"Lá cải" và chính thống

(PL&XH) - Theo nghiên cứu của tác giả Hoàng Đình: "Trong tiếng Anh, "lá cải" được thể hiện bằng từ "tabloid". Vào cuối thập niên 1880, từ "tabloid" được hãng dược phẩm Burroughs Wellcome & Co dùng đặt tên cho loại thuốc viên nén, không liên quan gì đến báo chí.

Còn vài ngày nữa là đến dịp kỷ niệm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6). Đây quả là một ngày vui với đông đảo người làm nghề "thông tin đến độc giả". Chỉ có điều, câu chuyện về "báo lá cải" và "báo chính thống" những ngày gần đây của một vài tờ báo khiến những người gắn bó với "nghiệp thông tin" không khỏi suy nghĩ.

Theo nghiên cứu của tác giả Hoàng Đình: "Trong tiếng Anh, "lá cải" được thể hiện bằng từ "tabloid". Vào cuối thập niên 1880, từ "tabloid" được hãng dược phẩm Burroughs Wellcome & Co dùng đặt tên cho loại thuốc viên nén, không liên quan gì đến báo chí. Loại viên nén (tabloid) ra đời lập tức chiếm ưu thế do dễ nuốt khi uống. Cũng vào thập niên 1890 và 1900, một xu hướng báo chí mới ra đời. Xu hướng này không đặt nặng những vấn đề "đại sự, vĩ mô" mà chỉ tập trung vào các nội dung đơn giản, dễ đọc để thu hút sự hiếu kỳ… Loại báo chí này trở nên "dễ nuốt" đối với số đông độc giả. Từ đó khái niệm "báo lá cải" (tabloid journalism) ra đời.

Người ta chỉ trích "báo lá cải" vì thường đưa tin tạo nên chấn động, tin giật gân, "câu khách" chạy theo lợi nhuận nhưng lại thiếu tính chất báo chí đúng nghĩa.

Còn dòng "báo chính thống" tạm được hiểu là dòng báo chí đăng tải các tin tức về mọi mặt đời sống một cách khách quan, chân thật nhất. Đề cao chức năng định hướng của báo chí, coi trọng đạo đức của nghề báo, đề cao trách nhiệm xã hội của người làm báo.

Vì những cái lý "ngầm" phân định đó, người làm "báo chính thống" có quyền tự hào, nhưng người làm "báo lá cải" cũng có lý lẽ riêng của họ rằng: Chúng tôi lá cải, nhưng số lượng phát hành của chúng tôi vượt trội. The Sun bán được trung bình mỗi ngày 3 triệu bản, trong khi các "báo chính thống" The Daily Telegraph, The Times, The Guardian chỉ có số lượng phát hành lần lượt là 680 nghìn, 500 nghìn và 350 nghìn bản/kì.

Ở Việt Nam, chưa có cơ quan báo chí nào nhận mình là "báo lá cải". Nhưng những người làm nghề và những độc giả tinh ý sẽ ngầm xếp vị trí cho các báo dựa vào cách đưa thông tin của tờ báo ấy! Vì vậy, mới có tờ báo nhận mình là báo chí "chính thống" chê trách những báo được xem là "lá cải" và ngược lại, tờ báo bị gọi là "lá cải" cũng rất bực mình.

Một đồng nghiệp đã ngạc nhiên trên Facebook: "Ô hay, hai tờ tự nhận mình là báo chính thống, không cử phóng viên đi làm vụ vườn triệu đô, hôm nay lại nói về báo lá cải"!

Phải thừa nhận một thực tế rằng, một số tờ báo chí đang có xu hướng "lá cải hóa", mà đất sống mạnh mẽ nhất là qua kênh báo mạng. Nhưng thừa nhận thực tế đó không phải là để phân chia ranh giới, để chỉ trích, hả hê, bôi nhọ lẫn nhau. Vì suy cho cùng, người làm nghề thông tin nào cũng cần đúng nguyên tắc: Tôn trọng sự thật. Đừng nghĩ rằng báo chí "lá cải" phương Tây chỉ đăng tin giật gân, scandal mà cho rằng đó không phải là thông tin đúng… Không, báo lá cải cũng không thể bịa ra thông tin mà đem bán cho người đọc được. Họ sẽ tự giết mình bằng cách đưa tin sai sự thật.

Dòng báo chí giải trí được ưa chuộng ắt hẳn do nhiều nguyên nhân: Trình độ dân trí, tâm lý tò mò, xu thế đám đông, yêu cầu giải tỏa tâm lý sau áp lực công việc rất lớn. Nhưng không có nghĩa là dòng báo chí "chính thống" bị "lép vế" bởi áp lực mang tên "số lượng phát hành". Độc giả luôn có thái độ riêng đối với hai loại báo trên. Rõ ràng, sự tin cẩn, sự tôn trọng bao giờ cũng dành cho nguồn báo chí "chính thống" nhiều hơn.

Bởi vậy, các tên gọi "chính thống" và "lá cải" sẽ không có nghĩa lý gì đối với làng báo nếu chúng rời xa "sự thật".

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20120616054915213p1004c1032/la-cai-va-chinh-thong.htm