Lại bức xúc chung cư

Trên thị trường bất động sản ở các đô thị lớn nhiều năm qua, “tranh chấp/ mâu thuẫn chung cư” là một từ khóa thuộc loại “nảy lửa”. Gần đây nhất, 1.000 cư dân tại Capital Garden, 102 Trường Chinh, quận Đống Đa, Hà Nội đồng loạt căng bạt, treo băng rôn phản đối sai phạm của chủ đầu tư, phản ứng việc cắt điện nước của chủ đầu tư chung cư này từ trưa 14/7, khiến sinh hoạt của hàng trăm cư dân bị đảo lộn, gây bức xúc.

Trước đó vài ngày, hàng trăm người dân tại dự án Happy Star Tower (phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội) “tố” chủ đầu tư là Công ty TNHH Vintep Hà Nội đã có nhiều sai phạm, quảng cáo một đằng, thực hiện một nẻo. Đối thoại không thành công, cư dân đã treo băng rôn phản đối chủ đầu tư, đồng thời nhờ tới sự can thiệp của chính quyền sở tại…

Chưa bàn đến chuyện đúng sai, có thể thấy rất nhiều lý do dẫn đến nảy sinh mâu thuẫn từ cả hai phía. Đó có thể là việc chủ đầu tư giao nhà chậm tiến độ, công trình thay đổi thiết kế, không đúng cam kết, thu phí bất hợp lý, áp đặt các quy định ngặt nghèo với cộng đồng dân cư... Cũng có trường hợp, người mua nhà kỳ vọng quá lớn, đưa ra những yêu cầu vượt quá khả năng đáp ứng của chủ đầu tư.

Trong khi đó, mặc dù đã có những quy định của pháp luật để xử lý những tranh chấp loại này, nhưng lại nằm rải rác trong nhiều văn bản luật, nghị định, thông tư... trong khi diễn biến các vụ kiện tụng chung cư ngày càng phức tạp, liên quan đến hàng ngàn người và căng thẳng đến mức tiềm ẩn gây bất ổn xã hội.

Đã đến lúc tập hợp, hệ thống hóa và luật hóa các quy định có liên quan, trong đó một nguyên tắc quan trọng cần quán triệt là đối với chung cư – một loại hàng hóa đặc biệt - bán được hàng không thể là sự kết thúc hoàn toàn giao dịch. Đồng thời, một yêu cầu không kém phần quan trọng khác là hình thành cơ chế giải quyết tranh chấp một cách đơn giản, hiệu quả, bảo vệ được người yếu thế (chẳng hạn như hình thức trọng tài). Thực tế, cũng đã có trường hợp một số doanh nghiệp bất động sản thách thức khách hàng kiện ra tòa vì cho rằng một vụ kiện thường kéo dài, tốn kém, người mua nhà không đủ nhân lực và tài chính để theo đuổi khiếu kiện đến cùng.

Về phần mình, người mua nhà cũng cần hành xử thận trọng, bình tĩnh và đúng pháp luật trước, trong khi mua nhà và suốt cả quá trình sử dụng, không nên có những hành vi vi phạm pháp luật trong lúc bức xúc (như gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản của chủ đầu tư), rất dễ xôi hỏng bỏng không, không đòi được vạ, mà “má thì sưng”.

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/lai-buc-xuc-chung-cu.aspx