Kỳ vọng lương của lao động trẻ tại Việt Nam đã phù hợp với thực tế?

Những người sinh trong giai đoạn từ 1980-2000 là lực lượng lao động chiếm ưu thế và quan trọng bậc nhất tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Thế hệ này được xem như là các con ‘mọt’ công nghệ (tech-savvy), có tính tò mò, có đam mê, dễ thích nghi và thích sự thoải mái. Đây cũng là những yêu tố cần thiết khi môi trường lao động đang thay đổi chóng mặt.

Ảnh minh hoa: Internet

Theo một thống kê của tập đoàn PwC, 25% lực lượng lao động của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là Millennials (thế hệ Thiên niên kỷ hay Thế hệ Y)và Tập đoàn Kiểm toán hàng đầu thế giới này dự báo con số này sẽ lên đến 50% trong năm 2020. Để đảm bảo nhận được sự phục vụ lâu dài của những nhà lãnh đạo tương lai này, các công ty cần tìm hiểu những yêu cầu của đối tượng này mà yếu tố quan trọng nhất không gì khác chính là mức lương.

Dựa theo một khảo sát trong năm 2016 của Universum Global về việc xếp hạng các nền kinh tế lớn tại châu Á liên quan đến kỳ vọng về mức lương của các cử nhân tốt nghiệp ngành kinh tế, kỹ thuật, các nhân viên thế hệ Y của cả 2 chuyên ngành trên tại Hàn Quốc đòi hỏi mức lương cao nhất, theo sau là Nhật Bản, Singapore và Hong Kong. Mức lương kỳ vọng của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ thấp hơn khá nhiều khi chỉ gần bằng ½ những quốc gia phát triển nêu trên. Trong khu vực Đông Nam Á (trừ Singapore), Thái Lan dẫn đầu trong mức lương kỳ vọng, theo sau là Malaysia, Indonesia, Philippines và cuối cùng là Việt Nam.

Những kỳ vọng của các ‘nhân tài’ trẻ này đã phù hợp với thực tế?

“Chấp nhận mức lương công ty đề nghị” là yếu tố nằm trong top 3 dẫn đến quyết định tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp theo khảo sát được JobStreet.com Việt Nam, mạng việc làm số 1 Đông Nam Á, thực hiện vào Quý 1/2016 trên gần 400 nhà tuyển dụng. Điều này cho thấy kỳ vọng về mức lương khi mới tốt nghiệp của sinh viên được các nhà tuyển dụng đánh giá là chưa thật sự hợp lý.

Với việc các sinh viên thuộc những quốc gia phát triển có kỳ vọng mức lương vượt trội so với Việt Nam, sự ‘lệch pha’ về kỳ vọng và ngân sách lương cũng là vấn đề ‘đau đầu’ của các nhà tuyển dụng trong khu vực. Có đến 68% nhà tuyển dụng tại Malaysia nhận định sinh viên mới tốt nghiệp đang “đòi hỏi mức lương và đãi ngộ phi thực tế” và đây là lý do gây khó khăn cho việc tạo công ăn việc làm cho đối tượng này. Theo khảo sát của JobStreet.com, mức lương trung bình mà nhà tuyển dụng đề nghị dao động từ 500 – 604 USD trong khi mức kỳ vọng của người mới tốt nghiệp lên đến gần 850 USD. Tại Hong Kong, mức lương khởi điểm theo kết quả khảo sát của Universum ở mức 1.772 USD so với kỳ vọng của sinh viên quốc gia này là từ 2.252 – 2.320 USD. Tại một quốc gia phát triển khác là Singapore, trong khi mức lương trung bình những sinh viên mới ra trường nhận được chỉ khoảng 1966 USD, sự kỳ vọng của các sinh viên sắp và đã tốt nghiệp của quốc gia này dao động từ 2.416 – 2.609 USD.

Tại Việt Nam, dựa theo một khảo sát vào năm 2015 trên gần 1,600 sinh viên mới ra trường của JobStreet.com, mức lương kỳ vọng cho việc làm đầu tiên dao động từ 3-6 triệu đồng với 16,16% kỳ vọng mức 3-4 triệu, 35,32% ở mức 4-5 triệu và 21,35% là kỳ vọng ở mức 5-6 triệu. Dù mức độ chênh lệch giữa kỳ vọng mức lương và thực tế tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực, đây vẫn là một trong 3 yếu tố hàng đầu được nhà tuyển dụng đánh giá, làm cho thời gian tìm việc của người mới ra trường kéo dài hơn.

Những yếu tố khiến Millennials có những kỳ vọng ‘phi thực tế’

Những kỳ vọng của thế hệ Millennials có phi thực tế? Bà Angie SW Phang, Tổng Giám đốc JobStreet.com Việt Nam nhận định: Có rất nhiều lý do tạo sự khác biệt về kỳ vọng tại sinh viên của các quốc gia phát triển và đang phát triển. Tại những quốc gia, vùng lãnh thổ phát triển như Hong Kong và Singapore, sự kỳ vọng cao về mức lương được hình thành khi sinh hoạt phí ngày một đắt đỏ kèm theo sự đô thị hóa trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp. Với việc giá nhà ở, chi phí đi lại và giá cả thực phẩm nhập khẩu lạm phát cao, không quá khó hiểu khi Millennials ngày một đề cao nhu cầu cá nhân để đảm bảo ‘đủ sống’. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp thấp lại đi vào tiềm thức của nhiều lao động trẻ tạo ra nhận định ‘việc cần người’ nhiều hơn ‘người cần việc.

Đối với các quốc gia đang hướng tới ngưỡng ‘phát triển’, Tổng Giám đốc JobStreet.com Việt Nam cho biết thêm: “Trong những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Malaysia và Thái Lan đang chuyển mình từ nền kinh tế có thu nhập trung bình sang mức cao. Vượt trên cả việc sinh hoạt phí đang tăng nhanh, 2 quốc gia này cũng đang gặp nhiều khó khăn để kiểm soát lao động nước ngoài với yêu cầu mức lương thấp hơn những người lao động nội địa. Do đó, sự ‘lệch pha’ giữa mức lương kỳ vọng và thực tế tại các quốc gia trên còn do cấu trúc nhân sự tại các doanh nghiệp mà đa số vẫn còn có sự phụ thuộc vào các lao động giá rẻ từ các quốc gia có mức sống thấp hơn”.

Thỏa mãn nhu cầu cá nhân cũng là một trong các yếu tố tạo nên sự kỳ vọng cao về mức lương của lao động trẻ. Mặc dù được biết đến như “thế hệ ở thuê”, nhưng dựa trên một khảo sát Global Research của CBRE trong năm 2016, có đến 65% Millennials tại châu Á mong muốn sở hữu những tài sản/bất động sản cá nhân. Với việc giá bất động sản đang ngày một tăng cao tại châu Á và ngày một vượt tầm với của thế hệ này, không quá bất ngờ với sự tăng trưởng trong kỳ vọng về mức lương. Cũng theo khảo sát của CBRE, 71% người lao động cho rằng mức lương hiện tại không thể chi trả cho việc sở hữu tài sản và có đến 63% cho rằng họ buộc phải thuê nhà vì không có khả năng mua một căn hộ riêng.

Việc yêu cầu mức lương cao có thể cũng là do cách Millennials được nuôi dạy từ nhỏ. Thế hệ này lớn lên từ một môi trường mà đa số các yêu cầu đều được đáp ứng. Đó là chưa tính đến việc sớm tiếp xúc với những dịch vụ trả phí, tiện nghi và giải trí. Những trải nghiệm này ‘thẩm thấu’ dần trong họ và tạo ra một phong cách sống mà tại đó họ cần nhiều điều kiện vật chất cao hơn, do đó kỳ vọng về mức lương cũng tăng tương ứng.

Ngoài ra, ‘nhiễu’ thông tin là vấn đề mà rất nhiều Millennials gặp phải do có vô vàn luồng ý kiến trên những trang mạng, dẫn đến các bạn dễ có góc nhìn sai lệch về nhu cầu và năng lực của bản thân. Do đó, lao động trẻ đặc biệt là các bạn sinh viên mới tốt nghiệp cần tìm hiểu thêm những thông tin thực tế trước khi đưa ra những đòi hỏi ‘vô lý’ đến nhà tuyển dụng. Tra cứu báo cáo lương thường niên của JobStreet.com Việt Nam là một giải pháp hữu dụng cho các lao động trẻ trước khi tham dự các buổi phỏng vấn với nhà tuyển dụng.

Anh Lê -

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/ky-vong-luong-cua-lao-dong-tre-tai-viet-nam-da-phu-hop-voi-thuc-te-124064.html