Kỳ vọng gì ở dự án tỉ đô?

Tập đoàn Samsung vừa đánh dấu bước tiến mới trong đầu tư tại Việt Nam bằng dự án Samsung CE Complex (SECC) trị giá 1,4 tỉ USD nằm trong Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP).

Mục tiêu của SECC là nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm, thiết bị điện tử gia dụng công nghệ cao . Đây là dự án nối tiếp của Samsung Vina trước đây nhưng quy mô lớn hơn, hướng đến thị trường xuất khẩu khu vực và toàn cầu.

Việc Tập đoàn Samsung nhận giấy phép đầu tư cho SECC là minh chứng về sự thành công của hãng công nghệ này tại Việt Nam, đồng thời ghi rõ dấu ấn Việt Nam trên bản đồ thế giới về sản xuất và cung ứng các sản phẩm điện tử, di động.

SECC tại TP HCM cùng với các dự án khác của Samsung ở Bắc Ninh, Thái Nguyên đang góp phần đưa Việt Nam trở thành mắt xích chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của tập đoàn này. Chỉ tính riêng kim ngạch xuất khẩu của Samsung Vietnam Electronics ở Bắc Ninh trong năm 2013 đã trên 20 tỉ USD, chiếm 18% kim ngạch xuất khẩu cả nước, góp phần đưa Việt Nam xuất siêu sau gần 20 năm.

Với TP HCM, đây là dự án thứ hai có vốn đầu tư trên 1 tỉ USD chọn SHTP làm nơi “định cư”, sau dự án của Tập đoàn Intel năm 2006. SECC được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy kim ngạch xuất khẩu của TP HCM, gia tăng giá trị sản xuất nội địa trong cơ cấu hàng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao và nâng cao trình độ nguồn nhân lực nghiên cứu về công nghệ cao…

Bỏ qua những ưu đãi dành cho SECC, phải nói rằng lãnh đạo TP HCM đã rất nỗ lực trong đàm phán với Samsung về thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển nhằm nghiên cứu chương trình và phần mềm ứng dụng cho các dòng sản phẩm điện tử của dự án. Thậm chí, một cam kết về tỉ lệ nội địa hóa nhất định từ 25%-30% cũng được đặt lên bàn của Samsung sau một thời gian nhà máy này đi vào hoạt động.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở lĩnh vực công nghệ cao là cần thiết nhưng quan trọng là phải có quá trình chuyển giao công nghệ và cam kết phát triển nguồn nhân lực, nâng dần tỉ lệ nội địa hóa .

Các chính sách của nhà nước ngoài tạo thuận lợi cho nhà đầu tư làm ăn còn phải tạo được sự lan tỏa từ các tập đoàn đa quốc gia đến doanh nghiệp nội địa để nâng giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu. Đừng để “mang tiếng” là cứ điểm sản xuất công nghệ cao của thế giới nhưng thực chất vẫn là phân khúc gia công, lắp ráp!

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/ky-vong-gi-o-du-an-ti-do-20141005212206806.htm