Lả lơi 'con đĩ đánh bồng'

Được xếp vào một trong số 10 điệu múa cổ hay nhất của đất Thăng Long, múa bồng ở Triều Khúc đặc sắc ở màn trai giả gái và người múa luôn giữ điệu lả lơi, tình tứ. Trải qua thăng trầm, nét phồn thực của điệu múa bồng vẫn được lưu truyền qua bao thế hệ...

Làm trai má phấn, môi hồng

Mấy năm nay, đã thành thông lệ, cứ ăn Tết xong là anh Nguyễn Huy Tuyển - Chủ nhiệm CLB múa bồng thôn Triều Khúc lại lo chuẩn bị cho đội múa hầu Thánh trong ngày đám của làng. Lệ thường, cứ mùng 6 Tết là các thành viên đội múa phải có mặt để tập luyện lần chót, nhưng từ sớm, anh Tuyển kỹ càng điện thoại từng người nhắc nhở. Đến xế trưa, sau khi cả đội ôn luyện chừng hơn một tiếng, thấy ổn, anh mới cho anh em về nghỉ ngơi. Chiều mùng 8, anh Tuyển lại ra CLB, kiểm tra lần cuối những khâu chuẩn bị còn lại. Dù tất cả đã được sắp xếp gọn gàng từ trước Tết, nhưng anh vẫn lần giở, xem lại từng bộ trang phục, từng đôi tất, từng mẩu phấn son. “Tất cả phải chu đáo, để chiều mùng 9 anh em trong CLB đến là thay trang phục mới, trang điểm tại chỗ, sau đó sẽ di chuyển xuống đình dưới múa hầu Thánh” - anh Tuyển nói.

 Đoàn rước trang nghiêm, trọng thể, còn “con đĩ” thì cợt nhả, đôi lúc gây trò chọc ghẹo mọi người.

Đoàn rước trang nghiêm, trọng thể, còn “con đĩ” thì cợt nhả, đôi lúc gây trò chọc ghẹo mọi người.

Từ ngày múa bồng được ghi danh là một trong 10 điệu múa cổ hay nhất, nổi tiếng nhất của đất Thăng Long xưa, làng Triều Khúc được nhiều người biết đến hơn. Ông Triệu Khắc Sâm, năm nay đã 85 tuổi kể lại, múa bồng không thể thiếu trong lễ hội truyền thống làng Triều Khúc, diễn ra từ mồng 9 đến 12 tháng Giêng. Tương truyền, khi Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng đánh thắng quân nhà Đường, ngài dừng chân tại đất Triều Khúc để khao quân. Trong buổi lễ đó, ngài cho nam giới cải trang thành nữ múa để khích lệ tinh thần quân sĩ. Người múa đeo một chiếc trống nhỏ trước bụng, vừa múa vừa đánh trống nên có tên gọi là múa trống bồng.

Đặc sắc nhất của múa bồng Triều Khúc là trai giả gái trong màn múa. Các chàng trai chưa vợ mặc váy đụp, yếm đào, cổ quàng tấm lụa nhỏ có hình hoa lá thêu cách điệu, đầu chít khăn mỏ quạ, đánh môi son, má hồng. Trống bồng là kiểu trống dài, nhỏ, sơn màu đỏ, được các chàng trai đeo trước bụng bằng một dải lụa đỏ thắt bỏ múi ra phía sau lưng.

Trong ngày đám, múa bồng được biểu diễn ngay ở phương đình, vào giữa các tuần tế. Lúc rước kiệu thì các đội múa phải đi trước kiệu để múa hầu Đức Thánh. Khi múa, các chàng trai tay vừa vỗ trống, vừa múa các động tác mềm mại, nhịp nhàng với từng bước di chuyển, lắc thân. Đặc biệt, trong lúc múa, con mắt phải lả lơi liếc ngang, liếc dọc. Bởi thế, dân gian có câu “lẳng lơ như đĩ đánh bồng”. Múa bồng khó ở chỗ người múa làm sao vừa thể hiện được nét lẳng lơ của người con gái, vừa khoáng đạt, mạnh mẽ, toát lên tinh thần thượng võ của một nam nhi. Cùng với người múa, ban nhạc hoạt náo tung hứng bằng những tiếng thanh la, tiếng trống tạo nên không khí vừa rộn ràng, nhộn nhịp, vừa linh thiêng, huyền bí.

“Nhiều người hỏi, tại sao điệu múa trống bồng còn có tên “con đĩ đánh bồng”. Thật ra, ban đầu tên điệu múa này là múa bồng, sau này dân gian mới gọi nôm là “con đĩ đánh bồng”. “Đĩ” ở đây là từ cổ, có nghĩa là “gái”, hàm nghĩa ngợi khen chứ không có ý tục như nhiều người lầm tưởng” - ông Sâm giải thích.

Theo các nhà nghiên cứu, điệu múa bồng có ở nhiều nơi, nhưng riêng ở Triều Khúc, điệu múa này giữ được nguyên hồn cốt và thần thái. “Con đĩ đánh bồng” được đánh giá là điệu múa cổ thuần Việt nhất, với những động tác mô phỏng đời sống nông nghiệp của cư dân xưa. Đây cũng là điệu múa có đời sống thực sự trong dân gian, vừa có chức năng nghi lễ, vừa có chức năng giải trí. Trải qua thăng trầm, điệu múa cổ vẫn được dân làng Triều Khúc gìn giữ, trở thành nét văn hóa rất riêng của mảnh đất này.

Nặng gánh bảo tồn

Giờ đây, ai cũng công nhận múa bồng Triều Khúc là di sản quý. CLB múa bồng Triều Khúc có hơn 30 thành viên, không chỉ đảm nhiệm việc múa hầu Thánh trong ngày hội làng mà còn thực hành ở nhiều không gian khác nhau. Người có công đưa múa bồng hồi sinh mạnh mẽ không ai khác, chính là cố nghệ nhân Triệu Đình Hồng. Nhưng thật đáng tiếc, ông Hồng đã mất cách đây vài năm. Tất cả những “gánh nặng” bảo tồn múa bồng bây giờ đè nặng lên vai lớp trẻ - những người vốn đã quá nhiều bận rộn.

Chủ nhiệm CLB Nguyễn Huy Tuyển tự nhận, từ ngày ông Hồng mất đi, đội múa “như rắn mất đầu”. Là người đích thân được ông Hồng chọn “kế nghiệp” nhưng anh không thể so sánh được với người tiền nhiệm, nhất là về tài năng và kể cả sự nhiệt tình, năng nổ. Ngày ông Hồng còn sống, anh chỉ “phụ việc”, còn bây giờ, các thành viên tham gia “chỉ ở mức tròn vai”, thiếu sự chủ động. Người chủ nhiệm phải làm hầu như tất cả công việc, từ biểu diễn đến tổ chức, hậu cần, không khỏi nhiều khi thấy “mỏi”. Rồi còn khoản tế nhị là thù lao cũng khá đau đầu. Rất thẳng thắn, anh Tuyển cho biết, nhiều sự kiện CLB biểu diễn nhưng không có thù lao. Quỹ thì không có để chi, vì vậy, anh lại phải vận động, “nói khó” để các thành viên vui vẻ tham gia.

“Tiếng là CLB mấy chục người nhưng có nhiều sự kiện chúng tôi huy động được 3 đôi múa đã khó. Những người làm nghề tự do còn nghỉ được một hai hôm, còn các bạn làm công ty, những bạn còn đi học làm sao nghỉ được. Đành phải thông cảm với các bạn vì công việc, vì còn phải kiếm sống”.

 Màn “giáp bụng” đặc trưng của múa bồng.

Màn “giáp bụng” đặc trưng của múa bồng.

Anh Tuyển tâm tư, từ ngày nghệ nhân Triệu Đình Vạn, Triệu Đình Hồng mất đi, múa bồng Triều Khúc “trắng” nghệ nhân. Vẫn biết “tre già măng mọc”, nhưng những người gìn giữ di sản múa bồng vẫn không khỏi chạnh lòng, nhất là nhìn sang những di sản dân gian khác. Rồi thì, các nhà khoa học vẫn khuyến cáo, cần để những điệu múa cổ tồn tại tự nhiên trong không gian, trong cộng đồng, chính nơi mà nó đã sản sinh và lưu truyền… Nhưng ai có thể vui, khi CLB chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của xã và cả huyện Thanh Trì. Các hoạt động của CLB vẫn phần nhiều dựa vào cộng đồng làng xã và sự nhiệt tình của một vài cá nhân đơn lẻ…

Tuy nhiên, điểm sáng là lớp truyền dạy múa bồng được nghệ nhân Triều Đình Hồng mở từ các năm trước nay vẫn được duy trì tốt. Một số em có năng khiếu, múa tốt, tới đây dần dần có thể múa được ở hội làng. Ngoài ra, 2 em đang được đào tạo gõ thanh la, có triển vọng thay thế được lớp đàn anh. Theo anh Tuyển, đào tạo người gõ thanh la mới là khó vì cần cả năng khiếu, cả sức khỏe, “dạy mười người may ra mới được một”, vì vậy, đây là tín hiệu rất khả quan.

“Lại sắp Tết rồi. Đi biểu diễn các nơi cả năm, nhưng với chúng tôi, múa trong ngày lễ Thánh vẫn là hồi hộp, thiêng liêng nhất. Mặc váy áo vào, tai nghe tiếng thanh la, tiếng trống là chúng tôi quên đi tất cả những âu lo đời thường, say sưa cùng điệu múa nghìn tuổi của quê hương” - anh Tuyển chia sẻ.

Khánh Ngọc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/la-loi-con-di-danh-bong-post282420.html