Ký ức đặc biệt của cụ giáo về vua phóng sự đất Bắc Vũ Trọng Phụng

Cụ giáo Nguyễn Bá Đạm đã có cuộc trò chuyện cùng chúng tôi về hai sự kiện: đám cưới và đám tang của nhà văn Vũ Trọng Phụng, một người hàng xóm sinh thời thân thiết với cụ.

Cụ Nguyễn Bá Đạm năm nay đã ở tuổi 95. Cụ nổi danh một thời vì cụ là nguyên mẫu của hơn 200 bức tranh của danh họa Bùi Xuân Phái. Ở Việt Nam, cụ cũng là một trong những người hiếm hoi sưu tập tiền cổ và am hiểu sâu sắc về tiền cổ. Dù tuổi đã cao, lưng đã còng, tóc đã bạc nhưng những ký ức về một thời đã qua thì vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ minh mẫn của cụ.

Đám cưới Vũ Trọng Phụng

Cụ giáo Nguyễn Bá Đạm và nhà văn Vũ Trọng Phụng vốn rất thân thiết thuở sinh thời. Họ cùng sống tại làng Giáp Nhất, Thanh Xuân, Hà Nội.

Giọng nói của cụ giáo Nguyễn Bá Đạm đôi khi lạc đi vì xúc động khi kể lại câu chuyện của người hàng xóm tài hoa bạc mệnh. Người đã ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ (27 tuổi) và đã để lại một gia tài văn chương đồ sộ với hơn hai mươi cuốn tiểu thuyết và ký sự xã hội.

Khi bà Vũ Mỵ Nương, tên ở nhà là Gái (sau này là vợ của nhà văn Vũ Trọng Phụng) được hơn 1 tuổi thì ông cụ thân sinh của bà qua đời, để lại 4 bà vợ và 16 người con vừa trai vừa gái. Bà Nương là con gái út bà thứ tư nên được nuông chiều, chỉ quanh quẩn trong nhà. Ở nhà thường có hai anh em, anh Quy hơn em 3 tuổi, hay bắt nạt em.

Nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Năm đó, tầm 8 tuổi, anh Quy nghịch dại, vì một xích mích nhỏ mà giữa buổi trưa khi em đang ngủ, anh dốc những hạt cườm vào lỗ tai em. Em choàng dậy nghe trong tai ùng ục rồi khóc ràn rụa. Mọi người đưa em ra chợ Mọc, chỗ bác Hàn làm nghề cắt tóc dùng đồ lấy ráy tai, gắp những hạt cườm ở trong tai ra, nhưng không thể hết vì có nhiều hạt lọt vào sâu bên trong, tai bị ù, từ đó bà hơi nghễnh ngãng.

Lớn lên, Vũ Mỵ Nương là một người cần cù, chịu khó, hay lam hay làm, ăn nói dịu dàng nên ai cũng quý mến. Bà cũng yêu văn học và thuộc một số bài Đường thi. Nhiều người có ý muốn dạm hỏi bà làm vợ nhưng bà đều tìm cách khước từ. Bà từng ước mơ có người bạn trăm năm phải là người giỏi văn chương chữ nghĩa. Khi ấy, bà cả Lượng có người anh là ông Phạm Xuân Tiến làm ở hiệu thuốc tây Chassagane phố Hàng Khay thân quen với Vũ Trọng Phụng vì ở cùng phố Hàng Bạc, chỉ cách nhau trên chục nóc nhà.

Biết rõ hoàn cảnh nhà Vũ Trọng Phụng, bố là Vũ Văn Lân người huyện Mỹ Văn - Hưng Yên làm thợ điện ở xưởng sửa chữa ô tô Boillot ở phố Ngô Quyền bây giờ. Mẹ là bà Phạm Thị Khách quê ở Chèm, làm nghề khâu vá thuê. Năm 24 tuổi bà đã góa bụa, khi đó Vũ Trọng Phụng, tên ở nhà là Tý, mới 7 tháng tuổi, ở vậy nuôi con ăn học đến khi qua đời.

Vào những năm đầu thập kỷ 30, Vũ Trọng Phụng là một thanh niên đội khăn xếp, áo the đi làm thư ký ở nhà Gôđa, rồi nhà in Viễn Đông, sau đi hẳn vào con đường văn nghiệp. Truyện ngắn đầu tay "Chống nạng lên đường" của ông đăng ở Ngọ báo của Bùi Xuân Học (Hiện gia đình nhà văn vẫn còn giữ được hai thẻ nhà báo, một ở Báo Nông công thương của Phạm Chấn Hưng cấp năm 1932, một ở Báo Nhật tân của Đỗ Văn cấp năm 1933). Đến năm 1939, không kể truyện ngắn, ông Phụng in được 18 cuốn tiểu thuyết, phóng sự và kịch, tiếng tăm lừng lẫy. Tuy nghèo nhưng bạn văn rất quý trọng ông.

Duyên kiếp ba sinh

Như là duyên kiếp ba sinh, buổi đầu gặp nhau, Vũ Trọng Phụng và Vũ Mỵ Nương đã thấy tâm đầu ý hợp. Vào dịp cuối năm, Vũ Trọng Phụng ngỏ ý muốn cưới Vũ Mỵ Nương làm vợ. Đó là ngày 22 tháng Chạp năm Đinh Sửu. Cỗ cưới ăn hai ngày, mỗi ngày một ngả lợn, xếp vài chục mâm.

Hôm đưa dâu về nhà chồng, ít ra cũng phải làm một lợn nữa. Người được mời đến ăn, mang đến mừng bao chè, chai rượu hay đồng bạc hoa xòe, phong bao vào giấy hồng điều. Mới sáng ra, trẻ con trong làng đã tụ tập bên bờ ao đình, nhìn sang con đường Láng, chờ xem ô tô đám cưới. Đến gần trưa, một đoàn 10 chiếc ô tô sơn đen đi theo hàng một, vượt qua cầu Mọc, rẽ trái, về làng Giáp Nhất.

Tới cổng làng, họ nhà trai xuống xe, người mặc Âu phục, người mặc quốc phục, trong đó có chú rể đội khăn, mặc áo đoạn, đi giày hạ. Người lớn, trẻ con trong làng ùa ra xem. Vũ Trọng Phụng người xương xương, mong manh, mắt nhỏ, trán nở và cao, miệng có quay ở hai bên mép, vai hơi ngang. Ông có cái nhìn tinh anh, hóm hỉnh. Trong số người di cùng với chú rể, có nhiều văn nhân.

Sau những thủ tục lễ nghi, nhà trai xin phép đón cô dâu. Hai họ đi bộ tới cổng làng mới lên ô tô. Hơn nửa giờ sau, đoàn xe lăn bánh ở bên số chẵn phố Hàng Bạc, trong tiếng pháo nổ ran, dân hàng phố kéo đến xem đông nghịt, đứng kín cả vỉa hè.

Cụ Nguyễn Bá Đạm.

Chuyện trò hồi lâu, nhà gái xin cáo lui. Riêng các văn hữu còn uống rượu, trò chuyện đến khuya mới chịu ra về. Trong "Sổ ghi ơn" của Vũ Trọng Phụng để lại, có ghi rõ những người mừng cưới hoặc giúp công việc cưới:

- Nguyễn Tuân đi thuê ô tô ở Hàng Bông.

- Ngô Tất Tố và Phạm Cao Củng mừng bức trướng có 4 chữ vàng "Hồng diệp thi thanh".

- Ông Nguyễn Văn Da, chủ nhiệm Báo Phụ nữ thời đàm mừng đôi câu đối: "Lan thất vinh khan hào phượng vĩ/ Hương đường chính ỷ dẫn quy linh".

- Hai anh em nhà thơ Nguyễn Giang, Nguyễn Nhược Pháp mừng hai giỏ hoa thủy tiên đặt trong cốc thủy tinh.

- Vũ Đình Liên mừng một hộp thuốc lá Lucky.

- Ông giáo Pha mừng cây đàn nguyệt và 3 đồng Đông Dương.

- Bà cả Viên, chị ruột cô dâu, mừng nhiều nhất (7 đồng Đông Dương) để nộp tiền cheo cho làng...

Sau lễ cưới linh đình, bà Phụng (gọi theo tên chồng) mở một hiệu sách nho nhỏ ở đầu phố Hàng Nón. Họ sinh được một cô con gái đặt tên là Vũ Mỵ Hằng. Một thời gian sau, Vũ Trọng Phụng bỏ căn gác hẹp, chuyển về ở nhà số 73 Cầu Mới, gần Ngã Tư Sở. Nhưng bệnh lao đã ở cuối thời kỳ thứ ba, về nơi ở mới được nửa tháng, nhà văn lớn của nền Văn học hiện đại Việt Nam đã ra đi vào ngày 13-10-1939. Ở tuổi 27 với tác phẩm cuối cùng "Trúng số độc đắc" để lại người vợ trẻ và con gái bé bỏng chưa tròn một năm tuổi.

Còn tiếp…

Nguyên An

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/ky-uc-dac-biet-cua-cu-giao-ve-vua-phong-su-dat-bac-vu-trong-phung-p49138.html