Lạc lối trong vườn nho trĩu quả ngay gần Hà Nội

Nho hạ đen được một số người dân tại xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng đem về canh tác thử nghiệm cách đây khoảng 4 năm. Những năm gần đây, ngoài việc chuyển đổi từ một số giống cây canh tác đem lại hiệu quả kinh tế thấp sang trồng nho, một số hộ còn kết hợp làm du lịch xanh, thu hút được nhiều người đến tham quan.

Từ những thửa ruộng bị bỏ trống của người dân, gia đình chị Nguyễn Hồng Hạnh (29 tuổi) - chủ vườn nho Hợi Hường đã mạnh dạn đầu tư thuê lại đất và chuyển đổi qua mô hình trồng nho hạ đen với mong muốn vừa phát triển được kinh tế vừa có thể kết hợp làm du lịch.

Với diện tích trồng nho lên đến 5000 m2, hiện tại vườn nhà chị Hạnh có khoảng 1.500 gốc nho, chủ yếu là nho hạ đen được lấy giống từ Đại học Nông Lâm Bắc Giang, bên cạnh đó cũng có một số ít là nho móng tay, nho sữa được gia đình trồng thí điểm với số lượng ít.

Theo chị Hạnh, gia đình bắt đầu chuyển qua mô hình trồng nho từ năm 2020 khi thấy việc trồng những giống hoa màu như trước không còn đem lại hiệu quả kinh tế cao: "Gia đình tôi đã đầu tư vào vườn nho này hơn 1 tỷ đồng vừa mua giống, vừa xây dựng hệ thống tưới tiêu cũng như là làm giàn cho nho leo... Do thời tiết miền bắc có nhiều đợt sương muối, mưa muối nên bắt buộc phải có mái che nếu không cây sẽ bị tụt lá, hỏng lá, thậm chí là chết cây".

Những trận mưa bất chợt khiến việc chăm sóc nho càng khó khăn hơn đối với người nông dân.

Chị Hạnh cho biết giống nho hạ đen có xuất xứ từ Trung Quốc và được trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang trồng thí điểm từ khoảng năm 2017. Gia đình chị đã bắt đầu đi tìm hiểu về giống cây và cách làm ở nhiều nơi như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn. Đến khoảng tháng 10/2020, gia đình trồng thành công 600 gốc nho Hạ đen không hạt với sự giúp đỡ kỹ thuật của Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang, sự hướng dẫn của Trung tâm khuyến nông Thành phố, Trạm khuyến nông huyện.

Thời điểm hiện tại, nho trong vườn đã bắt đầu chín nên nhà vườn sẽ buộc những chùm nho chín trong túi vải mỏng để bảo vệ nho khỏi các loại động vật như chim, chuột.

Do khí hậu miền bắc không mấy thuận lợi cho việc trồng nho nên tốc độ sinh trưởng và năng suất của nho phải trông chờ nhiều vào thời tiết: "Giống nho này trồng khoảng 7 tháng đã cho thu hoạch. Một năm thường sẽ thu hoạch được 2 vụ là vào tháng 6 và tháng 11 nếu thời tiết thuận lợi. Còn nếu gặp năm nào rét mạnh vào đúng đợt hoa nở thì hoa sẽ bị teo và không đậu quả".

Đây giống nho có độ sinh trưởng khỏe, ngọt và quả tròn, thịt quả dày, nhanh cho thu hoạch. Giống nho hạ đen đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các nhà vườn, hiện tại vườn nhà chị Hạnh đang bán với giá khoảng 120.000 - 150.000 đồng/kg. Mỗi năm lợi nhuận thu về từ vườn nho đạt khoảng 400 triệu đồng.

Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, hiện tại vườn nho hạ đen nhà chị Hạnh còn là điểm tham quan thu hút nhiều người dân và du khách. Chủ vườn nho Hợi Hường cho biết năm đầu trồng nho thì gặp Covid - 19 phải giãn cách, nhà vườn phải đẩy mạnh quảng bá trên mạng xã hội. Sau đợt giãn cách, người dân tìm về vườn để trải nghiệm rất đông, có những ngày thu được đến 10 triệu tiền vé vào vườn.

Nho bắt đầu chín từ khoảng giữa tháng 5, đến giữa tháng 6 là thời điểm nho chín rộ nhất và khi đó nhà vườn bắt đầu mở cửa đón khách. Vé vào cửa đối với người lớn là 30.000 đồng/người và trẻ em là 20.000 đồng/người. Khi đến với vườn nho, du khách sẽ được trải nghiệm tự tay cắt những chùm nho tươi sạch từ trên cây xuống và mua về làm quà nếu có nhu cầu.

Lâm Thùy Dương

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lac-loi-trong-vuon-nho-triu-qua-ngay-gan-ha-noi-post1636787.tpo