Kỷ vật bi tráng của những cựu tù (7): Vũ khí tranh đấu

GiadinhNet - Đánh ác ôn, diệt chiêu hồi là một phần cuộc đấu tranh của anh em cựu tù Phú Quốc. Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày còn trưng bày chiếc búa một tù nhân đã dùng đánh quân cảnh, vượt ngục.

Theo lời giới thiệu của ông Lâm Văn Bảng, Giám đốc bảo tàng, chúng tôi tìm gặp một nhân chứng sống, người mà tên tuổi gắn với một trong những vụ diệt chiêu hồi đầu tiên trên đảo... Người tù đặc biệt Ông là Nguyễn Hữu Độ (Sơn Tây - Hà Nội). Tháng 4/1962, ông nhập ngũ, đến tháng 6/1965 vào Nam chiến đấu ở đại đội 135, trung đoàn Quyết Tâm, sư đoàn 3 (Sao Vàng). Ngày 1/1/1967, ông rơi vào tay địch sau khi đại đội diệt gọn một tiểu đoàn Mỹ thuộc sư đoàn không vận số 1. Biết ông là Đại đội trưởng, địch đưa ông vào nhà tù Pleiku. Tại đây, cũng tháng 1/1967, ông tham gia vụ đánh tên chuẩn úy Xuyến, một tên ác ôn khét tiếng. Sau đó, ông bị quy là phần tử nguy hiểm, gọi là "Chuẩn úy Độ", bị địch đánh đập dã man rồi đày ra Phú Quốc ngày 15/10/1967. Thời kì này, trại A1 ở Phú Quốc mới được xây dựng. Hoạt động đấu tranh của anh em tù binh còn mang tính chất tự phát, chưa có một tổ chức Đảng lãnh đạo. Nhân sự kiện “chuẩn úy Độ nổi tiếng" ra đảo, anh em trại A1 mạo danh ông phát động một trong những vụ diệt chiêu hồi đầu tiên ở đảo. Đêm 24/10/1967, 2 tên chiêu hồi bị giết, một số tên khác bị thương. Đến sáng, trại A1 bị bao vây. Trận giáp lá cà giữa những người tù tay không và bọn quân cảnh được trang bị đầy đủ diễn ra chóng vánh, 100 người bị bắt lên Ban điều hành. Tại đây, sau gần 1 tháng tra tấn hỏi cung, chúng lọc ra 12 người trong đó có cả ông Độ, đưa về Sài Gòn điều tra xét xử. Anh em bị nhốt trong từng phòng biệt giam riêng tại Quân cảnh tư pháp trung ương, rồi Trung tâm Cải huấn Phong Vinh. Tới 26/4/1968, có trát đòi của tòa và cáo trạng với các tội danh: Cố ý đả thương nhân thương chí mạng; Cố ý đả thương có dự mưu. Riêng “chuẩn úy Độ” có thêm tội: Cầm đầu sách nhiễu chống việc điều hành của chính quyền. Trát đòi đến ngày 2/5/1968, 12 tù nhân có mặt tại Tòa án quân sự vùng 4 chiến thuật (Cần Thơ). Về vụ này, ông Độ đã viết thơ ghi lại: Trát đòi mấy chữ rõ ràng Ngày 2 buổi sáng tháng Năm ra tòa Nực cười pháp luật quốc gia Luật chi có luật ra tòa tù binh. Trước ngày xét xử, một luật sư có tiếng từ Sài Gòn về gặp, xin bào chữa cho anh em. Thay mặt mọi người, ông Độ đã thẳng thắn từ chối: "Ông có thể dự phiên tòa nếu muốn nhưng không cần bào chữa cho chúng tôi. Chúng tôi không có tội". Tự bào chữa trước tòa Phiên tòa xử bán công khai, có đủ chánh án, lục sự, thư kí, nhân chứng (những tên chiêu hồi bị thương) và 30 người khác, bao gồm quan chức quân đội và dân thường. Đối mặt với sự chuẩn bị kĩ càng ấy, anh em ta chỉ có một thứ vũ khí "tinh thần": Nhất lý nhì lỳ. Sự lỳ, ông Độ đã vượt qua rồi. Gần 6 tháng ở Sài Gòn, dù bị đánh đập dã man ông cũng cương quyết: Không khai, không nhận, không kí bản cung. "Như thế địch mới không có cớ quy mình là hàng ngũ lãnh đạo, có tổ chức đứng sau, rồi làm rầy rà thêm cho nhiều anh em khác"- Ông Độ khẳng định. Anh em chịu được đòn roi tra tấn, nhưng không phải ai cũng đủ trình độ để tự biện hộ trước tòa như ông Độ. Ông đã dẫn ra lý lẽ thuyết phục, bác lại bản luận tội về mình: "1) Tôi không ở trong những phòng diễn ra các cuộc hành hung tập thể đêm 24/10/1967; 2) Tôi mới ra đảo được 9 ngày không có đủ thời gian để tập hợp anh em, "đả thương có dự mưu" như các ông nói; 3) Tôi không hề có quan hệ quen biết trước đó hay mâu thuẫn với những người bị hành hung". Trước những lý lẽ ngắn gọn và đanh thép ấy, tòa đã phải xử ông trắng án, trong khi phần lớn anh em còn lại phải chịu mức án từ 2-12 năm tù. Ngày 6/5/1968, ông trở về Phú Quốc. Lúc này, tổ chức Đảng trong tù đã được thành lập. Rút kinh nghiệm từ những lần đầu, các vụ diệt chiêu hồi về sau đều được tổ chức chặt chẽ: Một tổ "làm" thật gọn, một tổ tình nguyện nhận tội với những lý lẽ hợp tình hợp lý, không để địch có cớ đàn áp hàng loạt và xét xử kéo dài như trước. Về đất đảo, ông Độ lại lao vào phong trào đấu tranh ngày một dâng cao của anh em tù binh với những cuộc tuyệt thực kéo dài. Một lần, ông được giao nhiệm vụ mổ bụng đấu tranh đòi yêu sách. Chưa kịp thực hiện thì địch đã nhượng bộ vì " Thằng Độ đó dám rạch bụng lắm". Ngày 15/12/1972, ông cùng anh em ném đá tên đại tá tâm lý chiến trong đoàn tuyên truyền của Tổng cục chính trị ngụy. Sau vụ này ông bị "dằn mặt tới số", bị ném vào nhà xác và suýt chết nếu không được một quân cảnh tử tế phát hiện và gọi người trợ giúp. Càng về sau, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng trong nhà lao, các hoạt động đấu tranh của anh em càng được tổ chức chặt chẽ, thống nhất và hiệu quả, góp phần làm nên những trang sử Phú Quốc anh hùng. Ông Độ tâm sự: "Những vụ diệt chiêu hồi, đánh ác ôn tự phát đầu tiên trong tù chính là ngọn lửa khơi dậy lòng căm thù và ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất của anh em ta những năm về sau". Thúy Hiền

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/home/20100326101641324p0c1000/ky-vat-bi-trang-cua-nhung-cuu-tu-7-vu-khi-tranh-dau.htm