Ký ức về một thời kháng chiến hào hùng của dân tộc

'Những năm tháng không quên' là tên của cuộc triển lãm mỹ thuật đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với sự hiện diện những tác phẩm của nhiều thế hệ họa sĩ. Trong số họ, có người đã tham gia kháng chiến, trực tiếp chiến đấu, có người đã mãi mãi nằm xuống hoặc để lại một phần xương máu nơi chiến trường.

Các tác phẩm hội họa đã tái hiện những khoảnh khắc chân thực về cuộc chiến tranh ác liệt nhưng vẫn chan chứa niềm tin, hy vọng về ngày mai chiến thắng.

Chuyện của ngày hôm qua

Đứng trước hai bức ký họa màu nước “A Dôn” và “Anh Huệ” đều là người dân tộc Xê-đăng của họa sĩ Hà Xuân Phong vẽ năm 1970, nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến rơm rớm nước mắt. Bà bảo, không chỉ hôm nay, khi hai bức tranh của họa sĩ Hà Xuân Phong được trưng bày ở một góc trang trọng của phòng tranh triển lãm “Những năm tháng không quên”, bà mới xúc động đến như vậy, mà trước đó, khi là Ủy viên Hội đồng tuyển chọn các tác phẩm trưng bày cho dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, bà đặc biệt có ấn tượng với hai tác phẩm này của họa sĩ. Hai bức ký họa màu nước về chân dung của một người là chiến sĩ, một là y tá người dân tộc Xê-đăng được họa sĩ Hà Xuân Phong trực tiếp vẽ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngày ấy, họa sĩ Hà Xuân Phong vừa là người chiến sĩ trực tiếp chiến đấu ở chiến trường, vừa cầm cọ vẽ. Năm 1974, ông đã anh dũng hy sinh ở Mặt trận Quảng Nam, tài sản ông để lại cho mai sau là những bức tranh ký họa chiến trường, trong đó còn ẩn chứa cả khát khao về những tác phẩm hội họa lớn chuyển từ ký họa sang.

Công chúng xúc cảm trước tác phẩm “Đọc báo cho thương binh” của tác giả Trần Hữu Tê vẽ năm 1975.

Ở Triển lãm “Những năm tháng không quên” có 48 tác phẩm hội họa, điêu khắc. Đây là những tác phẩm được chọn lựa trong bộ sưu tập lớn của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam về đề tài chiến tranh cách mạng. Theo nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Hải Yến, tuy chỉ là những bức ký họa, bức vẽ mỏng manh nhưng nó chứa đựng những ký ức về một thời bi thương, hào hùng của cả dân tộc Việt Nam. Trong bộ sưu tập tác phẩm đề tài chiến tranh cách mạng của bảo tàng, hiện có gần 80% tác phẩm đề cập đến những mất mát, hy sinh của quân và dân ta trong các cuộc đấu tranh cứu quốc và được các tác giả thể hiện khá sớm, như: “Căm thù” của Nguyễn Văn Tỵ, vẽ năm 1966; “Đọc báo cho thương binh” của Trần Hữu Tê, vẽ năm 1975… Xem mỗi tác phẩm còn có thể cảm nhận các họa sĩ đã vượt qua chính mình, vượt qua gian khổ, khó khăn của đất nước để có những tác phẩm để đời, từ khuynh hướng hiện thực cho đến khuynh hướng biểu hiện, siêu thực, trừu tượng…

Tác phẩm tranh cổ động của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận vẽ nữ anh hùng Trần Thị Tâm năm 1972.

Theo lời giới thiệu của nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Hải Yến, chúng tôi tìm đến nhà họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, một trong số ít người thuộc thế hệ đầu của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương còn sống và cũng là một trong những người sáng lập Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nay họa sĩ Huỳnh Văn Thuận đã bước sang tuổi 98, tai có phần nghễnh ngãng và trí nhớ không còn được minh mẫn nên những ký ức về hội họa của ông được người con trai Huỳnh Lê Tuấn kể lại. Trong tâm trí của 6 người con họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, ông là một tượng đài, mặc dù như lời của anh Huỳnh Lê Tuấn, ấn tượng cho đến bây giờ trong anh về cha là những năm tháng dài của những cuộc kháng chiến ông đi biền biệt, trở về Hà Nội thăm vợ con, gặp hai cậu con trai Huỳnh Lê Tuấn và Huỳnh Lê Tuân, người họa sĩ có lần hỏi: "Hai đứa học lớp mấy rồi nhỉ?". Rồi có cả chuyện gia đình từng nhận thông tin họa sĩ hy sinh ở chiến trường, bỗng một năm sau, ông bình thản trở về trong sự ngạc nhiên đến vỡ òa hạnh phúc của vợ và con. Cả cuộc đời họa sĩ Huỳnh Văn Thuận đóng góp cho sự phát triển của hội họa nước nhà, từ kho đồ sộ hàng nghìn tác phẩm ký họa trong cuộc kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thời kỳ đất nước hòa bình, đổi mới là những tác phẩm tranh cổ động, tranh khắc như: “Vết xích xe tăng”, “Thôn Vịnh Mốc”… nổi tiếng giới hội họa trong nước và quốc tế. Nhắc đến họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, người yêu hội họa nhớ đến một họa sĩ tài năng đặc biệt với thể loại tranh cổ động, những tác phẩm như “Trần Thị Tâm bám đất, bám dân, dũng cảm, kiên cường” hay “Nguyễn Thái Bình nổi dậy của trái tim anh” được ông vẽ từ đầu thập niên 1970 đã có sức lay động lòng người, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân trong những năm kháng chiến cứu quốc cũng như giá trị vững bền mãi về sau.

Thôi thúc thế hệ hôm nay và mai sau

Theo thống kê của Hội Mỹ thuật Việt Nam, trong số hơn 1.700 người đã và đang là hội viên của hội, có hơn 400 người tham gia quân đội, hơn 100 họa sĩ đã tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước, hàng trăm họa sĩ đã đến với tuyến lửa Vĩnh Linh, Trường Sơn, Tây Nguyên, biên giới… Trong đó phải kể đến họa sĩ, liệt sĩ Tô Ngọc Vân đã để lại những kiệt tác hội họa cho nước nhà. Sau những cuộc chiến, không có một cuộc vận động hay lời kêu gọi nào, mà tự nhiên những người họa sĩ với chiêm nghiệm thực tế trong những cuộc chiến tàn khốc, mất mát, đau thương của người dân, đất nước, từ nhiệm vụ của người nghệ sĩ đã thôi thúc họ sáng tác, vẽ nên những tác phẩm hội họa để lại cho đời, cho mai sau. Trong triển lãm, mỗi bức tranh đều thể hiện sự trân trọng hòa bình, nhớ ơn những người anh hùng đã hy sinh để mang lại cuộc sống bình yên, hòa bình, tươi đẹp hôm nay. Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, những người họa sĩ ngày ấy không nghĩ đến chuyện bán tranh hay để trưng bày, mà họ đã vẽ với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng của dân tộc. Và hội họa của họ cũng thể hiện rất rõ tinh thần đó.

Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, các tác phẩm hội họa trong Triển lãm “Những năm tháng không quên” xứng đáng là những di sản nghệ thuật thời đại Hồ Chí Minh mà công chúng của ngày hôm nay được chiêm ngưỡng và có ý thức gìn giữ cho muôn đời sau. Qua những tác phẩm của các thế hệ cha anh hiện hữu ở triển lãm, thế hệ họa sĩ trẻ có cơ hội hiểu hơn về một giai đoạn khó khăn của đất nước, hiểu hơn về các họa sĩ đi trước đã làm việc, sáng tác hết mình dù điều kiện khó khăn về nguyên liệu, thời gian... Để có được những tác phẩm đỉnh cao, nghệ sĩ không thể “ngồi trong tháp ngà" mà phải lăn lộn vào cuộc sống để cho ra những tác phẩm mang hơi thở thời đại và thể hiện được không chỉ cái tài mà còn là niềm đam mê, tâm huyết của người làm nghệ thuật.

Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/ky-uc-ve-mot-thoi-khang-chien-hao-hung-cua-dan-toc-513150