Kỳ vọng Tổng thống Trump cắt giảm thuế, kinh tế Mỹ tăng trưởng cao

IMF dự báo mức tăng trưởng cao của nền kinh tế Mỹ một phần là do sự kỳ vọng rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ cắt giảm thuế và tăng chi tiêu chính phủ.

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde. (Nguồn: AP/TTXVN)

Ngày 18/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu trong năm 2017 sẽ tăng trưởng 3,5%, cao hơn 0,1% so với mức dự báo trong tháng Một vừa qua, nhờ thành quả thương mại và sản xuất tại khu vực châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc.

Đồng thời IMF cũng cảnh báo rằng chủ nghĩa bảo hộ sẽ đe dọa sự phục hồi toàn cầu.

Theo bản báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của IMF, các nền kinh tế thường xuyên tăng trưởng kém sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi theo chu kỳ của thương mại và sản xuất vốn bắt đầu từ mùa Hè năm ngoái.

[ Quỹ Tiền tệ Quốc tế kêu gọi cải cách thuế để tăng năng suất ]

IMF đã nâng dự báo mức tăng trưởng 2017 của nền kinh tế Nhật Bản lên 1,2%, cao hơn 0,4% so với mức dự báo trong tháng Một.

Trong khi đó, mức dự báo tăng trưởng đối với kinh tế Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Trung Quốc chỉ tăng 0,1% so với dự báo trước đó, lên mức lần lượt 1,7% và 6,6%.

Đối với kinh tế Mỹ, IMF vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng 2,3%, tăng mạnh so với mức tăng trưởng 1,6% của năm 2016.

IMF dự báo mức tăng trưởng cao của nền kinh tế Mỹ một phần là do sự kỳ vọng rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ cắt giảm thuế và tăng chi tiêu chính phủ.

IMF đánh giá mặc dù tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển và đang phát triển có xu hướng mạnh lên, các nhà xuất khẩu dầu và hàng hóa bắt đầu được hưởng lợi từ phục hồi giá cả hàng hóa, song quá trình này vẫn rất mong manh do mức tăng năng suất thấp và các chính sách bảo hộ có thể hạn chế thương mại.

Bên cạnh đó, IMF cảnh báo kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ bị phủ bóng bởi sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, và sự không chắc chắn về các cuộc bầu cử ở khu vực này.

Nền kinh tế của khối này được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khiêm tốn là 1,7% trong năm 2017 và giảm nhẹ xuống 1,6% trong năm 2018.

Đối với khu vực này, IMF dự báo quá trình phục hồi trong năm 2018 sẽ diễn ra với mức tăng trưởng tương đương giai đoạn 2017-2018.

Quá trình phục hồi nhẹ này được hỗ trợ bởi lập trường tài chính ôn hòa, đồng euro yếu cũng như những ảnh hưởng tích cực từ chính sách kích thích tài chính của Mỹ.

Tuy nhiên, sự không chắc chắn về chính trị ở một số nước như Anh, Pháp và Đức, cùng với tương lai của mối quan hệ giữa EU và Anh cũng sẽ tác động đến nền kinh tế.

Cụ thể, kinh tế Đức sẽ tăng trưởng chậm lại ở mức 1,6% trong năm 2017, và 1,5% trong năm 2018, thấp hơn mức 1,8% trong năm 2016.

Trong khi đó, Pháp, quốc gia đang phải nỗ lực thúc đẩy kinh tế, dự báo đạt mức tăng trưởng lần lượt 1,4% và 1,6% trong năm 2017 và 2018, cao hơn mức tăng 1,2% trong năm 2016.

Đáng chú ý là Anh được dự báo tăng trưởng mạnh ở mức 2% trong năm 2017, do nền kinh tế này đã hoạt động tốt hơn dự kiến kể từ khi bỏ phiếu rời khỏi EU, trong khi hiệu ứng tiêu cực từ sự kiện này sẽ còn mất nhiều thời gian để tác động.

Ngoài ra, IMF bày tỏ quan ngại triển vọng kinh tế của eurozone trong trung hạn vẫn mập mờ do tăng trưởng tiềm năng bị kéo lại bởi năng suất kém, trong khi tại một số quốc gia nhiều vấn đề pháp lý chưa được giải quyết liên quan đến nợ công và nợ tư nhân còn tồn đọng ở mức cao.

IMF khuyến cáo với tình trạng lạm phát thấp và nhiều nền kinh tế vẫn chưa vận hành ở mức tối đa, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nên duy trì lập trường điều chỉnh cho phù hợp như hiện nay, theo đó có thể cần các biện pháp nới lỏng hơn nữa nếu lạm phát lõi không thể tăng./.

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ky-vong-tong-thong-trump-cat-giam-thue-kinh-te-my-tang-truong-cao/441963.vnp