Ký ức những ngày bom đạn của vị tướng già

Hơn 40 năm kể từ ngày giải phóng, trong ký ức vị Tướng già Phan Khắc Hy vẫn chưa mờ phai kỷ niệm gian khổ của những ngày bom đạn. Với ông, thời điểm gần tới ngày 30.4 lịch sử, nỗi nhớ thương đồng đội đã ngã xuống vì nền độc lập tự do càng trào dâng da diết.

Khi núi rừng rung chuyển

Căn nhà nhỏ của Thiếu tướng Phan Khắc Hy -nguyên Phó Tư lệnh bộ đội Trường Sơn nằm trên đường Trường Sơn, quận Tân Bình, TP.HCM. Vừa về nhà sau 3 tuần nằm viện vì căn bệnh “giời leo” cùng với sức khỏe đã yếu, Tướng Hy vẫn vui vẻ, hào hứng đón tiếp khách khi biết mục đích chuyến thăm của chúng tôi. Bên ấm trà nóng, đôi mắt vị tướng già ánh lên chất thép kiên cường khi nhắc nhớ về những ngày cận kề 30.4.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy. Ảnh: Thanh Tuấn

Thiếu tướng Phan Khắc Hy (SN 1927) nguyên Phó Tư lệnh bộ đội Trường Sơn, Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Phòng không Không quân, quyền Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Kinh tế. Tham gia cách mạng từ rất sớm, khi mới 23 tuổi, ông đã giữ chức Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Bình.

Ngược dòng ký ức, Tướng Hy kể: “Tôi may mắn được chỉ huy công tác mặt trận đấu tranh trên tuyến đường mòn Trường Sơn huyền thoại. Có thể nói nếu không có sự chi viện, tiếp tế đạn dược chủ yếu từ tuyến đường nối liền hai miền Bắc - Nam này thì sẽ không có ngày 30.4 lịch sử. Công cuộc đấu tranh của quân đội và nhân dân ta ở tuyến lửa vô cùng ác liệt”.

Sau khi quân Mỹ rút, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương ra mệnh lệnh giải phóng Sài Gòn ngay trước mùa mưa đến. Những ngày cuối tháng 3 và tháng 4.1975, hàng ngàn tấn đạn dược, vũ khí, thuốc men, quân trang quân dụng được chất đầy lên từng đoàn xe tải chở vào Nam, xuyên núi đồi, sông suối… Nhiều lúc xe tránh bom đạn phải di chuyển qua miền nam Lào, đông bắc Campuchia để xuôi về miền Đông Nam Bộ.

Tướng Hy nhớ lại: “Khí thế tiến công giải phóng vang dội non sông, quân đi từng đoàn điệp trùng giữa núi rừng. Dân công hỏa tuyến bất chấp bom đạn vẫn cất vang tiếng hát xẻ núi, mở đường cho xe chạy thẳng ra trận tuyến. Không khí cận kề cuộc chiến cuối cùng sau hơn 20 năm tranh đấu càng bừng lên nhiệt huyết tuổi trẻ. Trong bối cảnh ấy, áp lực trách nhiệm và vai trò càng đè nặng lên vai những người chỉ huy mặt trận trong Bộ tư lệnh Trường Sơn lúc ấy”.

Lá thư ngày giải phóng

Nhấp ngụm trà đắng, đôi mắt vị Tướng lại hướng ra phía ngoài ban công cửa sổ, nơi những cơn mưa đầu mùa đang bay lất phất. Thời điểm cho năm cánh quân bao vây Sài Gòn - mà Đại tướng Văn Tiến Dũng gọi một cách văn chương là 5 cánh hoa sen bung nở, Phó Tư lệnh Phan Khắc Hy đang miệt mài làm nhiệm vụ hoạch định chính sách vận tải, lương thực, bố trí trận địa phòng thủ ở ngã ba Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

“Vài cơn mưa đầu mùa càng nặng hạt thì tuyến đường cấp phối cho xe chạy qua càng rệu rã, lầy lội. Thông tin từ các đơn vị báo cáo về đêm ngày, tôi và nhóm chuyên viên cố vấn quân sự cấp cao làm việc hăng say trong doanh trại dã chiến là chiếc xe tải do quân đội cấp. Lúc này, nhận thấy dấu hiệu quân ta chuẩn bị cho trận đánh lớn, phi cơ chiến đấu của quân đội Việt Nam Cộng hòa cấp tập áp sát điểm tập kết hàng hóa ở tuyến đường Trường Sơn trút bom nã đạn. Tuy nhiên, gặp lưới đạn pháo phòng không, cao xạ của ta như “rồng khạc lửa”, chúng hốt hoảng tháo lui” - ông Hy kể.

Khi chiếc xe tăng đầu tiên của Quân Giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa ngày 30.4.1975, tin thắng trận lập tức loan báo trên radio. Trong lán trại ven đường mòn, ngoài trận địa pháo hay bên trạm y tế dã chiến, toàn quân vui mừng reo vang như sấm dậy. Chỉ có vị Phó Tư lệnh âm thầm chọn cho mình một góc khuất nhỏ yên tĩnh để suy nghĩ về cuộc chiến vừa đến ngày thắng lợi.

Tướng Hy bùi ngùi: “Nghe tin chiến thắng, cảm giác trong tôi thật khó tả, buồn vui lẫn lộn. Người tôi nghĩ về nhiều lúc đó là người vợ yêu quý của tôi đang học tập ở cách xa mấy ngàn cây số, bên đất nước Tiệp Khắc. Tôi mở balo, lật lên những bức thư của vợ. Tay tôi sờ lên từng nét chữ trong những bức thư đó và tôi đã khóc. Hòa bình đã đến khi áo quần tôi và đồng đội còn vương bụi đường đất đỏ”.

Sau ngày đất nước thống nhất, hòa bình, Thiếu tướng Phan Khắc Hy tiếp tục giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội. Khi về hưu, cứ mỗi lần nhớ đến đồng đội thuở chinh chiến, ông lại quay về nơi chiến trường xưa thăm hỏi bà con từng nhường cơm sẻ áo cho bộ đội, bắt tay động viên các cựu binh đang vất vả với cuộc mưu sinh hàng ngày.

Với ông, cảm nhận về ngày 30.4 là dấu ấn thời gian của lằn ranh chiến tranh và hòa bình, giữa sống và chết, giữa hy vọng hạnh phúc và nỗi buồn chiến tranh.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/ky-uc-nhung-ngay-bom-dan-cua-vi-tuong-gia-765503.html