Lạc vào xứ chuối

Hãy khoan tặc lưỡi khi nhắc đến chuối - loài cây nghe có vẻ quê mùa này đang mang đến cuộc sống ấm no cho người dân vùng đất Tân Long (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) nằm chênh vênh bên dãy Trường Sơn, phủ xanh những bản làng sát với biên giới Lào...

Đi trên quốc lộ 9 qua thị trấn Khe Sanh, cửa khẩu Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), chúng tôi bắt gặp nhiều vườn chuối xanh rì, nhìn từ xa như những thảm cỏ trải tít tắp hết quả đồi này đến ngọn đồi khác. Nhưng người ta vẫn chỉ kháo nhau rằng nói đến chuối hãy tìm về xã Tân Long. Đến đây, chúng tôi như lạc vào một xứ sở màu xanh vừa thân quen, vừa kỳ lạ… “Xã buôn lậu” đổi đời Cách thị trấn mờ sương Khe Sanh chừng 7 km về phía cửa khẩu Lao Bảo, xã Tân Long lâu nay nức tiếng khắp vùng bởi là mảnh đất của chuối. Ở đây, chuối hiện hữu mọi nơi. Nhìn vào đó, ít ai biết rằng chỉ chừng dăm năm về trước, nơi đây cỏ cây xác xơ, đất đai bạc màu và là một điểm nóng của nạn buôn lậu hàng hóa… Nguồn cội của người dân xã Tân Long là ở xã Triệu Long, huyện Triệu Phong. Ngược thời gian, khoảng từ năm 1975-1976, hưởng ứng việc di dân từ đồng bằng lên vùng cao lập khu dân cư mới, người dân Triệu Long lũ lượt dắt díu nhau lên nơi núi rừng bạt ngàn này. Vốn quen với cuộc sống ở nơi đồng sâu chiêm trũng, nay lại phải khởi nghiệp ở nơi đất đai khô cằn, không có lấy một mảnh ruộng nước, lại lóa mắt bởi đồng tiền kiếm được quá dễ dàng, họ đã tự biến mình thành những tay buôn lậu gian xảo và hung hãn. Rầm rộ nhất là thời gian từ những năm 1980 - 1990, đa số người dân xã Tân Long đều là chủ hàng lậu, hay chí ít cũng là phận “cua rạm” chuyên gùi vác hàng lậu luồn theo rừng cây chạy dọc sông Sê Pôn để về xuôi. Những người có tuổi trong xã Tân Long kể lại rằng ở thời điểm đó, vào bất kỳ nhà nào cũng có thể bắt gặp “kho” thuốc lá Jet, rượu ngoại chất đống… Đến con nít từ nhỏ đã lấy các hộp thuốc Jet làm đồ chơi nên chỉ vừa mới “nứt mắt” cũng đã theo cha chú đi buôn lậu… Ông Nguyễn Trị (55 tuổi, tay buôn lậu một thời nay đã giải nghệ sống ở thôn Long Thành) kể: “Lúc đó chúng tôi kiếm tiền dễ lắm. Cả làng, cả xã đi buôn lậu, ai cũng tiền bạc rủng rỉnh nên cũng chẳng ai quý đồng tiền…”. Cũng vì thế nên người Tân Long dạo đó có câu vỗ ngực rằng: “Không trồng cây chi có lợi như cây… thuốc Jet”. Qua hơn 15 năm, cây chuối đã khẳng định được chỗ đứng ở xã này. Trong khi nhiều nơi cũng trồng nhưng chuối không ngon, không đẹp như ở chỗ chúng tôi. Cây chuối đã tạo nên những chuyển biến lớn trong tư duy làm ăn của những người dân từng tham gia buôn lậu và đã xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ… Ông Đỗ Văn Khả, Chủ tịch UBND xã Tân Long Cho đến khi các lực lượng chức năng ra quân rầm rộ những đợt truy quét buôn lậu lớn, nhỏ trên tuyến đường 9, dọc sông Sê Pôn thì nạn buôn lậu ở xã sát cửa khẩu Việt - Lào này mới lắng xuống. Thời “hoàng kim” của buôn lậu qua biên giới đã lùi xa, người dân Tân Long giờ cũng không dại gì cứ mãi chui rúc, lẩn trốn trong chốn rừng thiêng nước độc để gùi chuyển hàng trong khi mức chênh lệch giá hàng lậu không được như xưa nữa. Đúng lúc ấy thì nhiều người đi tiên phong đã cho người dân nơi đây thấy rằng có một loài cây sinh lời không thua gì “cây thuốc Jet”, được chính quyền khuyến khích trồng, lại được sống thanh thản chứ không phải thường xuyên nơm nớp lo sợ - đó là cây chuối. Ban đầu nhiều người bĩu môi, chê ỏng eo vì vẫn nghĩ nải chuối bán được ba cọc ba đồng, nhưng đến cuối năm, thấy người trồng chuối đều đặn thu tiền một cách “nhẹ nhàng” thì họ thay đổi suy nghĩ. Nhiều người nhanh chóng bỏ lấy cái nghiệp buôn lậu vốn chẳng lấy gì làm thơm tho để được làm nông dân ngày ngày lên rẫy phát nương, trồng chuối. Chẳng mấy chốc, không cần đến lực lượng chức năng bắt bớ, chính quyền vận động mà nhiều trùm hàng lậu, dân “cua rạm” tự nguyện “gác kiếm” để làm ăn chân chính. Theo ông Đỗ Văn Khả, Chủ tịch UBND xã Tân Long, thì từ năm 1995, dân Tân Long bắt đầu chuyển hướng trồng chuối và đã gặt hái thành công. Làm giàu nhờ... chuối “Gặp những buồng chuối đẹp mà bán đúng vào thời điểm Tết, có khi chúng tôi bán được cả triệu bạc/buồng là thường. Thế nên chuối Tân Long được xem là một món quà biếu khá sang trọng chứ không phải thường đâu nhé!”, ông Đoàn Giá (66 tuổi, ở thôn Long Hợp) khoe ngay với chúng tôi trong những phút đầu trò chuyện. Ông Giá nói không ngoa bởi ở thời điểm ra Tết rồi mà những chuyến xe tải vẫn rầm rập kéo về đây, bốc lên xe ăm ắp chuối. Chuối Tân Long bây giờ không những tỏa đi nhiều nơi trong nước mà còn được xuất ngoại (sang Trung Quốc), nhiều “đại gia” trồng chuối nổi lên trong xã cũng đang tính cách ra nước ngoài thuê đất trồng chuối (sang Lào)… “Đại gia” Đoàn Trang trong vườn chuối của mình và lũ trẻ trong xã chơi đùa với chuối - Ảnh: N.Phúc Cả diện tích đất của xã Tân Long nay dường như đã dành hết cho việc trồng chuối, hộ thường thường thì có khoảng 1,2 ha, khá hơn khoảng gần 100 hộ có từ 5 ha trở lên và đặc biệt ngót nghét 10 hộ có hơn 10 ha chuối… Đi trong xã, có thể bắt gặp nhiều ngôi nhà được xây mới khang trang với đầy đủ các kiểu dáng, chẳng có nét gì thường thấy ở một phố núi heo hút cạnh đường biên. Ở Tân Long, ngày càng nhiều những người nông dân cục mịch trở thành “đại gia” nhờ vườn chuối, điều đặc biệt là họ còn rất trẻ. Ghé nhà anh Đoàn Trang (thôn Long Hợp), chúng tôi không khỏi giật mình bởi cơ ngơi mà chàng trai sinh năm 1976 này có được. “Nhà này mình mới xây từ năm 2009 vì năm đó mình trúng gần 600 triệu đồng tiền bán chuối…”, Trang lý giải. Hiện anh có khoảng 15 ha trồng chuối nằm trên 4 quả đồi với khoảng 8.000 gốc chuối cho thu hoạch đều đặn mỗi năm. Anh trai của Trang ngày xưa can ngăn anh trồng chuối, “động viên” anh tiếp tục đi buôn hàng thì nay lại lóp ngóp theo em lên rẫy học nghề… Toàn xã Tân Long có 848 hộ (3.600 khẩu) thì đã có hơn 600 hộ trồng chuối với diện tích khoảng 950 ha, hằng năm thu về hơn 20 tỉ đồng từ việc bán chuối; nhiều hộ gia đình có thu nhập từ chuối khoảng 300 - 500 triệu đồng/năm... “Nổi tiếng” không kém anh Trang ở trong xã vì độ táo bạo cũng như thành công trong việc trồng chuối là anh Võ Hoành (35 tuổi, thôn Long Thành). Anh Hoành cũng có ngót nghét 11 ha chuối trên địa bàn. Bình thường thì bán lai rai, đến dịp Tết thì cứ gọi là “ung dung ngồi đếm tiền”. “Riêng từ ra Tết đến giờ, bán cầm chừng mà tui cũng đã có được gần 40 triệu đồng”, anh Hoành hể hả. Giá chuối ngày thường bán chỉ độ 5.500 đồng/kg, nhưng cứ đến dịp Tết, toàn xã Tân Long cứ như được “đón Tết ngay trên nương”. Bởi chỉ cần vài buồng chuối đẹp, trái căng tròn, đều nhau… là người bán có thể hét giá cao nhưng người ta vẫn giành nhau mua. Thế nên nhiều người dân nơi khác đến đây không khỏi ngưỡng mộ “mấy cha nớ trồng chuối nhưng mà xài tiền triệu đó…”. Nay, Tân Long chẳng còn mang dáng dấp của một “xã buôn lậu” phức tạp nữa, mà chỉ có những con người siêng làm lụng dù bàn tay, quần áo của họ dính nhiều mủ chuối, nhìn không mấy tươm tất nhưng đồng tiền họ làm ra thì rất sạch. Nguyễn Phúc

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/201016/20100417194607.aspx