Ký ức về ngày Tết cổ truyền của nghệ sĩ Việt kiều

Từng xa xứ, thấm thía nỗi buồn, cô đơn vào thời khắc chuyển giao năm mới nên các nghệ sĩ hải ngoại đều coi trọng ngày Tết Nguyên Đán.

Charlie Nguyễn: "Nhớ Tết được đốt pháo"

Với tác giả của loạt phim Để Mai tính, mỗi khi đến Tết, anh lại nghĩ đến những năm còn nhỏ. “Bởi lúc ấy, Tết rất vui và tôi có thể quây quần bên gia đình. Giờ đã dấn thân vào lĩnh vực điện ảnh, tôi có thể bị ngập lụt trong công việc bất cứ khi nào và mất đi cơ hội trải nghiệm trọn vẹn không khí ngày Tết hay bất cứ ngày lễ nào khác trong năm”, Charlie Nguyễn bộc bạch.

Anh có nhiều kỷ niệm với chuyện đốt pháo. Charlie Nguyễn hoài niệm: “Ngày xưa, mỗi nhà treo một dải pháo từ trên sân thượng xuống. Cứ đến đêm giao thừa, lũ trẻ con chúng tôi lại tranh nhau để đốt. Và khi còn nhỏ, ai cũng muốn được lì xì, thưởng thức các món ăn ngon, đồng thời nhớ lại những người thân nay không còn nữa. Giờ tôi gần như ăn Tết bằng ký ức, chứ không phải trải nghiệm hiện tại”.

Đạo diễn Charlie Nguyễn. Ảnh: NVCC.

Là một đạo diễn Việt kiều, Charlie Nguyễn có cơ hội trải nghiệm Tết ở cả “trời Tây” và “trời ta”. “Khi tôi mới sang Mỹ, Tết chỉ trong phạm vi từng gia đình, chứ chưa mang tính cộng đồng như lúc này. Bây giờ thì cộng đồng người Việt tại Mỹ thường xuyên tổ chức hội chợ Tết, biểu diễn văn nghệ… mỗi khi xuân sang”, anh nói.

Anh cho biết, người Mỹ sống bên cạnh cộng đồng Việt Nam lâu ngày cũng quen dần và tham gia cùng. Tết ở nước ngoài cũng vui và đầm ấm không kém gì ở quê hương.

Sau quãng thời gian dài trở về Việt Nam làm phim, Charlie Nguyễn nhận xét Tết ở Việt Nam giờ đã khác xưa rất nhiều. Nhất là với những ai trong ngành điện ảnh, thời gian dành cho kỳ nghỉ Tết không nhiều như người khác, có thể phải đi làm từ rất sớm. “Tết không còn náo nhiệt khi xưa. Nhưng tôi cho rằng có thể là do mình nay đã nhìn đời theo một lăng kính khác, trải đời hơn nên cảm thấy như vậy”, anh chia sẻ.

Ngoài chuyện đi thăm người thân, một trong những thói quen của Charlie Nguyễn trong dịp Tết Nguyên đán tại Việt Nam là lấy xe máy chạy một mình ngoài đường. “Bởi những ngày này, đường sá vắng hoe, không còn ồn ào, đông đúc như ngày thường. Đó là cơ hội hiếm có để chạy xe tại Sài Gòn mà cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng, thanh thản”, anh giải thích.

Jimmii Nguyễn: "Ôn lại kỷ niệm xưa trong ngày Tết"

Ca sĩ Jimmii Nguyễn sang Mỹ cùng gia đình từ khi còn nhỏ vì vậy suy nghĩ, lối sống của anh như người phương Tây. Tuy nhiên, bản thân anh luôn trân trọng những giá trị truyền thống. "Ở Mỹ, nhà tôi vẫn giữ đúng phong tục tập quán vào ngày Tết cổ truyền", anh kể.

Ký ức của Jimmii trong ngày Tết là thời gian cả nhà quây quần, tụ họp ăn uống và hàn huyên. "Anh em chúng tôi kể cho nhau nghe những kỷ niệm vui buồn ngày còn ở Việt Nam", anh nhớ lại.

Jimmii Nguyễn đón Tết bên bạn đời - ca sĩ Ngọc Phạm. Ảnh: NVCC.

Theo anh Tết của người Việt ở Mỹ không thiếu thứ gì nhưng không thể có không khí rạo rực đón Tết như ở Việt Nam.

Vì thế khi về nước, nhạc sĩ Việt kiều trân trọng từng khoảnh khắc bên gia đình ngày đầu năm mới. Thói quen của anh vào ngày Tết là không nhận show. Anh dành thời gian trang trí lại nhà cửa, hưởng trọn vẹn Tết bên gia đình, anh em và người thân.

Về việc có nên gộp Tết dương lịch và Tết Âm lịch, anh khẳng định: "Cho đến thời điểm này tôi chưa thấy lý do chính đáng nào được đưa ra. Biết đâu khi Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ bỏ Tết của họ và chỉ còn ta với nồng nàn. Đến lúc đấy Tết cổ truyền Việt Nam sẽ là di sản văn hóa của thế giới. Đã là người Việt Nam, tôi xin trân trọng ôm khư khư sự thiêng liêng cao quý Tết cổ truyền Việt Nam".

Theo tác giả Tình như lá bay xa Tết là văn hóa, phong tục, tập quán đẹp tuyệt vời, rất đặc thù, nói lên nét riêng của người Việt Nam mà cha ông ta đã bao đời đấu tranh đánh đổi xương máu gìn giữ cho con cháu.

Hà Phương: "Đón Tết ở Mỹ khóc vì nhớ ba mẹ"

Em gái Cẩm Ly mới về nước đón Tết cùng ba mẹ. Cô cho biết cả năm tất bật trên đất khách nên mong xuân về để đoàn tụ cùng ba mẹ, thăm hỏi, giúp đỡ bà con nghèo ở quê hương.

"Khi chứng kiến ba mẹ ngày càng già đi khát khao đoàn tụ vào mỗi dịp xuân về càng thôi thúc tôi", cô nhấn mạnh.

Hà Phương về Việt Nam đón Tết. Ảnh: Khoa Nguyễn.

Những năm không về Việt Nam đón Tết, Hà Phương thường gọi điện cho ba mẹ. "Lần nào gọi về tôi cũng bật khóc. Tôi sợ khi nghĩ đến cảnh không còn được cùng ba mẹ đón Tết những năm sau. Tết ở Mỹ cũng có đầy đủ mọi món ăn, vật dụng của ngày Tết nhưng chỉ khi trở về nước, cái Tết mới thật sự trọn vẹn", nữ ca sĩ xúc động chia sẻ.

Thói quen của Hà Phương vào ngày Tết là dậy sớm tự tay làm các món cho chồng con, mừng tuổi cho hai con gái.

Về quan điểm gộp Tết ta và Tết Dương lịch, Hà Phương không ủng hộ. "Tôi mong muốn giữ nguyên hai ngày Tết vì mỗi ngày mang ý nghĩa khác nhau. Tết Âm lịch thể hiện nét đẹp truyền thống, hồn sắc của văn hóa Việt Nam. Các kiều bào xa quê mỗi khi nhớ về quê hướng là nhớ đến ngày Tết sum vầy bên gia đình. Trong khi đó, Tết Dương lịch là dịp để những người con an cư lập nghiệp tại nơi đất khách đón những điều tốt đẹp trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới", cô cho biết.

Nhạc sĩ Đức Huy. Ảnh: NVCC. Đức Huy: "Bao giờ người Việt không đi xe máy mới bỏ được Tết cổ truyền"

Nhạc sĩ Đức Huy có nhiều năm xa xứ, đón năm mới ở nước ngoài nên anh càng thấm thía sự cô đơn. Theo anh, Tết Nguyên Đán là đặc trưng rất Việt Nam.

"Tôi không muốn xóa sổ ngày này mà cũng không muốn con mình quên ngày Tết cổ truyền. Số lượng người Việt Nam lái xe gắn máy có lẽ cao nhất thế giới. Vì vậy tôi nghĩ khi nào người Việt hết lái xe máy mới bỏ được Tết Âm lịch", anh hóm hỉnh nói.

Nam nhạc sĩ không kiêng khem điều gì trong ngày Tết. Anh thường nhận lời biểu diễn vào ngày Tết vì "với nghệ sĩ không gì hạnh phúc hơn đem lại niềm vui cho khán giả".

Video Hà Phương khoe giọng hát trong trẻo

>>> Đọc thêm: Nữ tỷ phú Hà Phương khoe giàu với nhẫn 1,2 tỷ, lấn át Angela Phương Trinh chiêu trò

Nguồn: Zing

Tin tài trợ

Nguồn VTC: http://vtc.vn/ky-uc-ve-ngay-tet-co-truyen-cua-nghe-si-viet-kieu-d300614.html