Ký ức biển

Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh (bên trái) ôn lại kỷ niệm xưa bên bia Di tích Tàu không số.

Trên con đường huyền thoại ngày ấy đã có biết bao chuyến tàu ra đi rồi không về tới đích, và bao nhiêu cảm tử quân đã hóa thành những quả bộc phá phát nổ cùng tàu giữa sóng gió trùng khơi... Một trong những 'quả bộc phá' bằng xương bằng thịt mà tôi gặp ngay bên bờ Vũng Rô hôm nay là ông là Hồ Đắc Thạnh, đang sống ở thành phố Tuy Hòa - Phú Yên. Con tàu do ông chỉ huy đã từng 12 lần vượt biển vào Nam: tám lần vào Tây Nam Bộ và bốn lần cập bến Nam Trung Bộ. Trong bốn chuyến 'tàu không số' cập bến Vũng Rô thì tàu 41 của ông cập bến ba chuyến đều thắng lợi, vận chuyển hơn 200 tấn vũ khí cho quân dân các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Đã vào độ bát tuần mà người lính hải quân già vẫn nhớ như in những chi tiết dù rất nhỏ của từng chuyến vào Nam ngày đó. Trên mỗi 'tàu không số', ngoài các loại vũ khí chiến đấu thông thường thì tàu nào cũng có một loại vũ khí đặc biệt, đó là khối thuốc nổ TNT 1.000 kg, được chia làm năm cụm và sử dụng cùng lúc ba loại điểm hỏa: đồng hồ hẹn giờ, kíp hóa học và dây cháy chậm. Và trên suốt chặng hành quân hàng nghìn hải lý của đoàn 'tàu không số', biết bao nhiêu con tàu và người lính đã cảm tử phát nổ để bảo vệ hàng, bảo vệ bí mật rồi nằm lại biển sâu. Các anh và những con 'tàu không số' tan hòa vào sóng nước rồi linh thiêng hóa thành những cột mốc thắm đỏ suốt con đường Hồ Chí Minh trên biển.

Trong số gần hai nghìn chuyến 'tàu không số' bí mật vượt biển vào Nam năm ấy chỉ có bốn chuyến cập bến Vũng Rô. Chuyến cuối cùng, tàu 143 bị lộ, buộc phải nổ tàu và nổ kho giấu vũ khí. Nhưng 'sự kiện Vũng Rô' tháng 2-1965 đã làm bàng hoàng cả lầu Năm Góc. Bởi, cả một lưới lửa được giăng kín từ bờ ra tận khơi xa với ba lớp tàu chiến, là lực lượng hải thuyền, những đội tàu tuần duyên và các tuần dương hạm, là máy bay tuần tra kết hợp hệ thống ra-đa trên bờ lùng sục suốt ngày đêm, vậy mà vẫn không ngăn được những con tàu nhỏ bé, thô sơ chở đầy vũ khí cập tận nơi được coi là sân sau của Mỹ - ngụy, như Vũng Rô. Dọc tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển ngày ấy, Vũng Rô là bến vào nguy hiểm nhất của đoàn 'tàu không số', bởi nằm cận kề quốc lộ 1A, với hệ thống đồn, bốt dày đặc trên đèo Cả, lại gần sân bay và quân cảng Nha Trang. Nhưng đấy chính là nơi địch không ngờ nhất và là điểm bờ biển gần hải phận quốc tế nhất.

Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh kể rằng, trước khi vào Vũng Rô, tàu phải mất ba ngày lênh đênh ngoài hải phận quốc tế. Ông không nhớ mỗi ngày phải thay mấy lần quốc kỳ các nước và đổi bao nhiêu số hiệu tàu. Có lúc ba bốn tàu chiến địch vây quanh, lăm lăm họng pháo tua tủa, đen ngòm. Lại có ngày năm bảy lượt máy bay rà sát cột buồm, soi từng mảnh lưới. Chỉ cần một vẻ mặt căng thẳng, một cử chỉ luống cuống, một vật dụng khác lạ phơi ra là coi như giờ tử sinh đã điểm. Các cảm tử quân phải vận hết mọi kinh nghiệm nghề biển, ngày nhìn mặt trời, đêm nhìn sao, rồi nhìn nước biển, xem hướng gió để xác định đúng tọa độ. Khi chuyển hướng lao vào bờ họ phải so đồng hồ từng phút: 12 giờ chuyển hướng, 23 giờ cập bến, ba giờ sáng phải rút ra hải phận quốc tế.

Đưa tàu cập bến an toàn là một kỳ tích của những cảm tử quân, nhưng để vũ khí đến tay bộ đội, du kích lại là một kỳ tích khác không kém phần gian khổ, hy sinh. Ở Vũng Rô, súng đạn, thuốc men từ 'tàu không số' được đưa xuống hàng chục chiếc ghe, thuyền rồi ngay trong đêm được đưa về giấu kín trong các hang, gộp trên sườn núi Đá Bia. Từ đó, đêm đêm hàng nghìn lượt dân công từ hậu cứ bí mật vượt quốc lộ 1A theo đường giao liên luồn qua những đồn bốt, sông, đầm và núi đá mà về Vũng Rô. Trước đó nửa năm, hàng trăm du kích các xã trong vùng đã huy động để mở hai con đường mòn bí mật từ căn cứ Đồng Tàu và căn cứ suối Cùng vượt rừng, băng qua quốc lộ 1A về tận bãi Xép, Mũi Điện. Những cảm tử quân trên 'tàu không số' không cầm nổi nước mắt khi chứng kiến từng đoàn dân công chỉ ăn sắn nướng với rau rừng mà ngâm mình dưới nước, tải đạn thâu đêm. Phú Yên là vựa lúa lớn nhất vùng Nam Trung Bộ, thế mà lũ lụt cuối năm 1964 cuốn trôi hết mùa màng, thêm vào đó là những trận càn, bố ráp, phá hoại của Mỹ, ngụy khiến nạn đói xảy ra khắp nơi. Nhưng đói, khổ, hiểm nguy không làm nao lòng người vùng địch hậu.

Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh nhớ mãi đêm giao thừa Tết Ất Tỵ (1-2-1965). Đúng phút giao thừa, chuyến tàu thứ ba cập bến Vũng Rô. Cán bộ, chiến sĩ, dân công lặng người xúc động nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết, ai cũng thầm hứa với Người nguyện hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Rồi tất cả nắm chặt tay nhau, quây quần bên cành đào thắm Nhật Tân mà một chiến sĩ cảm tử đã lén mang xuống tàu trước giờ hành quân. Trong đêm tối, một nữ du kích ở xã Hòa Hiệp rưng rưng giúi vào tay thuyền trưởng Thạnh món quà gói trong chiếc khăn tay nhỏ. Một nắm đất Vũng Rô! Và kỷ vật thiêng liêng, sâu nặng ấy đã theo các cảm tử quân trên những chuyến 'tàu không số', tiếp thêm sức cho các anh trong những cuộc chiến đấu mới đến tận ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Vũng Rô hôm nay như một đại công trường xây dựng. Con đường ngày xưa du kích bí mật vận chuyển vũ khí từ Vũng Rô lên hậu cứ nay đã được mở thành quốc lộ 29, thênh thang từ cảng Vũng Rô uốn lượn quanh sườn núi, vượt qua quốc lộ 1A rồi lên thẳng Tây Nguyên. Lợi thế vượt trội của Vũng Rô bắt đầu khai thác khi Chính phủ quyết định thành lập Khu kinh tế Nam Phú Yên có tổng diện tích đến 20.730 ha từ sông Đà Rằng đến Vũng Rô. Vũng Rô trở thành hạt nhân của Khu kinh tế quan trọng này với một cảng biển lớn cho tàu tải trọng 10 nghìn DWT. Năm tới, một nhà máy lọc dầu có vốn 1,7 tỷ USD, công suất bốn triệu tấn/năm sẽ được khởi công tại Vũng Rô cùng hệ thống các khu công nghiệp hóa dầu và công nghiệp sau dầu sẽ được lần lượt mọc lên chung quanh Vũng Rô. Riêng giai đoạn 2011-2015 nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng Khu kinh tế được đầu tư ước khoảng hơn 36 nghìn tỷ đồng.

Cuộc sống của người dân thôn Vũng Rô đang khá lên từng ngày nhờ nuôi tôm hùm. Thôn Vũng Rô có 295 hộ thì 250 hộ có lồng nuôi tôm hùm. Năm ngoái rất nhiều nhà thu lãi 6-7 trăm triệu, có nhà hơn một tỷ đồng tiền lãi. Bà con Vũng Rô cũng đang chuẩn bị để làm một cuộc chuyển dời làng về khu tái định cư Phú Lạc, nhường đất cho nhà máy lọc dầu. Mà đâu chỉ bà con Vũng Rô, mỗi người Phú Yên đều háo hức về sự ra đời của Khu kinh tế Nam Phú Yên, bởi đó là cơ hội vàng để vựa lúa lớn nhất vùng Nam Trung Bộ này chuyển hướng phá thế thuần nông, tăng tốc phát triển. Và trong sâu thẳm của mỗi người, sẽ lại có một 'sự kiện Vũng Rô' trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hôm nay.

Tôi biết thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh thường xuyên về Vũng Rô và trong con mắt người lính hải quân cảm tử ngày ấy một Vũng Rô của ngày mai thật sáng đẹp. Mà hình như không chỉ riêng ông, ở đất này, mỗi người dân đều biết khá rõ những dự án trong Khu kinh tế. Rồi theo cái mạch cảm khái, lâng lâng về một tương lai của Vũng Rô, ông kéo chúng tôi ra tận Mũi Điện, mũi đất vươn xa nhất về phía đông của Tổ quốc. Ngọn hải đăng đã hơn trăm tuổi vẫn còn đứng đó, dưới chân là Bãi Tiên, lộng lẫy mê hồn. Có khác chăng, ngọn đèn măng-xông bí mật làm hiệu cho những chuyến 'tàu không số' ngày xưa giờ đã được thay bằng cây đèn năng lượng mặt trời có tầm quét xa đến 24 hải lý và một khu du lịch đang dần dần lộ diện. Trên đèo Cả nhìn ra, ngọn hải đăng Mũi Điện như một người lính danh dự, ngày đêm tiên phong nghênh đón bao chuyến tàu bè bạn từ năm châu bốn biển về với Vũng Rô.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhan-dan-cu-i-tu-n/nhan-dan-cu-i-tu-n/chinh-tr/k-c-bi-n-1.317577