Ký ức hãi hùng của sát thủ rừng xanh một mắt

Giữa những đồi cây bạt ngàn của khu rừng chiến khu D (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) máu lửa một thời, người đàn ông sống trong một căn nhà gỗ với công việc hằng ngày là chăm sóc vườn điều của mình. Ở nơi vùng núi xa xôi, người đàn ông này nổi tiếng bởi biệt tài săn bắn một thời của mình. Bởi thế, khi chúng tôi tìm đến khu Đồi Mỹ, hỏi Bé Hai thì không ai là không biết.

Bắn trăm phát trăm trúng

Bé Hai chính là biệt danh mà mọi người ở khu Đồi Mỹ (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) dùng để gọi người đàn ông này. Trao đổi với PV Người Đưa Tin, anh cười, nói: "Ở đây nhiều người cho đến nay vẫn không biết tên thật của tôi đâu. Chẳng biết từ khi nào, người ta gọi tôi bằng cái tên ấy nữa. Giờ ngay cả trên thiệp mời đám cưới, người ta cũng ghi là Bé Hai chứ không ghi tên khai sinh của tôi". Anh nhớ, một lần khi mới chưa đầy bốn tuổi, anh bị bệnh ban trắng nhưng không ai biết. Cả bố mẹ anh cũng chỉ nghĩ là con mình chỉ bị ốm vặt, nên không quan tâm chạy chữa gì cả. Nhưng không ngờ sau một thời gian thì bệnh biến chứng, con mắt trái của anh càng ngày càng teo lại rồi mù hẳn cho đến bây giờ.

Trong ký ức của người đàn ông vẫn không thể quên những năm tháng đói khổ ấy của gia đình mình. Cũng vì cái ăn mà bố anh phải hành nghề thợ săn. Chính vì vậy, ngay từ nhỏ, mới mười một, mười hai tuổi anh đã theo bố vào rừng học nghề. Có lần, bố anh vì mãi chạy theo con mồi đã bỏ lại anh giữa cánh rừng âm u. Sau một lúc sợ hãi, không còn cách gì khác, Bé Hai phải một mình mò mẫm đường về nhà, về đến nhà thì mới thấy bố anh tất tả chạy về trên tay là một con lợn rừng.

Bé hai ngồi ở căn nhà giữa khu Đồi Mỹ kể về ký ức hãi hùng của mình.

Ông không ngờ là Bé Hai lại có thể về trước mình như thế. Cũng chính nhờ những lần như thế mà khả năng tìm đường siêu hạng của Bé Hai có cơ hội bộc lộ. Cho đến năm mười lăm tuổi, thì anh đã một mình, tự cầm súng vào rừng săn thú. Anh kể: "Lần đầu tiên vác súng vào rừng, tôi đã hạ được một con nai 3 tạ. Mỗi đêm săn được vài con lợn, con nai không có gì là khó". Chính vì thế, anh sớm trở thành một tay săn cừ khôi, nổi tiếng trong vùng bởi bắn phát nào là trúng phát đó. Con thú nào chẳng may đã bị anh ngắm thì xem như cầm chắc cái chết.

Vợ anh, chị Võ Thị Thu cười: "Tôi quen ông ấy cũng vì nghe tiếng mọi người đồn xa đồn gần nên mới sinh ngưỡng mộ rồi yêu, chứ không thì...". Chị Thu nhìn vào mắt chồng mình với ánh nhìn yêu chồng son sắt, như muốn nói rằng tình yêu cô dành cho anh thật lớn lao đã vượt lên trên tất cả mọi trở ngại để đến được bến bờ hạnh phúc ngày hôm nay.

Rời bỏ nghề săn sau đêm bắn khỉ

Cứ ngỡ rằng suốt cuộc đời mình, Bé Hai sẽ gắn bó với khẩu súng, sẽ làm bạn với núi rừng thâm sâu thì không ngờ một đêm định mệnh đã hướng cuộc đời anh sang một ngã rẽ khác. Anh Bé Hai kể: "Một lần, sau một đêm dài tôi đã đi rất xa mà không gặp bất kỳ con thú nào, chiếc đèn săn mờ đi khiến tôi đoán biết là mình đã đi lạc. Trong cơn mưa rừng tầm tã, tôi mệt mỏi và lạnh cóng tìm đường quay về. Đến khoảng ba giờ sáng, lúc này mưa đã tạnh, đang trên đường trở về nhà thì chợt tôi phát hiện ra gia đình nhà khỉ có một con rất lớn và hai con còn nhỏ đang nằm ngủ trên một cây kơ-nia".

Anh kể thêm: "Dồn hết sự tập trung và tỉnh táo, tôi giương súng nhằm vào con khỉ to và bóp cò. Bị trúng đạn bất ngờ, con khỉ to rơi từ trên cây xuống, nhưng theo phản xạ tự nhiên, nó nhanh chóng vươn tay bám được một cành cây gần đó. Hai con còn lại thấy động liền hốt hoảng lao vào rừng sâu rồi mất hút. Tôi giương súng ngắm và bắn tiếp vào cánh tay còn lại của con khỉ to. Nó rơi xuống nghe phịch trước mặt tôi. Một cảnh tượng hết sức hãi hùng đập vào mắt tôi, đó là hai mẹ con nhà khỉ. Con khỉ mẹ bị tôi bắn trúng ngực thì đang ngáp ngáp miệng, còn con khỉ con bị viên đạn bắn xượt má thì đưa đôi tay cào cào quanh người mẹ nó...".

Chứng kiến cảnh tượng thương tâm ấy, Bé Hai đã đánh rơi khẩu súng trên tay khi nào không biết, đầu gối anh gần như muốn khuỵu xuống. Sau đó định thần lại, anh đã mang xác khỉ mẹ đi chôn và đem con khỉ con về nuôi. Một thời gian sau thì anh thả nó trở lại với rừng. Bé Hai kể tiếp: "Tôi đã từng bắn nhiều khỉ, nhưng chưa bao giờ gặp cảnh tượng ấy. Nếu nó mà chết hẳn thì khỏi nói làm gì, đằng này khỉ mẹ thì cứ ngáp ngáp, còn khỉ con lại cào cào, trông chẳng khác nào hai mẹ con con người...".

Sau đêm đó anh quyết định bỏ nghề săn bắn và chuyển gia đình từ trong rừng sâu ra sống bên lề đường. Từ năm 1990 đến nay, gia đình anh trồng điều để sống. Một năm thu nhập trung bình từ tám mươi đến một trăm triệu đồng. Bé Hai chia sẻ: "Cuộc sống như thế dù không giàu sang gì nhưng yên bình và thanh thản hơn".

Giờ đây, khi đã "rửa tay gác kiếm" hơn cả chục năm trời, đêm đến thỉnh thoảng nằm ở võng, Bé Hai vẫn nghe đâu đó trong rừng sâu tiếng súng nổ ình oàng. Mỗi lần như thế, ký ức về hai mẹ con nhà khỉ lại hiện về ám ảnh tâm trí anh, lại khiến anh day dứt vì mặc cảm tội lỗi. Giọng Bé Hai gợi chút buồn: "Tôi mong sao những người đang theo nghiệp săn bắn như tôi ngày trước sớm thức tỉnh trước khi chưa muộn, kẻo sau này để lại nghiệp không tốt...".

Tên thật của Bé Hai là Nguyễn Văn Tường (SN 1967, quê gốc ở thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, Đồng Nai). Nhưng sau này vì cuộc sống mưu sinh, gia đình anh chuyển vào một khu rừng giữa chiến khu D sống từ những năm 1979 để thuận tiện cho việc săn bắn. Hiện anh có hai người con đã lập gia đình và hai người con khác còn nhỏ.

Hàn Sơn

Nguồn ĐS&PL: http://www.nguoiduatin.vn/ky-uc-hai-hung-cua-sat-thu-rung-xanh-mot-mat-a111115.html