nguyễn Thị Ánh Viên cũng lập cú đúp HCB sau khi giành thêm một HCB nữa ở đường bơi 100 m ngửa. Ánh Viên lập thành tích 1 phút 3 giây 68, thua đối thủ Tao Li của Singapore (á quân thế giới) 1 phút 2 giây 11. HCB trước đó của Viên ở đường bơi 400 m hỗn hợp.

Ngày 17-11, Ánh Viên còn thi nội dung 200 m hỗn hợp. Sáng sớm 19-11, các VĐV bơi lội sẽ lên đường về nước.

Xếp hạng sau ngày 16-11

1. Indonesia (87 HCV, 67 HCB, 70 HCĐ); 2. Việt Nam (56, 55, 59); 3. Thái Lan (52, 41, 60); 4. Singapore (29, 32, 47); 5. Malaysia (28, 25, 44)...

DIỄN BIẾN CÁC MÔN KHÁC

- Cầu lông: Tay vợt hạng 7 thế giới Nguyễn Tiến Minh khởi động cho chiến dịch giành HCV SEA Games bằng chiến thắng nhẹ nhàng 2-0 (21-13, 21-6) trước đối thủ người Philippines Peter Gabriel Magnaye ở vòng 2 diễn ra chiều 16-11 tại NTĐ Astora thuộc khu liên hợp thể thao Senayan. Anh sẽ gặp đối thủ số 1 của Singapore là Derek Wong ở vòng tứ kết diễn ra hôm nay, 17-11. Nếu thắng tiếp, Tiến Minh có khả năng chạm trán tay vợt chủ nhà và là hạt giống số 3 Simon Santoso ở bán kết.

- Bóng bàn: Hy vọng đổi màu huy chương của đội tuyển bóng bàn Việt Nam đã bất thành khi trong trận bán kết nội dung đơn nam diễn ra sáng 16-11 tại NTĐ Soemantri, tay vợt Trần Tuấn Quỳnh để thua Gao Ning của Singapore với tỉ số 1-4, đành nhận HCĐ. Ở trận bán kết nội dung đơn nữ, tay vợt Mai Hoàng Mỹ Trang cũng thua đối thủ Singapore khác là tay vợt trẻ Li Siyun với tỉ số 0-4. Hai HCĐ mà Mỹ Trang và Tuấn Quỳnh nhận được cũng giúp đội tuyển bóng bàn Việt Nam chia tay SEA Games 2011 với thành tích 4 HCĐ.

- Bắn súng: Lấy tới 7 HCV trong tổng số 14 bộ huy chương, bắn súng có kỳ SEA Games thành công rực rỡ, xét trên cả khía cạnh huy chương lẫn thành tích chuyên môn. Ngày thi đấu cuối cùng hôm qua, bắn súng giành 3 HCV ở các nội dung súng ngắn ổ quay Hoàng Xuân Vinh, Ngô Hữu Vượng ở nội dung súng trường hơi di động và Nguyễn Duy Hoàng ở nội dung súng trường ba tư thế. Chủ nhà Indonesia chỉ giành 2 HCV, các đối thủ Malaysia, Singapore cũng chỉ đoạt được 2 HCV. Cú sốc lớn nhất có lẽ đến từ bắn súng Thái Lan khi đội tuyển này chỉ có 1 HCV.

Nguyễn Duy Hoàng giành HCV thứ 7 cho bắn súng Việt Nam. Ảnh: MẠNH DUY

- Vật: Việt Nam giành thêm 2 HCV ở các nội dung 55 kg của Nguyễn Huy Hà và 60 kg của Nguyễn Thế Anh. Đây là HCV thứ 5 của vật Việt Nam. Nhưng nếu không bị trọng tài ép trắng trợn, lẽ ra chúng ta đã có thể giành thêm một HCV nữa khi Lương Thị Quyên (63 kg) bị xử thua một đô vật chủ nhà.

Bị xử ép, đô vật Lương Thị Quyên bật khóc. Ảnh: MẠNH DUY

- Rowing: 2 HCV của đội nữ và đôi nữ.

- Cờ vua: Kỳ thủ Lê Quang Liêm giành HCV nội dung cờ tưởng, bộ đôi Đào Thiên Hải - Nguyễn Thị Thanh An giành HCV nội dung cờ phối hợp.

- Điền kinh: VĐV Phạm Thị Bình giành HCĐ marathon với thời gian 2 giờ 48 phút 43 giây.

M.Duy - A.Dũng - Q.Liêm

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20111116114358614p1026c1265/ky-tich-quy-phuoc.htm