Lạc quan với tình hình kinh tế

(baodautu.vn) Khoảng 41,6% doanh nghiệp sẽ giữ nguyên quy mô sản xuất - kinh doanh trong năm 2010; 42,6% doanh nghiệp sẽ mở rộng hoạt động của mình, chỉ có khoảng 3,7% doanh nghiệp bất an với tình hình hiện tại.

Đây là một phần kết quả khảo sát nhanh về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam hậu khủng hoảng do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hợp tác với Viện Cạnh tranh châu Á (Trường Chính sách công Lý Quang Diệu - Singapore) thực hiện trong tháng 12/2009, vừa được công bố. Có thể thấy, 200 doanh nghiệp đang hoạt động tại TP.HCM, Hà Nội và khu vực lân cận trong bán kính 100 km tham gia khảo sát tỏ ra khá lạc quan với tình hình kinh tế năm 2010, tuy những thách thức mà các doanh nghiệp lo ngại khi khảo sát là không nhỏ. Cụ thể, trong số các yếu tố chi phí tác động tới sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, thì chi phí vận chuyển và chi phí nguyên liệu tăng được cho là có tác động lớn nhất, với khoảng 60% doanh nghiệp phải gánh chịu. Chi phí vốn và lao động là các tác động mạnh tiếp sau đó và là thách thức nổi cộm của khoảng 50% doanh nghiệp. Với các yếu tố tài chính, khoảng 50% doanh nghiệp phàn nàn về tiếp cận vốn vay ngân hàng và tiếp cận mua ngoại tệ khó khăn hơn trước đó… Chỉ khoảng 5% doanh nghiệp cho biết có thể vay vốn thuận lợi. Mức không vay được và có thể vay được 50% nhu cầu là khoảng 35% trong số doanh nghiệp được khảo sát. Đặc biệt, có tới 70% doanh nghiệp lo ngại về những biến động khó lường của kinh tế vĩ mô và thị trường. Mức này cao hơn khá nhiều so với tỷ lệ 50% doanh nghiệp lo ngại về tình hình năm 2009 trong điều tra một năm trước đó. Có lẽ sự lạc quan về tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2010 của các doanh nghiệp này nằm nhiều ở sự chủ động đổi mới của chính họ. Có tới 78,6% doanh nghiệp khẳng định họ đã đổi mới về dịch vụ và sản phẩm so với chính mình, cao hơn mức 56,8% của đợt khảo sát tháng 12/2008). Mức độ đổi mới của doanh nghiệp so với thị trường cũng đã tăng lên, từ khoảng 63% của năm 2008 lên 66,4% của lần khảo sát tháng 12/2009. Tuy vậy, có một thực tế là những thay đổi trên chưa mang lại doanh thu thực cho các doanh nghiệp. Khảo sát về tỷ lệ hàng hóa đổi mới trên tổng doanh thu năm 2009 cho thấy, phần hàng hóa mới theo tiêu chí so với thị trường chỉ khoảng 16,1% (thấp hơn mức 25,3% của lần khảo sát cuối năm 2008); phần hàng hóa mới theo tiêu chí so với doanh nghiệp cũng giảm, còn 19,1% so với gần 21% của năm trước. Tỷ lệ hàng hóa dịch vụ không thay đổi lại tăng lên, đạt 64,8% so với trên 53% của năm trước. Bên cạnh đó, bà Phạm Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI) cho rằng, những phân tích từ những mẫu hỏi và trả lời của các doanh nghiệp cho thấy, các biện pháp cụ thể mà doanh nghiệp sử dụng trong thời gian qua chủ yếu ứng phó với các vấn đề ngắn hạn, trong khi họ lại tự nhận định rằng đã tận dụng áp lực của khủng hoảng để tái cơ cấu và sửa đổi kế hoạch kinh doanh. “Ngay trong giải pháp kinh doanh cho năm 2010 và thời gian tới, cũng chỉ có 11,6% doanh nghiệp cho rằng, sẽ củng cố ngành kinh doanh cốt lõi”, bà Hằng cho biết. Nhìn lại những dự báo vào thời điểm tháng 12/2008 về năm 2009, thực tế tỷ lệ doanh nghiệp lạc quan hơn so với tình hình thực của doanh nghiệp cũng không phải ít. Khi đó, 43,2% nghĩ là sẽ mở rộng quy mô sản xuất trong năm 2009; 6,8% thu hẹp sản xuất - kinh doanh… Nhưng trên thực tế, sau một năm, có tới 8,9% doanh nghiệp đã thu hẹp quy mô và chỉ khoảng 34,2% thực sự ở rộng sản xuất. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, nhiều doanh nghiệp cho rằng, những kế hoạch của doanh nghiệp phụ thuộc rất mạnh vào tình hình thị trường, những chính sách kinh tế vĩ mô. Đây là lý do mà rất nhiều doanh nghiệp yêu cầu đẩy mạnh công tác dự báo, cải cách thủ tục hành chính, cũng như tiến hành những chính sách hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, các yếu tố này dường như chưa đủ mạnh để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. “Nếu như các ý kiến này của doanh nghiệp đến được các cơ quan hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu kinh tế một cách kịp thời, thì có thể thêm một dữ liệu từ thực tế để các chính sách đi gần với thực tế hơn, hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nói.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietdoanhnghiep/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/doanhnghiep/moitruongkinhdoanh/9ae1ffcf7f00000101dada0be10f4ae4