Ký ức một thời của một nữ cựu chiến binh - Kỳ 1: Mọi trái tim hướng về cùng lý tưởng

Những ngày này, hàng triệu trái tim cả nước đang hướng về ngày thương binh liệt sĩ 27/7. Đối với những cựu quân nhân, hơn lúc nào hết, ký ức lại có dịp tràn về, oanh liệt, tự hào, da diết, đậm sâu và đầy luyến thương…Báo Giáo dục và Thời đại xin trân trọng giới thiệu những cảm xúc và chia sẻ của cựu nữ quân nhân Lê Thị Mộng Phượng, sinh năm 1953, tại xã Thạch Trung, Thạch Hà, Hà Tĩnh - một thời tuổi trẻ làm lính Bộ đội cụ Hồ.

Những chiến sĩ nữ đang làm đường (ảnh tư liệu)

Bao nhiêu cảm xúc tràn về....Tháng 12/1970, như bao thanh niên cùng trang lứa, tôi tha thiết được nhập ngũ tham gia giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Để được khoác trên mình màu áo xanh “bộ đội cụ Hồ”, tôi đã làm đơn gửi đến tỉnh đoàn thanh niên Hà Tĩnh và đã từng ba lần cắt máu viết thư xin được đi bộ đội. Cuối cùng nguyện vọng của tôi cũng thành hiện thực. Tôi ra đi với ba lô trên vai, một trái tim nóng bỏng vì tình yêu Tổ quốc, yêu đất nước và một lý tưởng "giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" luôn nung nấu.

Ước mơ duy nhất là đi bộ đội

Tôi sinh ra trên mảnh đất miền Trung nóng bỏng không chỉ vì nắng hè nung đỏ, mà còn là chảo lửa của bom Mỹ oanh tạc hàng ngày. Là con út trong một gia đình nông dân có 4 anh chị em, các anh chị tôi đã "thoát ly" đi làm công nhân, làm giáo viên và anh tôi đi học đại học.

Ước mơ nhỏ nhoi của tôi là được "thoát ly" nhưng không phải đi học hoặc đi công nhân mà là đi "bộ đội", được khoác trên mình bộ quân phục màu xanh của trời đất, niềm tự hào của bao nhiêu thế hệ thanh niên, được nhân dân đặt cho các tên thân thương là "Bộ đội cụ Hồ".

Thời thơ ấu của tôi gắn liền với củ khoai. Cha mẹ tôi làm được ra rất nhiều thóc, nhưng dành để xay và nộp Hợp tác xã gửi ra tiền tuyến. Trẻ con chúng tôi học dưới giao thông hào. Lớp học là cái lán làm nửa dưới hào, nửa trên đất. Chúng tôi phải học vào ban đêm với ánh đèn dầu vì ban ngày máy bay Mỹ ném bom liên tục. Nhưng nếu có tiếng máy bay thì cả lũ lại nằm rạp xuống giao thông hào hai bên vệ đường để tránh bom.

Tuy còn nhỏ, nhưng lúc nào có máy bay oanh tạc, tôi cũng bỏ mặc nỗi sợ hãi của bố mẹ, chạy lên Cồn Cồ cách nhà 500m để làm nhiệm vụ tiếp đạn cho bộ đội cao xạ. Cha tôi sẵn sàng chặt trụi cả vườn tre đưa lên cho bộ đội cao xạ làm hầm... Những người dân quê tôi hầu như chẳng ai nghĩ đến "của cải cá nhân" mà luôn tâm niệm: "Tất cả cho tiền tuyến. Tất cả phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”... Và lý tưởng đó đã thấm vào máu của thế hệ trẻ chúng tôi thời bấy giờ.

Năm 1968, khi tròn 14 tuổi, tôi đã nghỉ học một năm để đi "Dân công hỏa tuyến" và được kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sau một chuyến đi "Gánh gạo" vào tận Quảng Bình. Vất vả, khó khăn nhưng ý chí của người dân quê tôi thật mãnh liệt, ai cũng phấn đấu học thật tốt, làm thật giỏi, làm ra nhiều hạt lúa củ khoai để chi viện cho chiến trường.

Nữ chiến sĩ công binh

Nữ chiến sĩ Lê Thị Mộng Phượng thời trong quân ngũ

Tôi cùng với hàng nghìn nữ chiến sỹ được tập trung học điều lệnh 2 tháng ngay trên mảnh đất quê mình: xã Hương Lâm, huyện Hương Khê, Hà Tỉnh, sau đó được lệnh hành quân ngay vào chiến trường. Với sức trẻ của tuổi 17, tôi được cử làm tiểu đội trưởng và hành quân bộ dọc theo đường giao liên vào Thượng Lào để mở đường 20 Quyết thắng.

Tôi còn nhớ như in ngày đầu tiên đặt chân vào rừng già Thượng Lào, lúc đó “Công trường Hai Bà Trưng” được thành lập với hàng ngàn chiến sỹ nữ là lính công binh. Tôi được bổ sung vào một trung đội duy nhất chỉ có một đồng chí trung đội trưởng là nam giới, còn lại là chiến sỹ nữ, các đồng đội của tôi đến từ nhiều tỉnh Nghệ An, Hà Tỉnh, Thanh Hóa… Phần lớn, họ là những người còn rất trẻ, mười bảy, mười tám, còn quá ngây thơ, chưa ai được biết đến hương vị của tình yêu là gì.

Chặt cây, đánh bộc phá, đào hầm, làm lán...các chiến sỹ nữ đã làm tất cả mọi việc như nam giới. Ngày đầu tiên khi đặt chân đến mảnh đất này, chúng tôi đã làm xong lán và theo đề nghị của đồng chí Trung đội trưởng, cứ hai người sẽ ngủ chung một màn để tránh thú rừng.

Tối hôm thứ nhất, tôi trực chiến vào lúc nửa đêm, thì nghe tiếng khóc dưới giao thông hào. Đi đến, thấy đồng chí Ba - quê Nghệ An đang sụt sùi, tôi hỏi: Tại sao đồng chí khóc? Đồng chí ấy nói: Tôi không ngủ được? Tại sao? Đồng chí trung đội trưởng.... tôi cố hỏi tiếp: Làm sao? “Bởi vì tiểu đội của tôi có 13 người và Trung đội trưởng nữa là 14 ngủ chung một màn. Ban đầu đồng chí ấy đặt một tay lên người tôi, tiếp theo đồng chí ấy đặt chân....và sau đó là đè cả người lên người tôi, tôi không ngủ được...huhu”.

Lúc đó tôi cũng như bao chiến sỹ nữ khác chẳng biết gì về “giới tính”, về tình yêu, cho nên tôi lập tức lấy một khẩu súng AK đến lán của đồng chí Ba đề nghị đồng chí Trung đội trưởng ra ngay để “xử lý”.

Sáng hôm sau sự việc được báo cáo lên đại đội, lên tiểu đoàn, và cuối cùng đồng chí nam trung đội trưởng bị cách chức, hạ quân hàm điều đi nơi khác. Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn cảm thấy tại sao lúc đó lũ con gái chúng tôi thơ ngây đến mức độ ngây ngô như vậy.

Thế rồi 6 tháng mở đường 20 Quyết Thắng (gần Hang Tám cô bây giờ) bao nhiêu người đồng đội nữ của tôi đã ngã xuống, bao nhiêu người bị thương, nhưng riêng tôi hình như “bom đạn nó chừa ra” thì phải. Lúc đó tôi được đề bạt làm trung đội phó, khi mới tuổi đôi mươi.

Đơn vị thanh niên xung phong trên tuyến Đường 20 quyết thắng (ảnh tư liệu)

Kỷ niệm với quả đồi mang tên “O Phượng”

Tôi được đồng đội gọi là "người DŨNG CẢM" vì không biết sợ là gì. Những hôm đồng đội bị sốt rét, tôi có thể thay trực hết cả đêm, một mình băng đường rừng đi lấy gạo suốt cả ngày với quãng đường 50 km. Một mình tôi có thể ra suối đánh bộc phá lấy cá, vào rừng săn bắt thú rừng, sóc, hươu nai thậm chí cả bắt được cả tinh tinh. Thế rồi con đường chúng tôi làm được đoạn nào là B52 lại rải thảm đến đó, hy sinh, ốm đau, mất vì sốt rét....

Đồng đội lần lượt ra đi, tôi không còn nhớ mình đã chôn cất bao nhiêu người, nhặt nhạnh từng bộ phận cơ thể gói vào tăng võng, đào một cái hố bên cạnh đường chôn cất đồng đội, cắm một cái cọc để làm dấu. Và cũng không còn nhớ được đã bao nhiêu lần bị bom vùi, sập hầm nhưng lạ thay là tôi không chết cũng chẳng bị thương.

Được 6 tháng, tổn thất quá lớn chúng tôi đã được điều ra tuyến sau để chuyển sang nhiệm vụ khác. Tại đây tôi lại trở thành lính thông tin hữu tuyến, và được điều vào chi viện cho Chiến dịch Nam Lào năm 1971.

Gian khổ không sờn lòng và kết quả là đã có một ngọn đồi mang tên “O Phượng” ra đời do cánh lái xe ưu ái đặt cho. Đó là nơi trọng điểm ác liệt, mà chúng tôi đã từng hành quân đi qua với ba lô nặng trĩu lại thêm một con lợn gần 30 kg vắt vẻo trên lưng. Cánh lái xe vì thế đặt luôn cho cái tên "Đồi O Phượng" là thế.

Trong tâm trí của tôi, con đường 20 Quyết Thắng còn có ý nghĩa khác, với con số 20 bởi cả bộ đội và thanh niên xung phong lúc đó tất cả hầu như mới chỉ trên dưới 20 tuổi, cái tuổi đẹp nhất đời người, tràn đầy ước mơ và hoài bão... Sau này, trong một lần đi công tác tôi có dịp trở lại đây một lần, cảm xúc thật khó tả bùi ngùi, thương nhớ.

Thời gian đã trôi qua bao nhiêu năm, tháng, nhưng ký ức vẫn như còn nguyên vẹn, giá mà tôi là nhà văn tôi đã có thể viết được một cuốn tự truyện kể lại cuộc đời hy sinh chiến đấu của các chiến sỹ nữ với tất cả tình yêu thương và kính trọng.... .

Làm lính thông tin

Về Đại đội 17 thông tin để huấn luyện, đóng quân tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, tôi được đề bạt làm tiểu đội trưởng. Hàng ngày chúng tôi học về thông tin hữu tuyến, thời gian học là 3 tháng. Những đêm báo động hành quân và những hôm trực ca đêm vẫn nguyên vẹn trong ký ức.

Cánh lính chúng tôi sợ nhất là báo động hành quân, phải bật dậy thật nhanh và xuất phát đúng giờ, nếu không sẽ bị kiểm điểm phê bình. Vì thế chúng tôi có sáng kiến là khi đi ngủ mang theo cả dày, mũ cối để ngay trên đầu, balo thì để ngay bên cạnh, khi nghe tiếng còi báo động là bật dậy ngay như cái lò xo. Với chức vụ là “tiểu đội trưởng”, tôi cần phải nhanh nhất để còn đôn đốc các đồng chí khác.

Đêm này qua đêm khác, cả tiểu đội ngủ trong tình trạng “giày theo người, ba lô sẵn sàng, và thậm chí còn đội luôn cả mũ cối. Tiểu đội tôi luôn được tuyên dương là nhanh nhất, đội ngũ đẹp nhất, giường, chăn màn gấp đẹp nhất. Tuy vậy, những hôm tập hành quân, trong tiểu đội cũng có một vài đồng chí vừa đi vừa khóc vì sức yếu không chịu đựng được gian khổ, khó khăn.

Trong đơn vị bỗng xuất hiện “bệnh lạ”, khiến một số chị em bị ốm. Cái bệnh quái đản khiến chị em vừa khóc vừa cười, cứ nhìn thấy đồng chí bộ đội nam là mắt như ngây dại. Sau này được thông báo là bị bệnh “ếch-tờ -ri” gì đó, cái bệnh này lúc đó không điều trị được mà thường phải dùng roi, cành phi lao để trị, nếu đánh đau thì sẽ im ngay. Nhưng sau đó lại bị lại, nghĩ cũng thật tội mấy đồng chí ấy, thần kinh yếu không chịu được gian khổ, thiếu thốn, chết chóc nên mới bị như vậy.

Còn tôi, đến thời điểm đó, cả 3 năm đi lính chẳng ốm đau ngày nào, công việc cứ làm phăm phắp. Sau 3 tháng học thông tin hữu tuyến, chúng tôi được điều về bổ sung cho các đơn vị chiến đấu, riêng tôi và 4 đồng chí khác được bổ sung cho Binh trạm 41, lúc đó đóng tại cây số 39 đường 9 Nam Lào.

Xin thắp nén nhang cầu cho linh hồn của các đồng chí bộ đội và thanh niên xung phong - những người đã từng mở đường 20 Quyết Thắng đang nằm lại đâu đó trên mảnh đất này sớm được siêu thoát. Ký ức của một thời lịch sử hào hùng đã qua đi, nhưng với tôi tình đồng chí, đồng đội không lúc nào phai mờ. Họ mãi mãi ở tuổi hai mươi, với tinh thần quyết chiến quyết thắng, mãi mãi là những người con ưu tú nhất của một dân tộc anh hùng.

Mời bạn đọc theo dõi tiếp Kỳ 2: Những cuộc hành quân của lính

Kim Thoa ghi

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/ky-uc-mot-thoi-cua-mot-nu-cuu-chien-binh-ky-1-moi-trai-tim-huong-ve-cung-ly-tuong-3580287-v.html