Lại đi tìm động lực cho kinh tế tư nhân

Ông Võ Thành Đăng, Chánh văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, kể rằng chính quyền Singapore đã đưa ra những chính sách rất minh bạch, thân thiện cho khởi nghiệp.

Sản xuất sản phẩm cơ khí tại một doanh nghiệp. Ảnh: MAI LƯƠNG

Cụ thể, theo ông Đăng, bất kỳ ai, người Singapore hay người nước ngoài, có thể đăng ký doanh nghiệp online trong năm phút, chuyển phí năm phút... Doanh nghiệp muốn đăng ký tài khoản ngân hàng không còn bị bị đòi hỏi tiền mặt, thay vì phải có tới 10.000 đô Singapore như trước đây. Chính quyền Singapore hỗ trợ doanh nghiệp về mặt pháp lý rất tốt, doanh nghiệp sai ban đầu thì được chỉ dẫn, sai lần nữa mới bị phạt. Ông nói: “Ở đó thích nhất là an toàn, chỉ dẫn rất rõ ràng. Vì thế, nhiều doanh nghiệp sang đó thành lập, ta đang mất đi lực lượng trẻ sang đầu tư ở Singapore”.

Những nút thắt muôn thủa

Nhìn lại môi trường kinh doanh ở ta, nhiều người không thể không chạnh lòng. Bà Ninh Thị Ty, chủ một doanh nghiệp trồng rừng và xuất khẩu sản phẩm, kể doanh nghiệp có đất ở Bắc Ninh nhưng chín năm nay không làm sao làm sổ đỏ được. Bà thừa nhận, doanh nghiệp cũng có lỗi do thiếu kiến thức, “nhưng có lẽ lỗi của chúng tôi dưới 50%; lỗi của chính sách phải trên 50%”.

Chủ tịch tập đoàn Phú Thái, ông Phạm Đình Đoàn, kể gần đây một doanh nghiệp Nhật Bản hỏi ông, làm sao để tìm thuê ngoài một doanh nghiệp giúp họ tiếp các đoàn thăm viếng từ chính quyền, đoàn thể. Doanh nghiệp này phải tiếp quá nhiều đoàn, nhưng cử ông phó giám đốc thì không được các đoàn đồng ý. “Nạn nhũng nhiễu nặng nề lắm”, ông nói.

“Chúng ta cần kiên trì thị trường và thị trường hơn; tự do và tự do hơn; an toàn và an toàn hơn” thì mới khuyến khích khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển”.

Ông Nguyễn Đình Cung,
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết trong một lần khảo sát tại một doanh nghiệp phân phối ở Hà Nội, ông mới hiểu thêm khó khăn của họ. Trong thời gian dài doanh nghiệp này phải tiếp tới ba đoàn kiểm tra mỗi tuần, mỗi lần phải cử ba người ra tiếp. “Không một doanh nghiệp nào có thể có chi phí và kiên nhẫn để đáp ứng số đoàn kiểm tra như vậy”, ông Sơn nhận xét. Một lần khác, ông Sơn tiếp xúc với một hộ chăn nuôi heo liên kết với doanh nghiệp nước ngoài. Hộ dân này chỉ làm thủ tục xin phép, xây dựng chuồng trại và chăn nuôi heo còn doanh nghiệp nước ngoài cung cấp vốn, giống, vệ sinh dịch tễ và đầu ra. Hộ gia đình đó có doanh thu 1 tỉ đồng/năm, trừ chi phí thì còn lãi 500 triệu đồng. Gần đây, doanh nghiệp nước ngoài đề nghị hộ gia đình nâng cấp lên thành doanh nghiệp để dễ hoạch toán, song sau khi tính toán, họ quyết định không tiến hành việc này vì lo chi phí lớn. “Rõ ràng, họ không muốn lớn lên”, ông Sơn nói.

Ở bình diện quốc gia, tình hình doanh nghiệp cũng có gì đó chưa ổn, nhất là trong năm 2016, năm ghi nhận số doanh nghiệp khai sinh ở mức kỷ lục 110.000.

Theo ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê), những số liệu từ Tổng cục Thuế mà ông nhận được cho thấy điều đáng lo ngại. Chỉ có 41% trong doanh nghiệp thành lập năm 2016 đi vào hoạt động và tạo ra doanh thu tính tới quí 1-2017; có nghĩa hơn 60.000 doanh nghiệp còn lại gần như chưa tạo ra tác động đến bức tranh kinh tế nói chung.

Tính toán của ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết thêm, trong suốt hơn thập kỷ qua, đóng góp của doanh nghiệp tư nhân trong GDP chỉ vỏn vẹn khoảng 7-10% GDP, nhỏ hơn so với tỷ lệ khoảng 32% của kinh tế cá thể và 17-18% của doanh nghiệp FDI.

Lại phải thay đổi tư duy

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong doanh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất ở Việt Nam chỉ có khoảng 100 doanh nghiệp tư nhân. Gần đây, các địa phương như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang và Quảng Ninh nổi lên nhờ phát triển nhanh và đều không dựa vào các doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, hầu như tất cả các sản phẩm có nhãn mác đẹp, bán chạy đều là của tư nhân. Khẳng định chưa có quốc gia nào trên thế giới phát triển thành công nhờ doanh nghiệp nhà nước, ông nói: “Các tỉnh này thoát khỏi chỗ dựa là doanh nghiệp nhà nước là thành công... Hãy nhìn như vậy để thấy, Việt Nam cũng không thể khác các nước khác, kinh tế tư nhân phải là nòng cốt trụ cột của nền kinh tế”.

Quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân và doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước có chuyển biến từ Đại hội X, và thực sự được coi trọng từ Đại hội XII khi khẳng định: “Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước”. Tuy nhiên, theo ông Sơn, đến nay vẫn chưa thống nhất trong nhận thức về khu vực kinh tế tư nhân. Chẳng hạn, như nội hàm xã hội chủ nghĩa của kinh tế thị trường, hay kinh tế nhà nước là chủ đạo là gì, hay vai trò của Nhà nước và thị trường trong nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa được tách biệt ra sao. Ông nói: “Trong lý luận về sự phát triển của kinh tế tư nhân vẫn chưa thực sự thống nhất. Các trường đại học vẫn nhắc đến bóc lột trong giá trị thặng dư...”.

Theo ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thời điểm này không nên băn khoăn về tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân nữa vì đây là nền tảng của kinh tế thị trường mà Việt Nam theo đuổi. “Cả loài người đều xác định như vậy, chúng ta không cần băn khoăn nữa”, ông nói. Điều quan trọng là cần thay đổi lại hệ thống chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhà nước, như trong lĩnh vực hầm mỏ, dầu khí, cao su... sang cho doanh nghiệp tư nhân. “Cần tạo môi trường công bằng cho các tập đoàn tư nhân lớn lên, còn nếu để họ sợ không lớn, không muốn lớn, hay lớn mà phải phạm tội, thì không ai muốn lớn cả”.

Ông Cung đồng tình: “Muốn cho khu vực kinh tế tư nhân có cơ hội phát triển thì phải cải cách doanh nghiệp nhà nước. Chúng ta phải làm thật đi, đừng hình thức nữa”. Bên cạnh đó, phải bỏ cơ chế xin - cho trong phân bổ nguồn lực. Để đảm bảo an toàn trong kinh doanh thì phải cải cách hệ thống tư pháp và tòa án để khi doanh nghiệp có tranh chấp thì họ sẽ nghĩ đến tòa án chứ không cần nghĩ đến quen ai. “Cần tăng quyền khởi kiện của doanh nghiệp. Cơ quan nhà nước ra chính sách làm doanh nghiệp chết tức tưởi thì doanh nghiệp phải có quyền khởi kiện”, ông nói. Ông Cung kết luận: “Chúng ta cần kiên trì thị trường và thị trường hơn; tự do và tự do hơn; an toàn và an toàn hơn” thì mới khuyến khích khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/159433/lai-di-tim-dong-luc-cho-kinh-te-tu-nhan.html/