Lá thư cảm ơn tòa của người phụ nữ lam lũ...

Bà H. đã lặn lội đạp xe đến báo Pháp Luật TP.HCM gửi lời cảm ơn đến TAND quận 9 (TP.HCM) vì đã xử đúng, giúp bà nhận thấy công lý vẫn luôn tồn tại...

Bà đạp xe hơn 20 cây số từ phường Long Thạnh Mỹ, quận 9 (TP.HCM) đến báo Pháp Luật TP.HCM gửi thư và lời cảm ơn TAND quận 9. Thư có đoạn: Cho tôi nhắn gửi đến mọi người cần tin tưởng ở sự công bằng, nghiêm minh của luật pháp...

Chuyện khá lạ bởi các cơ quan báo chí xưa nay quen với chuyện công dân đến tố cáo tòa xử bất công, oan sai… chứ hiếm có người nào đến cảm ơn tòa như trường hợp của bà.

1. Không kịp gặp tại cơ quan, tôi tìm đến nhà bà. Thông tin để lại chỉ có địa chỉ nhưng cũng chỉ là nơi người quen cho bà đăng ký hộ khẩu nhờ, thực tế bà không ở đó. Tìm sang nơi bà tạm trú đã gần 11 giờ trưa. Sau một hồi tìm kiếm, tôi cũng gặp được bà. Qua lời kể của bà, vụ việc rõ ràng hơn...

Cả đời lam lũ song nghèo vẫn hoàn nghèo, bà quyết định xa chồng, mang hai con từ Nghệ An vào TP.HCM mưu sinh. Hằng ngày bà buôn gánh bán bưng, chạy đầu đường cuối chợ kiếm từng đồng bạc lẻ. Người thân không nhiều, bà và gia đình một người anh bà con xem nhau như ruột thịt. Khi chị dâu bệnh nặng, bà lấy tiền dành dụm được cho anh vay. Vì tình cảm anh em họ hàng, bà không viết giấy tờ. Sau khi chị hết bệnh, bà nhiều lần đến nhà anh xin lại tiền nhưng chỉ nhận về lời hứa “sẽ trả”. Thậm chí nhiều lần không những không đòi được tiền, bà còn bị gia đình mà bà xem như ruột thịt xua đuổi, đánh đập…

Ngày 11-1-2007, người anh viết cam kết: “Trả nợ cho cô H. 50 m 2 đất, tính bằng tiền mặt. Thành tâm xin lỗi vì những tổn hại về danh dự, sức khỏe, nhân phẩm đã gây ra cho cô H. Bồi thường sự tổn thất này bằng 50 m 2 đất. Tổng cộng 100 m 2 tính bằng tiền mặt theo giá trị tại thời điểm bán được đất”.

Nhưng tất cả cam kết chỉ nằm trên giấy. Khoảng tháng 9-2009, người anh bán đất, không trả bà tiền. Hết cách, bà chạy đi cầu cứu tòa đòi lại công bằng. Bà con chung quanh khu bà ở trọ gom góp được hơn 14 triệu đồng cho bà mượn đóng án phí. Trước khi tòa mở phiên xử, không ai nghĩ bà sẽ thắng. “Họ hù tôi mất hồn, bảo mày không có xu mô cho tòa sao thắng nổi, rồi tiền đâu mà mày đóng tiền thua kiện” - bà kể trong nghẹn ngào.

2. Tới lui chốn pháp đình, lần đầu tiên bà được nghe những từ ngữ như tạm ứng án phí, chủ tọa phiên tòa, hội thẩm nhân dân, những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng… Bà không biết phải làm những thứ giấy tờ, thủ tục gì. Bà vừa khóc vừa trình bày.

Chị thư ký nhẹ nhàng bảo bà bình tĩnh rồi hướng dẫn tận tình, tỉ mỉ những việc cần làm khi khởi kiện dân sự. Lên phòng thẩm phán lấy lời khai, bà lại khóc. Vị thẩm phán bảo đã đến đây rồi thì phải tin tưởng tòa, có gì nói tòa nghe… Sau đó, vị thẩm phán hướng dẫn bà đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (Sở Tư pháp TP.HCM) nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi miễn phí.

Bà được gặp luật sư, được động viên: “Chị yên tâm. Tòa sẽ có cách giải quyết thấu tình đạt lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho chị”…

Tuy nhiên, tại các phiên hòa giải, người anh bảo do bà đe dọa và ép buộc nên ông phải viết bản cam kết. Vì tình nghĩa, ông đã đưa bà 150 triệu đồng. Ông không đồng ý trả thêm cho bà đồng nào. Ông nói: “Một xu cũng không trả, cứ xử đi rồi biết tay”. Trước thái độ hung hăng của phía người anh, không thấy tòa nói gì, làm bà lo lắng bội phần.

Lúc tòa tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện, trả lại tiền bà đã tạm đóng án phí, bà không tin đó là sự thật. Bà quên luôn cả chuyện chào các vị trong HĐXX. Bà cũng chưa nói một lời cảm ơn với họ. Bà phải ngồi thật lâu tại ghế đá trong sân tòa để định thần. Cạnh bà, vị luật sư nói: “Trong vòng 15 ngày, các bên liên quan có quyền kháng cáo phán quyết của tòa cấp sơ thẩm. Có gì chị cứ gọi em”… Bà cũng không hiểu lắm về hai chữ “kháng cáo” nhưng nghe vậy, bà yên tâm hơn và tin rằng chuyện mình thắng kiện là thật. Bà tin rồi mình sẽ có tiền trả nợ và về quê, xa đất Sài Gòn có muôn ngàn người nhập cư khốn khổ như mình.

Ngay ngày hôm sau, bà đạp xe đến báo Pháp Luật TP.HCM nhờ chuyển lời cảm ơn của mình đến TAND quận 9 và luật sư. Thà muộn còn hơn không bao giờ! Bà bảo giờ nghĩ lại, sau các vụ việc, bà thấy hổ thẹn khi đã từng nghĩ tòa nhiệt tình vậy chắc tòa che mắt mình, rồi sẽ xử mình thua bởi “mình đâu có xu mô cho họ”...

3. Tôi tìm đến tòa để ghi nhận vụ việc của bà... Qua một số thủ tục, tôi được gặp vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Thẩm phán chia sẻ rằng đây là vụ việc phức tạp về chứng lý và những người tham gia tố tụng. Bà H. nộp đơn khởi kiện từ tháng 10-2009. Tính từ ngày lập bản cam kết đến khi bà khởi kiện đã hơn hai năm, tức đã hết thời hiệu khởi kiện theo quy định của pháp luật. Thế nhưng tòa lưu ý đến chi tiết “sẽ trả tiền khi bán được đất”. Do vậy, thời hiệu không tính từ ngày lập bản cam kết mà tính từ ngày người anh bán được đất. Xem xét lại thì đúng là vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa. Tuy nhiên, bà H. chỉ có chứng cứ duy nhất là bản cam kết trả nợ viết tay. Phía người anh thì bảo đã cho bà tiền, còn chuyện hứa cho đất thì nay đất không còn nên không cho nữa. Án dân sự thì người nào có chứng cứ mạnh người đó thắng. Trong khi đó, chứng cứ bà nộp cho tòa quá yếu...

Thẩm phán tâm sự, nghiên cứu hồ sơ, tòa đã xác định giải quyết theo hướng bác đơn khởi kiện của bà. Cuối cùng thực tế sinh động tại phiên tòa đã làm đảo ngược tình hình. Hôm ấy tòa nghị án lâu hơn thường lệ. Tòa nhận định không thể có chuyện do bị bà đến cơ quan gây sức ép nên ông anh mới viết bản cam kết trả nợ. Theo lẽ thường, nếu ông anh không nợ thì không gì phải sợ. Là người có trình độ và vị thế trong xã hội, ông anh dư bản lĩnh để nói chuyện đúng sai với bà. Việc ông anh bảo vì thấy bà nghèo nên thương, coi như bố thí làm phước cho bà 50 m 2 đất, bây giờ đất không còn nên không trả là không có cơ sở. Thực tế, ông đã bán đất năm 2009 và chưa chứng minh được việc đã trả nợ và bồi thường tổn thất cho bà. Bà cũng không công nhận việc ông đã trả tiền...

“Nhiều năm làm công tác xét xử, tôi nhận được lời cảm ơn cũng nhiều mà bị chửi bới cũng lắm. Tôi bằng lòng với phán quyết của mình. Phán quyết ấy là công minh, dựa trên những chứng cứ tòa được cung cấp và quá trình tranh luận tại phiên tòa. Niềm tin nội tâm cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến phán quyết của tòa” - vị thẩm phán trải lòng.

Tiếp lời, vị thẩm phán bảo rằng việc bảo vệ công lý, đem lại công bằng cho mọi người là nhiệm vụ của người làm công tác tố tụng. Bao năm rồi ông luôn tâm niệm không được làm việc gì trái với lương tâm nghề nghiệp, trái với các quy định của pháp luật và đạo đức xã hội...

PHƯƠNG LOAN

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20111127122726279p1063c1016/la-thu-cam-on-toa-cua-nguoi-phu-nu-lam-lu.htm