Lại đề nghị dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu

(TBKTSG Online) - Chính phủ đang đề nghị Quốc hội xem xét sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước nhằm khơi thông luồng tín dụng đang đóng băng trong nền kinh tế.

Tư Hoàng

Nợ xấu lên đến 500.000 tỉ đồng. Ảnh TL SGT.

Trong một báo cáo đánh giá về tái cơ cấu nền kinh tế gửi tới Quốc hội, Chính phủ thừa nhận tái cơ cấu hệ thống ngân hàng còn chậm và vì thế đề xuất Quốc hội “xem xét dành một phần ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu” của các doanh nghiệp nhà nước.

Đây không phải lần đầu Chính phủ đề nghị Quốc hội dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu vốn tích lũy dày đặc trong mấy năm vừa qua. Tuy nhiên, đề xuất này đã từng không được chấp nhận trước đây.

Còn hiện nay chưa rõ Quốc hội sẽ phản ứng lại đề xuất này như thế nào.

Trong khi đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng chỉ than thở không có đồng ngân sách nào để xử lý nợ xấu tại phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây.

Ông Bình chỉ đề nghị tăng vốn của Công ty VACM thêm 2.000 tỉ đồng; và thừa nhận rằng, số vốn này là rất “nhỏ bé” để mua khối nợ xấu cỡ khoảng 200.000 tỉ đồng từ nay đến năm 2015.

Thống đốc cũng không dám đề nghị dùng tiền ngân sách. Ông Bình nói: “Chúng tôi cũng biết rằng đất nước chúng ta còn vô vàn khó khăn, ngân sách phải chi tiêu vào nhiều mục tiêu cũng hết sức cấp thiết. Do vậy, việc sử dụng ngân sách trong giai đoạn hiện nay chúng tôi cũng không dám đặt ra”.

Theo báo cáo giám sát của Quốc hội, từ năm 2012 đến hết tháng 6/2014, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được hơn 201.000 tỉ đồng nợ xấu.

Báo cáo lo ngại rằng, nợ xấu đang có xu hướng tăng lên. Báo cáo cũng thừa nhận rằng, còn thiếu nguồn lực tài chính để xử lý nợ xấu.

Việc đề xuất dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu đã gặp phản ứng ghê gớm trong mấy ngày qua, khi một thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Việt Nam xem xét kinh nghiệm Hàn Quốc và Thái Lan trong việc huy động nguồn tài chính của người dân trong xử lý nợ xấu.

Nợ xấu phát sinh trong vài năm qua do sự dễ dãi của nhiều ngân hàng khi cho vay dưới chuẩn mực. Vấn đề “rủi ro đạo đức” trong ngành này đã trở nên đặc biệt báo động, theo nhiều chuyên gia.

Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu 2014 cuối tháng 9 vừa qua, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cảnh báo tình trạng có doanh nghiệp đã dùng kho cà phê đem thế chấp ở 7 ngân hàng mà đến khi thanh lý hóa ra chỉ toàn lá với cỏ khô mà vay được tới 700 tỉ đồng.

Con số nợ xấu hiện nay là bao nhiêu vẫn là vấn đề gây tranh cãi dù Thống đốc gián tiếp thừa nhận con số này phải lên 500.000 tỉ đồng tại phiên giải trình vừa qua.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/120936/lai-de-nghi-dung-ngan-sach-nha-nuoc-de-xu-ly-no-xau.html/