Lại kiến nghị bỏ Thông tư 37

Một nhóm các nhà khoa học đã lên tiếng kiến nghị Bộ Công Thương bãi bỏ Thông tư 37/2015/TT-BCT ngày 30-10-2015 của bộ này quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may đã gây phiền hà cho doanh nghiệp lâu nay.

Thông tư 37 đang được cho là gây khó khăn cho DN. Ảnh TL

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), việc ban hành Thông tư 37 của Bộ Công Thương, thay thế Thông tư 32 và có hiệu lực thi hành từ ngày 15-12-2015, là trái Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Việc Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp thực hiện kiểm tra hàm lượng formaldehyt đối với sản phẩm dệt may là trái luật.

Theo nghiên cứu của CIEM, biểu hiện trái luật của Thông tư 37 như sau:

Một trong những căn cứ của Thông tư 37 là Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21-11-2007. Theo khoản 1, Điều 5, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định: chất lượng sản phẩm, hàng hóa được quản lý trên cơ sở tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Căn cứ vào khả năng gây mất an toàn, sản phẩm, hàng hóa được quản lý như sau:

a) Sản phẩm, hàng hóa nhóm 1 được quản lý chất lượng trên cơ sở tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng;

b) Sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 được quản lý chất lượng trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng.

Căn cứ quy định này, bà Thảo nhận xét, Bộ Công Thương chỉ được ban hành các quy định về việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt trong sản phẩm dệt may nếu sản phẩm dệt may thuộc Sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, theo Thông tư số 08/2012/TT-BCT ngày 9-4-2012 của Bộ Công Thương ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương thì không có sản phẩm dệt may.

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Thông tư 37 đã làm tăng chi phí giám định hàm lượng formaldehyt đối với lô hàng vải nhập khẩu về sản xuất là 2 triệu đồng/1 mẫu vải. Thậm chí đối với các lô hàng nhập khẩu về làm mẫu theo hình thức chuyển phát nhanh, có khi chỉ có 5-10 mét vải, doanh nghiệp vẫn phải kiểm định hàm lượng formaldehyt và chi phí vẫn là 10 đô la Mỹ.

Hiệp hội này kiến nghị Bộ Công Thương rà soát, sửa đổi Thông tư 37 vì có nhiều nội dung quy định không rõ ràng, dẫn đến cách hiểu khác nhau trong quá trình thực hiện, mà người chịu thiệt (tốn thời gian, chi phí) chính là doanh nghiệp.

Ngoài ra, Hiệp hội cho rằng, Thông tư 37 chưa thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 19 các năm gần đây là “cải cách toàn diện các quy định về môi trường kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển căn bản sang hậu kiểm”.

“Thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã và đang gây mất nhiều thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, việc nhập khẩu chậm chễ làm gián đoạn sản xuất, phá vỡ thời gian giao hàng, khiến doanh nghiệp có thể bị phạt, bị cắt đơn hàng, hoặc làm đội giá thành sản phẩm, giảm năng lực cạnh tranh”, báo cáo của Hiệp hội cho biết.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/148647/lai-kien-nghi-bo-thong-tu-37.html/