Ký ức về cá ở Biển Hồ

Tonle Sap là một hệ thống kết hợp giữa hồ và sông, có tầm quan trọng to lớn không chỉ đối với Campuchia. Hồ Tonle Sap là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á; được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới từ năm 1997. Tonle Sap nghĩa là 'sông nước ngọt lớn'; còn 'Biển Hồ' là cách quen gọi của người Việt. Biển Hồ được xem như trái tim lớn của Campuchia...

Ghi từ “túi cá” thế giới

Vừa lặn ngụp dưới nước đầu mùa lũ để hoàn tất việc di dời nhà nổi của mình từ hướng lòng Biển Hồ vào bờ, ông Võ Văn Đầy, 68 tuổi, từng có thời gian được người dân tín nhiệm làm Trưởng ấp 7, xã Chong Khơ Nia, huyện cùng tên tỉnh Siêm Riệp (Vương quốc Campuchia), cho biết trung bình mỗi năm dân Biển Hồ có hơn chục lần dời nhà. Mùa khô thì dời ra hướng lòng hồ, mùa lũ về thì dời vô bờ.

Có khoảng nửa triệu người sống quanh Biển Hồ, trong đó nhiều làng người Việt. Làng người Việt sống ở bờ Siêm Riệp được xem là đông nhất với hiện có khoảng 460 gia đình; hầu hết sống bám nghề lưới cá.

Một góc Biển Hồ (Vương quốc Campcuhia) đầu mùa mưa 2017.

Liên tiếp 5 đời sống nhờ cá, ông Đầy kể: “Cá hồi trước nhiều khủng khiếp. Ba tôi đi một chuyến về, chúng tôi ngồi phân loại, lớp đem ra chợ bán tươi, lớp xẻ làm khô cả tuần không hết. Cá nhiều tới mức mình bơi xuồng, cá bị động nhảy lên khoang xuồng”. Ông Đầy cho biết tới giờ ông vẫn không quên cảm giác sung sướng sau những lần bắt được cá tra dầu, cá hô, cá đuối nặng đến hai ba trăm ký. Còn mỗi khi nước lũ đổ về, cá sửu, cá trèn, đặc biệt là cá linh gần như đặc nước….

Đội nắng, gần cả ngày lênh đênh theo ghe của dân làm nghề cá, chúng tôi nghe các lý giải vì sao Biển Hồ nhiều cá. Cụ thể là do đây là hồ tự nhiên, không giống với hồ nào trên thế giới do dung tích thay đổi theo mùa, rất thuận lợi cho đàn cá sinh sôi, nảy nở và lớn nhanh.

Những năm lũ lớn, phù sa và nhiều chất dinh dưỡng cùng với cá lớn, cá bột và ấu trùng được tuồn về đây. Các chất dinh dưỡng với phù sa bồi đắp cho động, thực vật nổi để nuôi ấu trùng, bồi đắp cho cây cối bụi rậm để sinh hoa quả làm thức ăn cho cá.

Nhờ những nguyên nhân cơ bản đó mà Biển Hồ nhiều cá. Còn Campuchia nhờ Biển Hồ mà được lượng cá đánh bình quân theo đầu người mỗi năm là 25 kg/người – cao gấp khoảng 20 lần lượng trung bình thế giới. Nghề cá (phần lớn tụ họp quanh Biển Hồ) từng tạo ra 10-12% GDP của đất nước Chùa Tháp. Gần nửa dân quốc gia này tùy thuộc vào các nguồn lợi quanh Biển Hồ…

Đứng cạnh chợ cá nằm trên bờ Biển Hồ, một chuyên gia còn kể cho tôi được biết thêm rằng Mê Kông là sông có sản lượng cá đứng thứ hai thế giới, chỉ sau sông Amazone với khoảng 1.200 loài (hiện có 781 loài được định danh, trong đó ĐBSCL có 486 loài).

Riêng Hạ lưu vực sông Mê Kông khoảng 2,1 triệu tấn, tương đương 20% tổng sản lượng cá nước ngọt thế giới, đó là chưa tính nguồn cá biển phụ thuộc vào dinh dưỡng do phù sa Mê Kông tạo ra hàng năm.

Các quốc gia Hạ lưu vực Mê Kông (Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam) có mức tiêu thụ cá nước ngọt bình quân đầu người cao nhất thế giới, trong đó, như vừa kể, đứng đầu là Campuchia do quốc gia này được “trời ban” Biển Hồ - được xem như “túi cá” của thế giới.

Chỉ còn trong chuyện kể (!)

Những điều cơ bản về cá tại Biển Hồ và cả sông Mê Kông sẽ không còn đúng trong một vài năm gần đây. Băn khoăn trước thực tế cá ở Biển Hồ sụt giảm nghiêm trọng song hầu hết người dân ở đây và cả dân ĐBSCL cũng ít có thông tin đầy đủ về nguyên nhân, mà chỉ biết chung chung dạng “ít nước thì ít cá”.

Theo báo cáo của Ủy hội Mê Kông quốc tế (MRC), cũng giống như dưới “dòng mẹ” Mê Kông, đàn cá ở Biển Hồ di chuyển tùy theo mùa nước. Vùng Đông Bắc Biển Hồ (giữa Kratie và Kompong Cham) là nơi tập trung phần lớn các hố sâu (có hố sâu tới 40m) của sông Mê Kông.

Chính nhờ những hố sâu lý tưởng này mà “cá trắng” (chiếm đến 35% sản lượng đánh bắt ở hạ lưu Mê Kông) sống được qua mùa kiệt; chờ đến đầu lũ để đẻ trứng rồi trở về những nơi có nhiều thức ăn như Biển Hồ.

Cá tra dầu “khủng” (nặng 86kg) được cho là có nguồn gốc từ Biển Hồ từng được ngành Nông nghiệp An Giang đưa về trại giống để dưỡng, sau đó trả về tự nhiên. Ảnh B.M

Sự di chuyển có khi đến hàng trăm cây số đó của đàn cá giờ đang bị cản trở bởi chỉ riêng hạ lưu vực Mê Kông, tiếp tục mọc lên ít nhất 11 đập thủy điện. ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái ĐBSCL, nguyên Trưởng nhóm tư vấn về đánh giá môi trường chiến lược hệ thống đập dòng chính hạ nguồn Mê Kông cho rằng chỉ riêng đập Don Sahong (Lào) thôi cũng đã là “nút thắt cổ chai” luồng di cư của cá. Theo chuyên gia này, cá ở lưu vực Mê Kong được phân thành 2 loại.

Cá đen là loại cá ít phải di cư xa hằng năm, thường chỉ từ đồng ngập lũ tới các kênh, mương, ao hồ cạnh đó. Còn cá trắng là loài phải di cư lên các chi lưu xa phía thượng nguồn để sinh sản, do vậy chúng rất nhạy cảm với tác động của đập thủy điện.

Vẫn theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện, đập Don Sahong nằm ở Siphan Don cách biên giới Lào - Campuchia chỉ 2km. Do địa hình phức tạp nên dòng chính sông Mê Kông tại đây chia thành 17 phân lưu, trong đó dòng Hou Sahong là đường di cư chính của cá ở hạ nguồn (thuộc lãnh thổ Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam) do chỉ có một số ghềnh nhỏ, không có thác và dòng chảy đủ lớn.

Không phải chỉ một lượng cá lớn (khoảng 205 loài) đi qua, đây cũng là nơi sinh sống tập trung của những cá thể cá heo nước ngọt Irrawady cuối cùng trên dòng Mê Kông.

Các chuyên gia thật sự lo ngại khi cá tại Biển Hồ có thể giảm đến 30% do những thay đổi về điều kiện sống sau khi hàng loạt đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông tiếp tục “mọc” lên thời gian tới.

Tonle Sap là một hệ thống kết hợp giữa hồ và sông, có tầm quan trọng to lớn không chỉ đối với Campuchia. Hồ Tonle Sap là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á; được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới từ năm 1997. Tonle Sap nghĩa là "sông nước ngọt lớn"; còn "Biển Hồ" là cách quen gọi của người Việt. Biển Hồ được xem như trái tim lớn của Campuchia.

Vào mùa khô (tháng 11 đến tháng 5), mực nước chỉ còn 1m, diện tích khoảng 10.000km2 nhưng mùa mưa, dòng sông cùng tên hồ chảy ngược dòng, tiếp lượng nước khoảng 75 tỷ m3 từ sông Mê Kông vào hồ (qua 12 lưu vực sông nhánh) đưa mực nước cao lên khoảng 10m, diện tích hồ “nở” lên 80.000km2, làm ngập lụt đồng ruộng và cây rừng trong khu vực.

Vùng ngập nước biến thành nơi sinh sản lý tưởng của nhiều loài cá nước ngọt. Khoảng tháng 10 thì nước lại rút xuống theo sông Tonle Sap ra sông Mê Kông. Vì địa thế đặc biệt với hệ thống thủy văn đổi dòng hai lần mỗi năm mà ngư nghiệp trên Biển Hồ không chỉ nuôi sống 3 triệu người, cung cấp 75% sản lượng cá nước ngọt cùng 60% lượng chất đạm cho dân Campuchia, mà còn chia sẻ lượng lượng cá và phù sa dồi dào cho ĐBSCL...

Từ Biển Hồ, trăn trở cho châu thổ Cửu Long

Hạ lưu sông Mê Kông – trong đó có đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam đang từng ngày, từng giờ tiếp tục bị tổn thương do chính tác động của con người xuất phát từ lợi ích cục bộ phía thượng nguồn có dòng “sông mẹ” Mê Kông đi qua. Sau những hệ lụy do hàng chục đập thủy điện gây ra, giờ hạ lưu Mê Kông lại tiếp tục lo trước những mục tiêu đặt ra từ các dự án lấy/chuyển nước rất đình đám, phục vụ nông nghiệp.

PV Báo CAND vừa có chuyến ngược dòng Cửu Long đến Tonle Sap (Biển Hồ) – một nhánh rẽ rất quan trọng của dòng Mê Kông nằm trên lãnh thổ Campuchia, giữ vai trò điều tiết nước, trong đó có cung cấp 50% nước cho vùng châu thổ Cửu Long trong mùa khô hàng trăm năm qua. Những gì mà chúng tôi tận mắt thấy, tận tai nghe từ hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á này thật hết sức đáng ngại cho vựa lương thực, trái cây và thủy sản của cả nước.

Thái Bình

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/ky-1-ky-uc-ve-ca-o-bien-ho-447001/